Nhat Ban thuc hien bien phap can thiep tien te lon nhat trong lich su hinh anh 1Kiểm đồng 10.000 yen tại ngân hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Tài chính Nhật Bản vừa cho biết trong tháng 10/2022, chính phủ và Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) đã hai lần thực hiện “can thiệp tiền tệ không công khai” để ngăn chặn đà mất giá nhanh chóng của đồng yen.

Mức can thiệp trong ngày 21/10 lên đến 5.620,2 tỷ yen, cao nhất từ trước đến nay.

Ngày 21/10, tỷ giá đồng yen so với USD đã có thời điểm giảm xuống mức 151 yen đổi 1 USD, xác lập kỷ lục tỷ giá đồng yen so với USD xuống thấp nhất trong 32 năm.

Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng 5.620,2 tỷ yen để can thiệp vào thị trường và kéo tỷ giá đồng yen tăng 7 yen lên mức 144 yen đổi 1 USD. Mức can thiệp này cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 2.838,2 tỷ yen vào ngày 22/9.

Tiếp đó, đến ngày 24/10, Chính phủ Nhật Bản và BoJ cũng tiếp tục thực hiện biện pháp can thiệp tiền tệ với quy mô 792,6 tỷ yen.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2022 đến nay, các biện pháp can thiệp đã không được thực hiện do đồng yen có xu hướng tăng giá.

 

[Đồng yen giảm giá mạnh sau thông tin về người kế nhiệm Thống đốc BoJ]

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki, cho biết việc can thiệp ngoại hối vào tháng 10/2022 là biện pháp ứng phó thích hợp để đối phó với biến động quá mức của đồng yen do đầu cơ.

Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ xu hướng thị trường tiền tệ để có biện pháp phản ứng kịp thời.

Khi được hỏi về quy mô can thiệp, Bộ trưởng Suzuki cho rằng quyết định được đưa ra theo tình hình và dựa trên các phân tích mang tính chuyên môn.

Ông cũng từ chối đưa ra đánh giá khi cho rằng chưa thể loại trừ các biện pháp can thiệp có thể tiếp tục được áp dụng trong tương lai./.

Đức Thịnh (TTXVN/Vietnam+)