Nguyên nhân chậm quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022

09:58 - 07/03/2024

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, thủ trưởng một số đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt quyết toán dự án hoàn thành; chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian...

Giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022.

Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ cơ bản các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định thời gian quyết toán. Tuy nhiên, ở cấp huyện, cấp xã, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn còn tình trạng chậm lập, thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Chưa chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán dự án hoàn thành

Về tình hình thực hiện quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022, báo cáo từ Bộ Tài chính nêu rõ cơ bản các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định thời gian quyết toán. Tuy nhiên, ở cấp huyện, cấp xã, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn còn tình trạng chậm lập, thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Một số hồ sơ của các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (NĐ 99) của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán như tờ trình phê duyệt quyết toán chưa nêu kết luận của thanh tra, kiểm toán; trường hợp có kết luận của thanh tra, kiểm toán nhưng chưa có ý kiến báo cáo tình hình chấp hành báo cáo thanh tra, kiểm toán; một số báo cáo kết luận thẩm tra quyết toán của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán còn sơ sài, chưa nêu việc chấp hành của chủ đầu tư đối với ý kiến kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước (nếu có); một số quyết định phê duyệt chưa đúng mẫu…

Nguyên nhân của việc này cũng được báo cáo của Bộ Tài chính nêu rất cụ thể: về phía các bộ, ngành, địa phương, thủ trưởng một số đơn vị (nhất là cấp huyện, xã) chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán dự án hoàn thành; chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, biểu mẫu, hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành.

Về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án (chủ yếu là ở cấp huyện, xã), nhà thầu chưa chấp hành đúng quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành để gửi cơ quan thẩm tra quyết toán thẩm tra theo quy định. Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chậm trễ trong việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục gửi cơ quan thẩm tra quyết toán; chưa tích cực phối hợp với cơ quan thẩm tra quyết toán cung cấp thông tin, giải trình… trong giai đoạn thẩm tra quyết toán.

ttxvn_kien_giang_giai_ngan_von_dau_tu_cong_hon_2355_ty_dong.jpg
Dự án, công trình xây dựng đường. (Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN)

Để xảy ra tình trạng này là do một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế, chưa tuân thủ về quy trình, trình tự trong đầu tư xây dựng cơ bản, chưa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, thi công trong thực hiện hợp đồng. Do đó, khi quyết toán lại phải bổ sung, điều chỉnh… gây mất nhiều thời gian.

Một số nhà thầu chưa quan tâm và chưa phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc lập quyết toán A-B, không thực hiện lập và cung cấp hồ sơ theo quy định để thực hiện quyết toán dựa án thành.

Một số dự án kéo dài và trải qua nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án nên công tác theo dõi, quản lý, lưu trữ, bàn giao hồ sơ ở một số dự án tại chủ đầu tư, ban quản lý dự ánkhông chặt chẽ theo quy định, dẫn tới tình trạng bị thất lạc hồ sơ của dự án.

Về phía cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán, vẫn còn tình trạng chậm thẩm tra quyết toán dựa án hàn thành (nhất là cấp huyện, xã); chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ quan tài chính cấp dưới (nhất là cấp huyện, xã) trong quyết toán dự án hoàn thành.

Nguyên nhân là do số người làm công tác thẩm tra quyết toán của cơ quan chủ trì việc này còn hạn chế, thậm chí phải làm kiêm nhiệm; thời gian thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành còn ngắn; công tác kiểm tra, nắm bắt, hướng dẫn nghiệp vụ quyết toán dự án hoàn thành đối với cấp huyện, xã còn hạn chế và chưa thường xuyên.

Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân để chậm

Để nâng cao chất lượng công tác quyết toán dự án hoàn thành, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quyết toán dự án hoàn thành; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về thời gian quyết toán dự án hoàn thành (chậm lập, chậm nộp báo cáo quyết toán và chậm thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán).

Kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp lý hiện hành đối với các chủ đầu tư vi phạm.

Công khai danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán trên Báo Đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thông báo cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án biết. Không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới.

ttxvn_bac_ninh_giai_ngan_von_dau_tu_cong_dat1.jpg
Thi công Dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính để giảm tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành hàng năm.

Chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân sự, vật chất) cho công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành. Trên cơ sở kết quả quyết toán dự án hoàn thành, xác định công nợ để ưu tiên bố trí vốn thanh toán dứt điểm cho dự án đã hoàn thành phê duyệt quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

Đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính yêu cầu chấp hành đúng quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần nâng cao năng lực, tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý dự án đầu tư; chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra quyết toán cung cấp thông tin, giải trình… trong thẩm tra quyết toán.

Đối với các dự án sử dụng vốn đầy tư công hoàn thành chưa đủ hồ sơ, chứng từ quyết toán, Bộ Tài chính lưu ý chủ đầu tư, ban quản lý dự án xác định rõ nguyên nhân chậm lập quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng dự án, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan và đề xuất các biện pháp xử lý; rà soát lại các hợp đồng đã ký (đặc biệt là các hợp đồng đã quá thời gian thực hiện, chưa quyết toán), các nội dung công việc không qua hợp đồng, căn cứ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về dân sự để phối hợp với nhà thầu xử lý các vẫn đề còn vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm; căn cứ kết quả xử lý vướng mắc.

Chủ đầu tư thực hiện quyết toán hợp đồng, quyết toán các nội dung công việc đã thực hiện, lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành để làm cơ sở cho việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

Về phía cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán, Bộ Tài chính yêu cầu có đề xuất kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thẩm tra, quyết toán; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc lập, thẩm định quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo theo đúng quy định; kiện toàn công chức thẩm tra quyết toán DAHT để đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2022 có 57.303 dự án hoàn thành trong thời gian quyết toán theo quy định, chiếm 82% số dự án hoàn thành, cao hơn năm 2021 (80%) và 12.740 dự án vi phạm quy định thời gian quyết toán, chiếm 18% số dự án hoàn thành./.

Nguồn: Nguyên nhân chậm quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022 | Vietnam+ (VietnamPlus)