Người Hà Nội nửa đêm xếp hàng mua xăng: Điều bất thường hóa bình thường
07:42 - 10/11/2022
Thời gian trôi về đêm, dòng người xếp hàng mua xăng vẫn tiếp nối. Điều bất thường này đã và đang xảy ra ở Hà Nội, hàng chục ngày qua.
Nhật ký đi mua xăng
21h30: Đang nằm xem phim, Nguyễn Thanh Tùng bật dậy như lò xo. Anh chợt nhớ hồi chiều khi tan tầm chưa đổ xăng cho chiếc xe máy Future Neo, phần vì trên đường về cây xăng nào cũng đông nghịt người xếp hàng.
21h40: Từ hầm chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, anh phi xe ra đường, nhằm hướng cửa hàng xăng dầu số 6 trong khu đô thị Nam Cường. "Quanh khu này, chỉ có cây xăng đó mới hi vọng vắng người", Tùng tự cho mình là sáng suốt lựa chọn.
Trái với dự đoán của chàng thanh niên gần 30 tuổi, dòng người xếp hàng ở đây tràn ra sát đường.
Video: Hàng trăm người xếp hàng chờ mua xăng đêm 8/11 tại cửa hàng xăng dầu số 171 trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy
21h50: Tùng băng qua lối tắt sang phía đường Trần Cung. Nhưng hỡi ôi, cây xăng 117 Trần Cung đã được rào chắn bằng tôn từ bao giờ. Phía ngoài người ta tận dụng gửi ôtô và bán quần áo. "Cây xăng này nghỉ bán lâu rồi mà", người bán quần áo cạnh hàng rào tôn buông một câu khi thấy Tùng vẫn còn ngơ ngác.
21h55: Ngược đường Trần Cung ra cửa hàng bán lẻ xăng dầu Nghĩa Tân (ở 148 Hoàng Quốc Việt), đập vào mắt anh vẫn là cảnh tượng hàng trăm người đang xếp hàng mua xăng. "Không lượn nữa, mất thời gian", Tùng chốt lại và hòa vào dòng người đang xếp hàng chờ mua xăng.
22h33: Tùng mua được xăng, đầy bình, khoảng 60.000 đồng. "Giá mà bình xăng to hơn, chắc phải mua cả trăm nghìn cho bõ", anh lẩm bẩm định chửi thề.
22h40: Thay vì đi về nhà luôn cho… tiết kiệm xăng, Tùng nổi hứng rong ruổi ra đường Xuân Thủy rồi vòng qua Trần Vĩ, nơi có những cửa hàng xăng dầu lớn để "khảo sát". Vẫn là những hình ảnh lớp lớp hàng trăm chủ phương tiện xếp hàng chờ mua xăng. Điều Tùng thấy lạ là sao mọi người dù xếp hàng với tâm trạng mệt mỏi nhưng cam chịu và nhẫn nại đến thế…
23h00: Trên đường về nhà, trong đầu Tùng vẫn là hình ảnh người người đổ về các cây xăng, xếp hàng chờ đợi, nhẫn nại.
Nguyễn Thanh Tùng chỉ là một trong vô số người đang sinh sống ở Hà Nội phải khổ sở mua xăng trong hàng chục ngày qua.
Có những người làm công chức, văn phòng tranh thủ mọi thời gian có thể để xếp hàng mua xăng.
Thiếu hụt nguồn cung hay Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phát huy?
Giải trình về các vấn đề đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn chứng: nhu cầu xăng dầu là 19,2 triệu m3/tấn/năm. Trong đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn trong 9 tháng đầu năm sản xuất đạt 4,4 triệu m3/tấn, đạt 70% kế hoạch, nhưng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ sản xuất 6,8 triệu tấn, tức mới đạt 43%.
Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu m3/tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho các đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới có 19/33 đầu mối nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý 3 nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu.
Theo ông Phớc, đây là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.
Trước diễn biến giá xăng dầu, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay đã thực hiện giảm thuế môi trường tương đương 28.000 tỷ đồng; giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%. Đồng thời có hai lần điều chỉnh tăng chi phí vận chuyển, với mỗi lít xăng RON92 có mức chi phí vận chuyển và quản lý chiếm tới gần 2.000 đồng/lít.
Một trong những giải pháp được Tư lệnh ngành Tài chính đưa ra là, sắp tới sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương" gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.
Đồng thời, tăng cường chủ động phối hợp trong nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất.
Trong khi đó, chiều 7/11 mới đây, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật giá (sửa đổi). Đưa ra nhận xét, vừa qua điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu "rất có vấn đề", đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ví von: Một bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hóa rẻ, bảo bà bán hàng "cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi".
Giá dầu thế giới liên tục tăng như vừa qua thì Quỹ bình ổn bị âm. Khi giá thế giới giảm thì sẽ trích lập lại vào quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại. "Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm", ông Giang nói và đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Giang cho rằng tương tự với danh mục hàng hóa bình ổn, luật sửa đổi đưa ra danh mục do Nhà nước định giá và trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung danh mục. "Đây là việc can thiệp vào thị trường, nên nếu can thiệp phải rất minh bạch mới đảm bảo được các yếu tố của thị trường", ông nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không trong bối cảnh tới đây sẽ xem xét điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt liên quan đến mặt hàng xăng dầu.
"Nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành quỹ này", ông Long nói và cho rằng, hiện tại việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần thì cần xem xét.
Phân tích tình hình thực tế nguồn cung xăng dầu vừa qua chịu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới và trong nước, theo ông Long, dù tồn tại quỹ này cũng "tác động không lớn lắm".
"Khi nguồn cung không đảm bảo thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng không giải quyết được gì. Có nghĩa chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung. Do vậy tác động của quỹ này không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá", ông Long nêu.
Còn theo quan điểm của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), nếu xác định quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ cần thiết giữ, phải có chế định riêng cho quỹ này. Muốn vậy thì cần phải có đánh giá rất kỹ lưỡng.
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ quỹ này đi. Bởi thực chất quỹ này không phản ánh tính chất bình ổn như các loại bình ổn thông thường. Có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá tăng lại lại phải trích. Khi đó không có tác động đến giá xăng dầu", đại biểu nói.
Theo ông An, xăng dầu là loại hàng đặc biệt nên phải có chế định đặc biệt để quản lý nhưng không thể can thiệp bằng cách phi thị trường. Cơ quan hữu quan có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí còn quỹ này đi thu của người tiêu dùng, giao cho doanh nghiệp quản lý. Đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, không nhất thiết phải giữ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì nhấn mạnh cần đạt được mục tiêu kép khi đưa ra một số mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá. Ông nhấn mạnh, việc quy định giá chỉ là một phần, còn việc đảm bảo nguồn cung cho mặt hàng đó mới là ưu tiên hàng đầu.
Đại biểu tỉnh Thái Bình lấy ví dụ mặt hàng xăng dầu và dược phẩm trong thời gian qua dù Nhà nước có quy định mức giá, nhưng vẫn thiếu nguồn cung trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Chúng ta cần lưu ý đảm bảo nguồn cung cho người dân chứ không phải chỉ là giá. Nói cách khác là cần phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép trong vấn đề này", ông nói.
Một số hình ảnh người Hà Nội xếp hàng chờ mua xăng trong đêm: