Người dân, học sinh “đánh cược” tính mạng trên những chiếc ghe ở Quảng Nam
06:49 - 15/09/2022
Để vượt sông Trường Giang, người dân, học sinh đang "đánh cược" tính mạng và đối mặt với hiểm nguy trên những chiếc ghe thô sơ, không có nổi một trang thiết bị an toàn.
Tròng trành những chuyến đò ngang
Ngày 12/9, có mặt tại bến đò Tam Hòa (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), PV Tạp chí GTVT ghi nhận chiếc ghe nhỏ với chiều dài khoảng 5m, rộng 3m đang đậu ở bến chờ đón những học sinh sau giờ tan trường. Khoảng 15 học sinh sau đó được ông Đỗ Văn Nuôi (55 tuổi, người lái ghe) đưa lên ghe, sắp xếp chỗ ngồi rồi vượt sông trở về nhà. Điều đáng nói trên chiếc ghe của ông Nuôi không có áo phao, thiết bị bảo hộ nào.
Ông Nuôi cho biết, hôm nay là ngày đầu tiên mà ông đưa các cháu qua sông đến trường sau khi chiếc phà duy nhất ở bến không thể sử dụng vì xuống cấp, hư hỏng hơn một tháng trước. "Để con em được đến trường, người dân ở thôn An Hòa đã góp tiền thuê tôi đưa các cháu qua sông. Tôi chạy 4 chuyến, sáng hai chuyến, xuất phát vào khoảng 6h10 đưa các cháu từ bên này qua bên kia sông để học. Chiều hai chuyến, đón các cháu trở về", ông Nuôi nói.
Theo ông Nuôi, chiếc ghe ông lái đưa các học sinh qua sông là của gia đình, sử dụng hàng ngày để di chuyển trên sông, đánh bắt thủy sản nên trên ghe không có áo phao hay các trang thiết bị bảo hộ nào. "Hiện chưa biết khi nào có phà mới, trước mắt tôi chỉ mong muốn chính quyền xã hỗ trợ cấp áo phao, dụng cụ nổi để việc đưa đón học sinh được đảm bảo an toàn hơn", ông Nuôi nói.
Em Bùi Xuân Dôn (học sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) cho biết, trước đây đi học bằng phà nên rộng rãi thoải mái, giờ đi lại bằng ghe rất bất tiện và nguy hiểm. "Em hy vọng phà mới nhanh có để em cùng bạn có thể đến trường thuận tiện, dễ dàng hơn".
Dân bất an, học sinh ngày ngày đối diện với hiểm nguy
Từ ngày chiếc phà hư hỏng, rồi bị chìm không thể sử dụng được nữa, đời sống bà con thôn An Hòa rơi vào bế tắc. Để qua được trung tâm xã Tam Hòa bằng đường bộ người dân, học sinh phải vượt quãng đường dài hơn 15km.
Anh Trần Quang Tài (trú thôn An Hòa) cho biết, chiếc phà duy nhất ở bến đò sử dụng từ lâu nên đã hư hỏng, xuống cấp. Hơn một tháng trước chiếc phà bị chìm, chính quyền yêu cầu không cho sử dụng nữa. Từ ngày không có phương tiện qua sông, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Phà mới đóng hơn một năm nay mà vẫn chưa xong, chính quyền thì hứa hẹn mãi.
"Không có phà việc đi chợ, buôn bán của người dân gặp nhiều bất tiện, nhất là các em học sinh cấp 1, cấp 2 khi phải tự mình đi xe trên quãng đường dài hơn 16km để đến trường. Người dân xưa nay sống nhờ vào con phà, giờ phà không có là không làm gì được hết", anh Tài chia sẻ.
Bà Trần Thị Mỵ Nương (40 tuổi, trú thôn An Hòa) cho hay, con học cấp 2 ở bên kia sông, trước đây khi có phà thì có thể cùng bạn đến trường. Nhưng khi phà hư, bản thân và chồng thường xuyên phải thay nhau đưa cháu đến trường. "Quãng đường đến trường hơn 15km, sáng chở con đi học, chiều lại đón về. Có ngày con học 2 tiết thì chờ để chở con về nên chẳng làm gì được. Quãng đường dài, lại nhiều xe tải, xe container chạy nên mình cũng không dám cho con đi học bằng xe đạp điện", chị Nương nói.
Theo một số người dân có con học bên kia sông, trước đây trên thôn có một ngôi trường, tuy nhiên không biết lý do gì mà chính quyền xã không cho giáo viên dạy, rồi bỏ hoang hơn hai năm nay. "Chính quyền hứa hẹn với phụ huynh đưa các cháu qua trường ở bên kia sông học sẽ đảm bảo chất lượng hơn, nhưng giờ đây phà không có việc đến trường còn khó nói gì đến việc học", một người dân bức xúc.
Người dân ở thôn An Hòa nhiều năm qua sống chủ yếu nhờ bến đò, không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện mà mỗi lần đau ốm, bệnh tật hay con cái đi học cũng đi qua đò. Việc phà mới chưa có khiến người dân rất bức xức, mong muốn chính quyền sớm hoàn thiện, đưa phà vào hoạt động sớm nhất có thể để người dân, học sinh đi lại thuận tiện hơn, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.
Ông Trương Công Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, phà cũ đã hư hỏng, hết hạn sử dụng nên chính quyền đầu tư 1 tỷ đồng đóng phà mới, nhưng hiện nay đang vướng thủ tục đăng kiểm nên chưa thể hạ thủy. Xã cũng đang lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục , cố gắng đến ngày 30/9 sẽ đưa phà vào sử dụng.
Cũng theo ông Bình, hiện nay trên thôn An Hòa có hơn 30 học sinh cấp 1, cấp 2 đang học bên kia sông, việc không có phà làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của các em, người dân. "Chính quyền đã hỗ trợ tiền sinh hoạt cho các em và không ủng hộ việc người dân tự ý dùng ghe đưa học sinh qua sông đến trường vì rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ", ông Bình nói.
Video học sinh đối vượt sông đến trường trên những chuyến đò ngang.
https://tapchigiaothong.vn/nguoi-dan-hoc-sinh-danh-cuoc-tinh-mang-tren-nhung-chiec-ghe-o-quang-nam-183220914111609949.htm