Tại “Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp” diễn ra chiều 20/3, nhiều nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (là các dự án đã được ký hợp đồng mua bán điện-PPA) nhưng không kịp mốc thời gian được hưởng cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại phương pháp tính giá mua điện đã được tính toán trong Quyết định 21 của Bộ Công Thương và tính toán khung giá điện chuyển tiếp phù hợp hơn.
Giá huy động còn thấp
Nhiều ý kiến đề xuất huy động nguồn điện năng lượng tái tạo trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền quyết định, với mức giá bằng khoảng 90% giá điện nhập khẩu (tức khoảng 6,2 cent/kWh).
Các lý do được nhà đầu tư đưa ra là khung giá điện chuyển tiếp theo hướng dẫn của Bộ Công Thương là quá thấp và chưa quan tâm tới những khó khăn của nhà đầu tư, nhất là trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, các khoản chi phí tăng cao và thời gian ảnh hưởng dịch khiến các dự án kéo dài…
[Bộ Công Thương giải đáp kiến nghị của 36 nhà đầu tư năng lượng tái tạo]
Trao đổi với phóng viên vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng của Tập đoàn T&T Group cho rằng, việc nhà đầu tư kiến nghị một giá là 90% giá nhập khẩu chỉ là giá tạm tính để có cơ sở cho EVN có thể kiến nghị lên Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ để huy động được nguồn điện này.
Cũng theo đại diện T&T Group, hiện nay chưa chốt được giá điện cuối cùng là bao nhiêu nên EVN không thể kiến nghị một mức giá cao hơn nếu không có cơ sở. Do đó, doanh nghiệp cũng chỉ căn cứ trên cơ sở giá điện nhập khẩu.
“Chính phủ Việt Nam chấp nhận nhập khẩu điện với giá là 6,95 cent/kWh thì không có lẽ gì mà các dự án điện trong nước đã đầu tư xong rồi mà lại không thể chi trả bằng giá điện nhập khẩu. Phía Nhà đầu tư đề xuất là 90% để đảm bảo vẫn thấp hơn khung giá trần mà Bộ Công Thương đã ban hành,” bà Nguyễn Thị Thanh Bình đề xuất.
Còn theo ông Phạm Lê Quang, Giám đốc phát triển dự án của Bamboo Capital Energy, nếu để đáp ứng một số các chỉ tiêu tài chính cơ bản của dự án và để doanh nghiệp đảm bảo được một số các chi phí đầu tư đã bỏ ra, vào khoảng 7 cent/kWh, là hợp lý đối với dự án điện Mặt Trời. Còn để đảm bảo có lợi nhuận thì phải cao hơn mức trên.
Trong khi đó, mới đây, 36 nhà đầu tư các dự án điện Mặt Trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam đã cùng ký tên trong một văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng quá trình ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng, việc giao cho EVN/EPTC (Tập đoàn điện lực Việt Nam/Công ty Mua bán điện) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn, phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính khách quan.
Phải chấp nhận “Luật chơi có thời hạn”
Chia sẻ với các khó khăn hiện hữu của nhiều nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời) đã không kịp tiến độ để được hưởng giá điện ưu đãi (giá FIT) theo các quy định của Nhà nước, song, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định, nhà đầu tư phải chấp nhận “luật chơi có thời hạn” về hưởng giá FIT, để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Ông Hùng cho rằng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Khung giá điện chuyển tiếp theo đúng các quy định của pháp luật và doanh nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và đơn vị mua điện là EVN cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn này.
Nhấn mạnh việc đàm phán trong khung giá, đầu tiên là hướng dẫn, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề xuất là EVN cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình các bước từ việc nộp hồ sơ.
Cụ thể hơn, một dự án cần nộp 10 tài liệu để chứng minh được dự án đó tuân thủ pháp luật, nhưng đến thời điểm nộp mới có 7 tài liệu thì còn các tài liệu khác (giấy phép điện lực, văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đưa vào xây dựng, đầu tư hay một số văn bản khác về phòng cháy chữa cháy…) có thể nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thì hướng dẫn cụ thể đến khi phải có đủ tài liệu mới bắt đầu đàm phán.
Mặt khác, là tiến hành đàm phán song song trên cơ sở những tài liệu cần thiết nào đó và những tài liệu còn lại thì cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đến khi ký PPA thì đương nhiên là nhà đầu tư phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đảm bảo dự án/phần dự án là tuân thủ đúng quy định pháp luật như Thông tư 15 đã nêu đối tượng chuyển tiếp của dự án…)
Dưới góc độ nhà mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua điện của Công ty mua bán điện (EVN) cho biết hiện nay do Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn chi tiết về phương pháp đàm phán cũng như danh mục các hồ sơ, tài liệu, cho nên phía Công ty mua bán điện đang sử dụng một số quy định hiện hành áp dụng chung cho các nhà máy điện khác.
Tuy nhiên, trong quá trình các nhà đầu tư gửi hồ sơ thì Công ty mua bán điện sẽ thẩm định và sẽ xem xét. Trong trường hợp đã đầy đủ theo yêu cầu rồi thì Công ty mua bán điện sẽ tiến hành đàm phán luôn và không phải đảm bảo gửi 100%, nhưng ít nhất là các nhà đầu tư phải hợp tác để gửi hồ sơ, tài liệu để Công ty xem xét trước.
“Trong quá trình làm, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp và khi Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết thì Công ty sẽ trên cơ sở đó hướng dẫn nhà đầu tư chi tiết hơn để đáp ứng được yêu cầu..,” ông Nguyễn Hữu Khải thông tin.
Còn theo ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán, để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.
Ông Nhân cũng khẳng định, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng, để các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật./.