Xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, gần như chỉ có một dân tộc, đó là người Dao đỏ và có dòng họ Triệu cũng như đông nhất xã. Gọi là Dao đỏ, bởi trong trang phục của tộc người này, từ mũ, khăn, túi sách, đến quần áo... tất cả các viền trang trí đều có màu đỏ, đặc biệt là những quả bông, được làm bằng loại sợi màu đỏ rực rỡ, lại rất to ngay trên ngực áo. Bao giờ cũng vậy, trước tết nguyên đán hàng tháng, những người sinh ra ở Hồ Thầu nói chung và người Dao đỏ nói riêng, dù đang công tác, làm việc ở đâu cũng đều chuẩn bị cho chuyến đi đầu xuân trở về quê hương. Đặc biệt là về dự Lễ hội khai xuân, được tổ chức vào những ngày đầu của năm mới, các ngày tổ chức lễ hội hằng năm không cố định, mà phụ thuộc vào ngày đẹp, giờ đẹp được các già làng, trưởng họ hay thầy tạo xem xét kỹ lưỡng, từ mồng 2 đến mồng 5 tháng giêng âm lịch.
Sáng ngày đã chọn, tất cả người dân trong xã cùng nhau kéo về khu trung tâm xã, thường thì họ mang theo nhiều thức ăn, đồ uống của ngày tết về dự lễ hội. Chiều hôm trước khi diễn ra lễ hội, những già làng, những ông trưởng họ đã cùng thanh niên trong xã chuẩn bị cho ngày lễ những thứ cần thiết, như đồ cúng, những thực phẩm, lương thực, bánh trái giành cho bữa ăn trưa.
Đúng giờ đẹp, giờ tốt, phần chính lễ được bắt đầu, những đồ lễ mang tính dân tộc, theo tập quán người Dao đỏ được bày ra một chiếc bàn dài, nơi được coi là chỗ trang nghiêm nhất, trước chiếc sân rộng ngay trụ sở UBND xã. Ngay giữa sân, phía trước bàn cúng tế là một đống củi to đã được thanh niên mang đến, xếp gọn gàng, như đống củi thường đốt trong những đêm lửa trại. Ông chủ lễ, đầu đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ, tay cầm hương có những sợi nen đỏ, bắt đầu ngồi xuống ghế, nơi chính giữa, hai bên là những thanh niên phụ lễ. Tiếng trống, tiếng thanh la, chụm choẹ được cất lên, bài cúng thần lửa bắt đầu bằng những câu “cầu may” cho một năm mới, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong “mưa thuận, gió hoà” muôn nhà khoẻ mạnh.
Rồi sau đó là nhân ngày đầu xuân, chủ lễ bắt đầu chuyển sang phần tế trời, tế đất, tế thần rừng, thần ruộng, thần suối, thần sức khoẻ đến với mọi nhà, mọi người, xin âm dương cho việc khai lộ đầu năm. Khi các thần đã đồng ý, cho phép được khai xuân, thì cũng là phần kêu cầu thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, về vui cùng lễ hội. Trong lúc chủ lễ cầu khấn, cũng là lúc người phụ lễ dùng một gióng vầu, hay gióng tre đã được chuẩn bị từ trước, được chẻ đôi, cầm chặt vào nhau như chưa hề chẻ ra, gieo xuống bàn, hay xuống đất, giữa khoảng đất trước bàn tế và đống củi. Hình thể cũng như việc “gieo quẻ” xin âm dương, khi hai mảnh tre hay vầu cùng ngửa, hay cùng xấp thì cũng có nghĩa là thần lửa đã đồng ý mang hơi ấm của mùa xuân về vui cùng dân bản. Còn nếu thần lửa chưa về, hay vì một lý do nào đấy mà thần lửa không đồng ý, thì gióng vầu, hay tre sẽ bật ra “một xấp, một ngửa”, chủ lễ phải cúng tế, xin lại, đến lúc nào được thì thôi.
Khi bắt đầu vào buổi lễ, cũng là lúc đống củi được đốt lên, đến khi này, đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy. Những người muốn được nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” là luôn lấy que tre gõ liên tục vào những nửa ống vầu đã chuẩn bị sẵn và sẵn sàng ngồi xin thần lửa cùng vui nhảy lửa, chủ lễ lại tiếp tục “gieo quẻ xin âm dương”, đến khi thần lửa đồng ý nhẩy lửa cùng hội xuân. Thường trong lễ hội nhẩy lửa của người Dao đỏ, thì cứ từng đôi một nhảy nhẩy với nhau. Họ đi chân không trên đống than, họ nhảy, họ lăn vòng trên than hồng khi lửa còn lem lém bốc cháy theo từng bước chân của họ.
Trong khi những đôi bắt đầu được thần lửa đồng ý cho nhảy lửa, thì cũng là lúc các đôi khác tiếp tục vào “hầu lễ” để được xin là người nhảy lửa tiếp theo. Cứ như vậy, đôi nọ, nối tiếp đôi kia cho đến khi đống tham hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do khói bụi và than để lại.
Thật là kỳ lạ, chẳng có ai bỏng chân tay, cháy quần áo, mắt ai cũng như nửa say, nửa tỉnh, ánh lửa mùa xuân như vẫn rừng rực cháy bùng lên, rừng rực trong lòng họ. Đây cũng có thể gọi là “Lễ hội nhẩy lửa tình xuân”, bởi tình xuân, tỉnh yêu, sự khát khao cũng đang rực cháy trong hàng trăm đôi mắt của các cô gái người Dao đang dõi theo những chàng trai chưa có gia đình, trong lễ hội nhảy lửa đầu xuân. Để rồi, ngày mai, ngày kia, khi hội xuân đã tan dần vào bầu trời xuân, rừng núi xuân, họ bắt đầu tìm đến nhau để nên vợ, nên chồng. Mùa xuân sau, họ lại địu con, theo chồng xuống cùng lễ hội khai xuân, mong thần lửa mang về cho họ hơi ấm của tình yêu, hơi ấm của những ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ ở Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang khác hoàn toàn với Lễ hội nhẩy lửa của người Pà Thẻn ở xã Tân Trịnh, Tân Bắc, huyện Quang Bình. Đây cũng chỉ là một phần trong lễ hội khai xuân của người Dao đỏ Hồ Thầu, như lễ hội đẩy gậy, đã để lại trong tôi một sự huyền bí của núi rừng, một ấn tượng khó quên về những gì mà vốn văn hoá, thuyết âm dương mà người Dao đỏ ở đây có được.
Không giống như lễ hội đẩy gậy trong môn thi đấu ở ngày Hội khoẻ các dân tộc, mà nó được “thần bí hoá” giữa mặt đất và con người. Khi cúng tế xong, một già làng mang một khúc tre có chiều dài gần bằng vai người đứng, hai đầu đều được cắt bằng, ra giữa một vòng tròn ở sân. Ông chống một đầu đoạn tre xuống đất, rồi lấy bàn tay phải xoa xoa lên đầu còn lại của đoạn tre. Vẫn để nguyên bàn tay trên đầu đoạn tre, dang thẳng cánh tay đi ba vòng quanh đoạn tre, như một chiếc Compa, miệng ông thầm nhẩm một câu “thần chú” gì đấy. Rồi bỗng nhiên ông đứng im lại, đoạn tre bắt đầu nhẩy dần lên khỏi mặt đất. Cũng đúng lúc này, hai người đẩy gậy, dù là bất cứ ai vào cầm đoạn tre ấn xuống mặt đất, nhưng đều bị một sức mạnh “vô hình hay siêu nhiên” nào đó đẩy ngược lên. Đã nhiều lần không tin vào cái trò ảo thuật có tính “quái dị” này, tôi cũng xăm xăm, cởi áo khoác vào đẩy gậy, ấn xuống mặt đất cùng với nhiều người cùng đi mà không được, đều bị mặt đất đẩy ngược lên. Mỗi lần đẩy như vậy kéo dài từ mười, tới hai mươi phút, rồi người chủ gậy, lại phải làm lại từ đầu.
Ông Triệu Đức Thanh, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cũng là người Dao đỏ ở đây, ông cho biết: Để có thể làm được chủ gậy cũng không phải dễ dàng gì, hiện tại ở Hồ THầu chỉ còn dăm người có thể làm được, trong đó có ông Bí thư Đảng ủy xã...
Rồi hội “hát mừng xuân”, hội thi đọc thơ, ca, hò vè, hát dân ca dân tộc... và nhất là khi xong phần lễ là phần hội xuống đồng, tết trồng cây, một sự khởi đầu cho một năm làm ăn mới. Một truyền thống đẹp và cũng mang đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Nhẩy lửa, đẩy gậy với người Dao ở Hồ Thầu, tôi thiết nghĩ “Lễ hội nhảy lửa”, “ Lễ hội đẩy gậy” của người Dao đỏ cần được nghiên cứu một cách thấu đáo để bảo tồn và phát triển. Lễ hội khai xuân này cũng rất cần sự đầu tư để có thể phát triển thành một Tuor du lịch văn hoá, là một điểm đến cho du khách trong tương lai.
Nhà văn Nguyễn Quang