Nhiều bất cập trong việc cấp phép khai thác khoảng sản cho các dự án giao thông quốc gia
07:13 - 06/10/2023
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại một số tỉnh phía Nam.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia (dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và dự án Đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu) của UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp.
Theo đó, KLTT chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc cấp phép khai thác, thu hồi khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp.
Đối với UBND tỉnh Bình Thuận, KLTT chỉ ra một số hạn chế trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai sau cấp phép khai thác khoáng sản cho Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết, có thủ tục chậm trễ (giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất), có trách nhiệm thuộc về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đối với UBND tỉnh Đồng Nai, tại Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, KLTT chỉ ra việc thu hồi vật liệu san lấp không được thực hiện theo các thủ tục quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010, từ việc thăm dò, xác định loại khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện các thủ tục khác liên quan đến điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dụng thông thường.
Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật khoáng sản và Luật Đất đai; do Luật Đất đai năm 2013 có quy định về khuyến khích cải tạo đất nông nghiệp nhưng việc thu hồi đất làm vật liệu san lấp phát sinh trong quá trình cải tạo đất chưa được hướng dẫn cụ thể; đặc biệt, do nhu cầu cấp thiết về vật liệu san lấp của Dự án cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, nếu triển khai tiếp các thủ tục theo quy định thì không thể đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định gia hạn giấy phép khai thác đá cho Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm (mỏ đá Soklu 1), điều chỉnh giấy phép khai thác và tăng thời hạn khai thác cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà (mỏ đá Soklu 2), ban hành giấy phép thay thế giấy phép đã cấp qua đó tăng diện tích và thời hạn khai thác cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà (mỏ đá Soklu 5) là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trên là do việc áp dụng quy định pháp luật của UBND tỉnh Đồng Nai và Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân khách quan do Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định về việc các giấy phép đã cấp trước ngày 01/7/2011 được hoạt động khai thác đến hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng không có hướng dẫn thi hành cụ thể, trong khi Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành có nội dung quy định về việc gia hạn giấy phép.
Việc cấp phép đã dẫn đến một khối lượng đã được khai thác và cung ứng ra ngoài thị trường, mặc dù đơn vị khai thác đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí theo quy định, nhưng vi phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
“Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT cùng các tổ chức, cá nhân liên quan (do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định)”, KLTT nêu.
Đối với UBND tỉnh Đồng Tháp, tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu. UBND tỉnh Đồng Tháp gia hạn khai thác cát đối với 12 giấy phép hết hạn sau ngày 01/7/2011 là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010; cấp mới 07 giấy phép khai thác cắt thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trên địa bản tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp cát ra thị trường là chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15/2012/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
KLTT chỉ ra nguyên nhân chủ yếu vi phạm trên là do do việc áp dụng quy định pháp luật của UBND tỉnh và Sở TN&MT tỉnh chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân khách quan do Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định về việc các giấy phép đã cấp trước ngày 01/7/2011 được hoạt động khai thác đến hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng không có hướng dẫn thi hành cụ thể, trong khi Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành có nội dung quy định về việc gia hạn giấy phép.
Việc cấp và gia hạn giấy phép khai thác cát không đúng đã dẫn đến một khối lượng cát lớn được khai thác và cung ứng ra thị trường.
Mặc dù khối lượng cát được khai thác cũng là nhằm mục tiêu phục vụ cho nhu cầu bức thiết của xã hội, sau khi được cấp phép khai thác, các nhà đầu tư đã nộp tiền cấp quyền khai thác, thực hiện khai thác cát và kê khai nộp các loại thuế theo quy định; UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo rà soát, cho phép các giấy phép đang hoạt động được khai thác đến ngày 30/6/2023, sau đó tổ chức đấu giá; tuy nhiên, vì phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
“Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT và các tổ chức, cá nhân có liên quan (do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định)”, KLTT nêu rõ.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chị đạo đối với đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo kiểm điểm xử lý về việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất tại các mỏ đất được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù của Chính phủ theo quy định của Đảng và Nhà nước.
UBND tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét, xử lý phù hợp theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc cho phép thu hồi vật liệu san lấp cung cấp cho dự án cáo tốc Phan Thiết - Dầu Giây, việc gia hạn giấy phép không đúng quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010 và việc cấp phép khai thác đá tại khu vực mỏ đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác nhưng không chỉ định cung cấp cho các công trình theo quy định.
KLTT cũng nêu rõ, qua quá trình kiểm điểm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền...
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.