Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bị tín dụng đen quấy rối qua mạng tại Bình Dương

13:49 - 23/11/2024

Các đối tượng này thậm chí gọi điện bằng tiếng Nhật tới các Tổng Giám đốc người Nhật, yêu cầu sa thải công nhân có nợ tín dụng đen, một số nhân sự công ty còn bị đe dọa.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra ý kiến tại buổi đối thoại. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra ý kiến tại buổi đối thoại. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Tại buổi đối thoại giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức ngày 22/11, một vấn đề nổi cộm đã được đưa ra: tình trạng tín dụng đen và các tổ chức tài chính quấy rối doanh nghiệp qua mạng nhằm đòi nợ công nhân.

Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc mà còn làm gián đoạn hoạt động sản xuất, gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo phản ánh từ đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, các tổ chức tín dụng đen lợi dụng thông tin cá nhân của người lao động, như vị trí làm việc và chức danh, để liên hệ trực tiếp qua nhiều kênh.

Cụ thể, các cuộc gọi liên tục được thực hiện tới số điện thoại cố định của doanh nghiệp nhằm yêu cầu xác nhận thông tin người vay, đồng thời gây cản trở giao tiếp với khách hàng. Hộp thư email của bộ phận nhân sự cũng bị "tấn công" bởi hàng loạt tin nhắn, làm trôi các email công việc quan trọng.

Đáng chú ý, các đối tượng này thậm chí gọi điện bằng tiếng Nhật tới các Tổng Giám đốc người Nhật, yêu cầu sa thải công nhân có nợ tín dụng đen. Một số nhân sự công ty còn bị đe dọa, gây áp lực qua tin nhắn hoặc cuộc gọi cá nhân.

Đại diện Phó phòng an ninh mạng Công an tỉnh Bình Dương cho biết, phần lớn các trường hợp này liên quan đến việc vay tiền qua các ứng dụng di động (App) và mạng xã hội.

Các ứng dụng này thường yêu cầu người vay cho phép truy cập toàn bộ dữ liệu trên điện thoại, từ đó thu thập danh bạ, tin nhắn và hình ảnh để phục vụ việc đòi nợ.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là do một bộ phận công nhân gặp khó khăn tài chính, không thể tiếp cận các khoản vay hợp pháp và buộc phải tìm đến tín dụng đen. Sự tồn tại của SIM rác và tài khoản mạng xã hội nặc danh càng khiến tình trạng quấy rối trở nên phức tạp.

Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã xử lý 37 yêu cầu liên quan đến quấy rối qua mạng, nhưng đa phần không xác định được đối tượng do tính ẩn danh cao. Đồng thời, 10 đối tượng cho vay nặng lãi truyền thống và qua mạng đã bị bắt giữ.

ttxvn_doanh_nghiep_nhat_ban_tin_dung_den_2211-2.jpg
Toàn cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Ngoài ra, Công an tỉnh cũng phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý 43 đối tượng liên quan đến tín dụng đen trực tuyến. Trước tình trạng này, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các ứng dụng mạng do chi phí cao và nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân. Các doanh nghiệp hoặc cá nhân bị quấy rối có thể tố cáo qua số trực ban Công an tỉnh hoặc Phòng An ninh mạng. Đồng thời, báo cáo số điện thoại quấy rối qua tổng đài 156 để Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời xử lý.

Công an tỉnh Bình Dương cũng cam kết tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để siết chặt quản lý viễn thông, xử lý SIM rác và các hành vi quấy rối qua mạng. Doanh nghiệp và người dân được kêu gọi cung cấp dữ liệu để hỗ trợ điều tra, xử lý triệt để các tổ chức tín dụng đen.

Bên cạnh tín dụng đen, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nêu lên nhiều khó khăn về chính sách, hạ tầng và lao động tại Bình Dương. Đại diện các doanh nghiệp chế xuất đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể về việc tái sử dụng vật liệu đóng gói để đảm bảo tuân thủ pháp luật, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Một vấn đề quan trọng khác là tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại địa phương. Dù đã kết nối với các trung tâm việc làm, nhiều doanh nghiệp cho biết lao động trẻ hiện nay có xu hướng làm việc tại nước ngoài, gây áp lực lớn cho hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài được cho là còn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực quốc tế. Các doanh nghiệp kỳ vọng Ủy ban Nhân dân tỉnh cải thiện quy trình và đưa ra biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.

Về hạ tầng giao thông, các doanh nghiệp đề xuất phát triển đường cao tốc kết nối cảng biển và sân bay với Bình Dương, đồng thời khuyến khích sử dụng giao thông công cộng như xe buýt điện để giải quyết tình trạng gia tăng phương tiện cá nhân.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành đã lần lượt trả lời các ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến những vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm.

Tỉnh đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 93% tại 29 khu công nghiệp hiện có và dự kiến mở thêm 10 khu công nghiệp mới giai đoạn 2023–2030. Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi sang mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ-thông minh, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà, khẳng định chính quyền địa phương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững...

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong số 65 quốc gia đầu tư tại Bình Dương, Nhật Bản đứng thứ 2 với số lượng dự án là 357 dự án và tổng vốn đầu tư là 5 tỷ 978 triệu USD, chiếm tỷ lệ 8% về số dự án và 14% về số vốn./.

Nguồn: Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bị tín dụng đen quấy rối qua mạng tại Bình Dương | Vietnam+ (VietnamPlus)