Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn xã An Khánh và An Phú Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đang được triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, quá trình thi công đường cao tốc này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của hàng trăm hộ dân trong khu vực như thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu ruộng vườn; không có đường dân sinh phục vụ đi lại, sản xuất…
Mất lối đi, thiếu nước tưới
Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài gần 23km, vốn đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng; trong đó, đoạn qua huyện Châu Thành gần 10,5km và qua tỉnh Vĩnh Long hơn 12,5km.
Dự án khởi công tháng 2/2021 và kế hoạch hoàn thành trong năm 2023. Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, từ khi triển khai thi công đường cao tốc đến nay, cuộc sống và sản xuất của người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng.
Hơn 2 năm qua, anh Lâm Hoàng Nhơn cũng như nhiều người dân ở xã An Khánh rất lo lắng vì phần đất ruộng của mình có thể bị “cách ly," không thể canh tác.
Anh Nhơn cho hay, đường cao tốc đi qua, chia phần đất của anh thành 2 khu. Hiện tại, việc canh tác khu đất ruộng rộng 1ha rất gian nan vì bị ngăn cách bởi con đường cao tốc đang xây dựng; tốn nhiều công sức, chi phí vận chuyển lúa giống, phân bón và lúa sau thu hoạch…
Điều anh Nhơn lo nhất là không lâu nữa, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ hoàn thành, anh sẽ không còn đường đi vào ruộng lúa vì chưa có đường dân sinh song song với cao tốc.
Ông Nguyễn Văn Bình ngụ xã An Khánh cho hay, vì thi công đường cao tốc làm ảnh hưởng việc tưới tiêu cho 3ha ruộng và vườn cây ăn quả của gia đình ông vì hệ thống dẫn nước nhỏ hẹp và bị bồi lắng, không đủ phục vụ tưới tiêu.
Còn ông Phan Văn Lắm cùng ngụ xã An Khánh không những bị ảnh hưởng về nguồn nước tưới cho 4.000m2 vườn cây ăn quả mà còn gian nan tìm nguồn nước sinh hoạt.
Ông Lắm cho biết trước đây, phía trước nhà ông là con đường rải đá nhỏ chạy dọc theo kênh Cả Trinh, vừa có đường giao thông, vừa có nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, nhưng để thi công đường cao tốc, kênh Cả Trinh bị san lấp.
Vậy là hơn 2 năm qua, gia đình ông Lắm rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, nước tưới và không có lối đi. Muốn vào nhà, ông phải đi nhờ trên đất của nhiều hộ dân khác. Mỗi tháng, ông phải mua gần 20 bình nước lọc để uống và nấu ăn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành Lê Minh Trung cho biết trong quá trình thực hiện dự án cao tốc, được đa số hộ dân trong khu vực đồng tình, ủng hộ; thực hiện tốt việc giao mặt bằng để đơn vị thi công triển khai theo tiến độ.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã phát sinh những vấn đề làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống của hơn 170 hộ dân trong khu vực.
Đa số các thửa đất có công trình đường cao tốc đi qua bị chia cắt thành 2 thửa đất theo tuyến rất dài nhưng lại không có đường dân sinh. Khi đường cao tốc hoàn thành, người dân không có lối vào đồng ruộng để sản xuất và không có hệ thống cầu đi qua các kênh, rạch.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong khu vực thiếu điện sinh hoạt. Nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất gặp khó khăn vì một số đường nước hiện hữu đã bị san lấp; quá trình bơm cát thi công đã bồi lắng các kênh, đường dẫn nước và hệ thống dẫn nước nhỏ.
Về việc đặt cống tạm, vào mùa nắng hạn thì nước dẫn vào đồng ruộng không đủ để sản xuất, vào cuối mùa lũ lại thoát nước ra không kịp để sạ lúa vụ Đông-Xuân.
[Đồng Tháp cam kết cung cấp 7,4 triệu m3 cát để làm đường cao tốc]
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cầu, đường nông thôn.
Một số đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông. Cùng đó, các phương tiện xà lan chở cát, đá phục vụ dự án lưu thông ở mức độ cao, tải trọng lớn trong hệ thống sông, rạch trên địa bàn xã An Khánh, An Phú Thuận, Phú Hựu cũng góp phần gây ra tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông.
Tìm cách gỡ khó
Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành có liên quan đã làm việc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận; đến khảo sát thực tế tình hình ảnh hưởng đời sống, sản xuất của người dân khi thi công dự án này.
Theo Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu, qua nắm tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người dân, Đoàn đã đăng ký làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để kiến nghị bổ sung đường dân sinh 2 bên đường cao tốc.
Ông Trần Văn Sáu đề nghị Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công giải quyết ngay vấn đề liên quan đến thủy lợi, cống thoát nước để bà con ổn định sản xuất. Về đường điện cho các hộ dân, cơ quan chức năng cần có phương án, nhanh chóng giải quyết.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành tiến hành khảo sát để kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, bổ sung đầu tư mới hệ thống đường gom (đường dân sinh) dọc hai bên tuyến cao tốc nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân do đường cao tốc đi qua, chia cắt đất thành 2 thửa, không có lối đi vào đồng ruộng để sản xuất.
Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành đã đề xuất xây dựng 5 đoạn đường dân sinh (xã An Khánh 2 đoạn và xã An Phú Thuận 3 đoạn) với tổng chiều dài dự kiến hơn 7km.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu định kỳ, thường xuyên kiểm tra, khẩn trương thi công khắc phục kịp thời các tuyến đường bị ảnh hưởng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện đi lại bình thường cho người dân.
Sau khi gần kết thúc công trình, hết nhu cầu sử dụng các tuyến đường địa phương, nhà thầu phải có trách nhiệm thi công hoàn trả mặt đường đúng theo hiện trạng ban đầu tất cả các tuyến đường đã sử dụng.
Đồng thời, khảo sát chất lượng một số cầu trên tuyến đã xuống cấp trong quá trình phục vụ thi công, thuê tư vấn tiến hành kiểm định đánh giá chất lượng công trình cầu làm cơ sở khắc phục (nếu có).
Khi thi công hoàn trả xong, có trách nhiệm mời địa phương, phòng chuyên môn của Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành kiểm tra giải pháp khắc phục và lập biên bản tiếp nhận, bàn giao...
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Diệp Bảo Tuấn cho biết Ban quản lý dự án yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục những khó khăn trước mắt, rà soát vị trí kênh cấp thoát nước bị bồi lắng, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất và khắc phục một số đoạn đường xuống cấp để người dân lưu thông an toàn.
Đối với việc kiểm định các cầu nông thôn, đến tháng 11/2023, đơn vị sẽ yêu cầu các đơn vị kiểm định, khắc phục.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ phối hợp tỉnh Đồng Tháp và đơn vị tư vấn, giám sát công trình để khảo sát cụ thể việc bổ sung đường dân sinh của tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh đầu tư trên tuyến./.