Người dân xã Cây Gáo mòn mỏi chờ nước sạch

17:49 - 06/07/2023

Dù là một xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thế nhưng từ nhiều năm nay, việc có được nguồn nước sạch để sử dụng vẫn đang là niềm mong mỏi của người dân tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Dù là một xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thế nhưng từ nhiều năm nay, việc có được nguồn nước sạch để sử dụng vẫn đang là niềm mong mỏi của người dân tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.



Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)

Đã nhiều năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở gần trung tâm xã Cây Gáo vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan để sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng nước không đảm bảo vì bị nhiễm phèn. Không yên tâm nên gia đình anh Nam chỉ sử dụng nước giếng khoan cho tắm rửa, giặt còn nấu ăn, nước uống hàng ngày của gia đình là mua nước đóng bình.

Anh Nam cho hay với người dân xã Cây Gáo, nước sạch là vấn đề nan giải nhất từ trước tới nay. Người dân phải đào giếng nhưng nước bị nhiễm phèn nặng, nhưng để lấy được cũng gian nan. Người dân phải đào sâu hàng chục mét, qua nhiều lớp đất đá mới lấy được nước sinh hoạt. Hiện nay kinh tế hết sức khó khăn lại phải chi phí thêm tiền mua nước sạch khiến cuộc sống nhiều hộ rất chật vật.

Người dân ở xã Cây Gáo mong muốn có nguồn nước máy đã được nhiều lần kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như lên các cấp trên có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do vậy, mong muốn có một nguồn nước sạch, ổn định để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân xã Cây Gáo chưa biết bao giờ mới trở thành hiện thực.

IMG-3275 (1)

Bà Vũ Thị Xuân Hương cho biết có nước sạch để sử dụng là niềm mong mỏi nhiều năm nay của người dân xã Cây Gáo.

Bà Vũ Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Gáo cho biết toàn xã hiện có khoảng hơn 2800 hộ gia đình với khoảng hơn 11 ngàn nhân khẩu. Mặc dù xã Cây Gáo đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020 nhưng xã vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt được so với quy định và một trong những tiêu chí đó là nước sạch.

Hiện nay hầu hết người dân trên địa bàn xã vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng để sinh hoạt và mua nước đóng bình để uống và nấu ăn. Do vậy nước sạch đang trở thành vấn đề cấp thiết cho người dân trên địa bàn xã Cây Gáo, UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xem xét xây dựng hệ thống nước máy cho địa phương và cấp trên cũng đã cử lực chuyên môn xuống khảo sát nhưng không biết khi nào mới triển khai được.

“Địa phương rất mong muốn các ngành chức năng cấp trên lắng nghe, quan tâm, tạo điều kiện sớm triển khai xây dựng hệ thống nước sạch tại xã Cây Gáo để người dân không phải chịu thiệt trong thời gian kéo dài”, bà Hương nói.

Theo Đề án cấp sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, tổng kinh phí đầu tư các dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện Trảng Bom là hơn 163 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách khoảng 69 tỷ đồng, vốn xã hội hóa khoảng 94 tỷ đồng.

Các dự án được ưu tiên triển khai là xây dựng mới, đấu nối nguồn nước từ các công trình cấp nước của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai để cấp nước sạch cho người dân 2 xã Thanh Bình và Cây Gáo; đấu nối nguồn nước từ công trình cấp nước của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai thay thế khai thác nước ngầm tại các công trình cấp nước nông thôn ở xã Đồi 61 xã Sông Thao, xã Sông Trầu và xã Bắc Sơn; đấu nối nguồn nước từ công trình cấp nước mặt của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai để cấp nước phục vụ cho người dân các xã còn lại của huyện Trảng Bom. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung của huyện Trảng Bom mới đạt 39% tại thị trấn Trảng Bom và 27% đối với các xã.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, thời gian qua ngân sách tỉnh đã đầu tư gần 2 ngàn tỷ đồng cho hơn 80 công trình nước sạch nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt khá cao, khoảng 83%. Tuy nhiên, các công trình nước sạch nông thôn công suất hoạt động dưới 50%, đây là sự lãng phí trong sử dụng nguồn lực.

UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở NN-PTNT rà soát, đánh giá tổng thể các công trình để có phương án xử lý phù hợp. Giải pháp ưu tiên của tỉnh hiện nay là mở rộng đấu nối đưa nước máy về vùng nông thôn, trong đó có xã Cây Gáo. Chỉ đầu tư mới một số công trình cấp nước nông thôn cho vùng sâu, vùng xa mà nước máy không tới được, nâng cấp các công trình để khai thác hiệu quả.