Viện nghiên cứu Recruit Works Institute dự báo Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040, thời điểm những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số ở nước này sau Thế chiến 2 bước sang tuổi 65 hoặc hơn.
Dự báo trên được đưa ra trên cơ sở ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ lao động theo giới và độ tuổi ở nước này. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm cùng với vấn đề già hóa dân số.
Theo Recruit Works Institute, ngoại trừ thủ đô Tokyo, tất cả các địa phương khác ở nước này đều rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Đáng chú ý, có tới 18 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản có tỷ lệ thiếu hụt lao động ở mức trên 20%. Thậm chí, tỷ lệ thiếu hụt lao động ở các tỉnh như Kyoto, Niigata và Nagano còn ở trên 30%.
Ở chiều ngược lại, tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh Shimane, Kagawa và Toyama được dự báo là khá thấp bởi vì, nhu cầu lao động ở các khu vực này sẽ giảm.
Nếu tính theo ngành, nghề, Recruit Works Institute dự báo ngành dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng sẽ có tỷ lệ thiếu hụt lao động đặc biệt cao, lên tới 25,3%. Tiếp đó là các nhân viên bán hàng, lái xe và công nhân xây dựng.
Ông Furuya Shoto, một nhà nghiên cứu tại Recruit Works Institute, cho biết tình trạng thiếu hụt mang tính cơ cấu ở Nhật Bản sẽ khiến cho kinh tế ở một số địa phương trở nên tồi tệ hơn. Nhật Bản không thể giải quyết vấn đề này nếu người dân không thay đổi tư duy.
[Nhật Bản nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với công chức nhà nước]
Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 2/2023, một nhóm tổ chức nghiên cứu công có trụ sở ở Tokyo đã dự báo trong thời gian từ nay tới năm 2040, Nhật Bản cần tăng số lượng lao động nước ngoài lên 6,74 triệu người, tức là tăng gần 300% so với con số 1,72 triệu người hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 1,24%/năm mà chính phủ nước này đã đặt ra.
Theo báo cáo này, lực lượng lao động trong nước có thể giảm hơn 10% trong 20 năm tới trong bối cảnh dân số nước này đã liên tục giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2008 do tỷ lệ sinh thấp, trong khi tốc độ già hóa dân số đang gia tăng.
Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu này, ông Shinichi Kitaoka, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thảo luận việc tiếp nhận lao động nước ngoài với tinh thần khẩn trương hơn trong bối cảnh sự cạnh tranh thu hút lao động nước ngoài sẽ gia tăng trong tương lai. Chúng ta cần phải có các biện pháp để giúp Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn trong dài hạn và trở thành điểm đến được các lao động nước ngoài lựa chọn.”
Hiện nay, khoảng 50% trong số lao động nước ngoài ở Nhật Bản đến từ Việt Nam và Trung Quốc. Nhóm các tổ chức nghiên cứu nhận định số lượng lao động nhập cư từ các nước khác như Campuchia và Myanmar sẽ tăng lên nhanh chóng trong 20 năm tới.
Tuy nhiên, nguồn cung lao động nước ngoài có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu do hệ thống nhập cư hiện nay, do đó Nhật Bản cần phải xem xét cấp thị thực dài hạn hơn./.