Mặc dù không thích anh, nhưng mới bước chân vào lính lại gặp được người quen tôi cũng rất vui. Anh Lý, người làng bên, hơn tôi hai tuổi, có họ hàng xa với mẹ tôi nên thỉnh thoảng vẫn sang nhà chơi. Bố anh thuộc loại đặc biệt ở làng, thường gọi là “Vua Cá”. Nghe đâu thời trước ông rất giỏi nghề bắt cá trên sông. Ông có bốn người con, hai trai, hai gái. Anh Lý là con trai thứ hai, cao to, khỏe mạnh, đẹp trai. Từ bé đã lăn lộn việc đồng áng, hết chăn trâu, cắt cỏ đến đi làm thuê. Năm mười sáu tuổi đi làm nghề in chiếu cói buôn bán nay đây mai đó.
Tuần đầu mới đến, bọn tân binh chúng tôi được giao nhiệm vụ vào nhà dân xin tre, đi khai thác nứa, cắt cỏ săng về làm lán trại, sau đó bước vào huấn luyện. Tôi được biên chế vào cùng một khẩu đội pháo cao xạ năm bảy ly với anh Lý. Trước khi nhận pháo, chúng tôi tham gia một khóa huấn luyện ngắn ngày, bao gồm những bài tập vỡ lòng về súng bộ binh AK, CKC. Mấy động tác thực hành tháo lắp, bảo quản súng bộ binh, lấy đường ngắm bia số 4… Anh Lý tỏ ra thuần thục hơn hẳn tôi. Sang đến những bài tập đội ngũ, thì anh Lý dốt đặc cán mai, không thể nào tiếp thu nổi. Khẩu đội trưởng phân công tôi kèm cặp anh học thêm ngoài giờ, nhưng cứ hô quay phải, anh lại quay trái. Lúc đi đều, anh vung hai tay cùng một lúc ra phía trước nom cười đến tức cả bụng. Nhưng mệt nhất là việc giúp anh học thuộc lòng 10 Lời thề và 12 Điều kỷ luật theo quy định bắt buộc đối với người lính. Anh Lý lắp bắp hàng giờ vẫn không đọc trôi chảy hơn chục chữ. Tôi buộc phải đọc trước từng đoạn ngắn để anh nhắc theo. Anh đọc ê a từng chữ, nghe vừa dận vừa thương… Anh ấp úng một lúc rồi tắc tịt. Tôi chán nản khuyên anh:
- Phải chịu khó học thêm chục lần nữa.
Anh Lý ngáp ngắn, ngáp dài vươn vai thở dài đứng dậy ca cẩm, đói quá học đếch vào. Chú mày cứ ngồi đây chờ. Anh phải đi kiếm tý gì nhét vào bụng đã. Mặc vội chiếc áo sơ mi quân phục màu xanh tô châu mới nhận, cho vạt áo vào quần đàng hoàng, rồi anh thủng thẳng đi về phía nhà bếp đại đội… Đợi mãi không thấy anh quay lại, sốt ruột quá tôi buộc phải đi tìm. Nắng buổi trưa gay gắt chói chang. Tiếng ve sầu kêu râm ran trong rặng phi lao, bạch đàn ven đường. Rẽ qua khu vườn, những quả dưa bụng vàng khè nằm phơi mình trên bãi cát, tôi vội đi tắt sang nhà bếp đơn vị. Chợt nghe tiếng con gái cười khúc khích phía sau lùm tre, tôi giật mình nhìn sang. Cách chỗ tôi đứng vài chục bước, một cô gái trẻ trong trang phục nữ quân nhân, đeo ve hàm lính thông tin liên lạc đang tựa lưng vào gốc cây xà cừ, một tay bám cành, tay kia đưa lên che mặt, vẻ ngượng ngùng… Nghe tiếng tôi đằng hắng, cô gái hoảng hốt vùng bỏ chạy. Anh Lý quay lại nhìn tôi, gãi đầu cười trừ. Tôi lẳng lặng bỏ đi, anh Lý lẽo đẽo theo sau, không ai nói một lời. Buổi tối, sau giờ điểm danh đại đội, anh Lý mon men đến gần tôi bắt chuyện:
- Chú mày nhìn thấy hết rồi hả? Khổ thế, chỉ tại cái số đào hoa, trước kia ông cụ nhà anh vẫn bảo vậy.
Nhìn bộ dạng thiểu não của anh, tôi không nín được cười. Anh Lý có vẻ yên tâm hơn, thật thà bảo:
- Anh phục chú mày đấy.
Tôi nói với anh rằng kỷ luật quân đội rất nghiêm, không giống mấy đội thủy lợi 202 của anh ngày trước đâu. Vả lại, anh còn phải phấn đấu để tiến bộ nữa. Anh cười hì hì bảo:
- Đồ thằng xỏ lá. Tao mà tiến bộ thăng quan tiến chức thì lũ mọt sách chúng mày vứt vào xó cả?
Đêm đã về khuya… nằm bên tôi, anh Lý trằn trọc, thao thức trở mình kèn kẹt. Mệt quá, tôi ngủ thiếp từ lúc nào không biết. Những hồi còi của trực ban đại đội cứ dồn dập liên tục làm tôi choàng tỉnh.. Tiếng chân người chạy thình thịch. Khẩu đội trưởng đứng ở đầu ngõ nghiêm giọng thông báo:
- Tất cả bộ đội khẩn trương thu xếp quân tư trang, tới địa điểm tập trung ở nhà chỉ huy, hành quân nhận nhiệm vụ mới.
Đến lúc này tôi mới biết, anh Lý biến đâu mất tăm? Gay thật. Tôi hối hả gấp chăn màn, nhét tất cả quân trang của hai người vào hai chiếc ba lô con cóc, bồn chồn lo lắng về anh. Không đợi thêm được nữa, tôi khoác nốt khẩu AK lên vai, phóng vút ra sân. Tới đầu ngõ gặp anh Lý luồn qua hàng râm bụt, hớt hải chạy về. Theo thông báo của Ban chỉ huy Trung đoàn, đơn vị tân binh chúng tôi được lệnh nhận pháo cùng khí tài, vừa huấn luyện vừa cơ động bảo vệ thành phố Vinh. Hàng tháng, hàng quý đều có những cuộc báo động để rèn luyện tinh thần bộ đội. Khẩu đội trưởng của tôi từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Cấm, phà Gianh, Quán Hàu, Long Đại… còn tất cả chiến sĩ đều mới nhập ngũ. Tôi được phân công làm pháo thủ số 2. Ngồi vị trí bên trái mâm pháo, tay quay máy tầm nâng nòng pháo lên xuống để lấy điểm ngắm cùng số 1. Chân đạp cò, gọi là điểm xạ, khi có lệnh khẩu đội trưởng. Anh Lý to khoẻ, chân tay vạm vỡ, giữ vị trí pháo thủ số 5. Anh đứng phía sau ghế số 2, làm nhiệm vụ kéo cò, nạp đạn, mở khoá an toàn để pháo có thể nhả đạn vào mục tiêu. Anh Lý học chữ thì chậm nhưng học thực hành thao tác rất nhanh. Chỉ sau vài buổi tập đã thuần thục các động tác cơ bản, thuộc chức năng pháo thủ trong chiến đấu, hành quân và triển khai chiếm lĩnh trận địa. Sau đêm báo động thử, chúng tôi không rời trận địa. Các pháo thủ ngày đêm lăn lộn trên mâm pháo huấn luyện chiến đấu, không ai được phép vào làng nữa. Cũng từ buổi ấy, anh Lý ít nói cười hơn. Có lần thấy bóng một cô gái gánh củi đi qua trận địa pháo, mắt anh sáng quắc lên, thấp thỏm ngó nghiêng. Tôi chợt hỏi đùa:
- Cô Nga của anh hả?
Anh Lý đập vào vai tôi bảo:
- Thằng nhãi ranh! Biết đếch gì chuyện đàn ông, đàn bà…
Thế rồi anh khoe, mới quen một em gái cực kỳ xinh xắn. Đêm báo động, anh chị hẹn hò nhau ra đồi hoa sim phía sau đơn vị tâm sự. Anh Lý khen:
- Gái Nghi Xuân rất chi tình cảm, dễ thương, ăn nói dịu dàng. Khi nào ra quân sẽ trở lại đây, tìm kiếm một em làm vợ...
Một đêm đầu Thu, đơn vị nhận lệnh kéo pháo hành quân về Đô Lương làm nhiệm vụ chuẩn bị ra biên giới phía Bắc. Bà con trong làng kéo nhau vào trận địa chia tay bộ đội. Lúc xe chuẩn bị chuyển bánh, anh Lý từ trong hầm pháo chạy ra thở hồng hộc. Ngồi bên tôi anh thì thầm bảo:
- Chờ mãi em mới đến. Tranh thủ thời cơ kéo em vào hầm pháo, hôn được mấy cái. Cô nàng ôm thật chặt, nước mắt chảy như mưa…
Suốt những ngày sau đó, đơn vị liên tục kéo pháo cơ động từ thành phố Vinh ra Đông Bắc. Vượt qua cầu phao sông Hồng lúc tang tảng sáng. Ngồi trên xe kéo pháo, giữa ban ngày đi qua đường phố Thủ đô. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe còi tầm từ Nhà hát Lớn rú liên hồi… lạ tai thật.
Sau những ngày hành quân vất vả, đơn vị được lệnh tập kết tại vùng núi Tiên Yên, chuẩn bị vào cuộc chiến đấu mới. Đại đội tôi triển khai trận địa giữa vùng rừng núi um tùm. Theo lệnh Trung đoàn, tuyệt đối giữ bí mật, chỉ nổ súng khi máy bay địch đánh vào trận địa ta. Pháo thủ vẫn chia kíp vừa trực chiến vừa học tập chính trị. Cứ vài ngày lại có một đợt thư báo đưa về đơn vị. Ở khẩu đội tôi, anh Lý là người nhận được nhiều thư nhất. Tên người gửi thường rất mập mờ: “em gái phương xa”, “đứa em bé bỏng”, “người nhà quê”... Anh Lý tìm chỗ vắng, cẩn thận mở từng lá thư, mặt tươi roi rói. Nhưng vì mới thuộc qua mặt chữ nên anh phải lẩm bẩm đánh vần một cách khó khăn. Những chữ không hiểu nổi anh gọi riêng tôi ra nhờ giải thích:
- Gửi anh nhiều cái H… là gì nhỉ?
Tôi bật cười bảo:
- Chắc là cái Hòm.
Anh ngớ người một lúc… Biết bị trêu, đập vào lưng tôi bảo:
- Cái thằng xỏ lá ba que!
Rồi nhăn nhó gấp lá thư nhét vào túi áo. Sau này hiểu ý cô ta muốn gửi mình nhiều cái Hôn, anh Lý cười hì hì bảo:
- Con bé là sinh viên đại học Sư phạm Vinh năm thứ hai đó! Đám con gái mọt sách chán lắm. Chả xơ múi gì được.
Tuy vậy, anh Lý vẫn nhờ tôi viết thư gửi cho các loại em. Tôi thường viết văn hoa sáo rỗng, tả trời, mây, sông, núi, chim én bay, thêm vài câu tình cảm lâm ly. Anh Lý lẩm bẩm duyệt lại, thích thú gật đầu khen:
- Hay… hay tuyệt cú mèo! Chú viết được. Đọc thư này chắc em phục sát đất. Lính cao xạ pháo không xoàng đâu nhé!
Rồi anh hứng chí bật lên cười ha hả. Để trả công, anh luôn giúp đỡ tôi trong các công việc nặng nhọc. Các buổi chiều, pháo thủ được phân công vào rừng chặt lá ngụy trang, đôi khi kết hợp kiếm măng, lấy củi, hái nấm. Anh Lý bao giờ cũng xung phong đi cùng tôi. Lúc tôi đuối sức, anh giành phần mang vác luôn. Hôm ấy, anh dẫn tôi men theo con suối nhỏ nước trong veo. Vòng qua ngọn đồi hình mâm xôi. Anh Lý bảo tôi cởi quần áo xuống suối tắm tiên cho thoải mái. Nước suối trong vắt, mát rượi, sảng khoái lạ lùng.
Mặt trời đã khuất dần sau những cánh rừng già. Vẫn chưa thấy anh Lý đâu, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Không thể chờ lâu hơn nữa, tôi vác bao tải đầy măng đi lên đồi, cất tiếng gọi anh. Không thấy tiếng đáp trả lời. Hay có điều gì đó đã xảy ra? Tôi hoang mang đi tìm. Băng qua đồi nơi có nhiều cây xanh rậm rạp. Tôi đang định cất tiếng gọi, chợt sững lại. Cách chỗ tôi đứng không xa thấy thấp thoáng một người đàn bà lom khom chạy vào ngôi nhà giữa vườn cây… Lúc sau, anh Lý xuất hiện, mặt tươi cười hớn hở:
- Tắm chán rồi hả chú! Có thích không?
Không đợi tôi trả lời, anh thủng thẳng khuân bó lá ngụy trang để ở đằng kia:
- Thôi, ta đi về kẻo muộn.
Trời bắt đầu tối hẳn. Tiếng tắc kè kéo từng hồi dài trên vách đá, rền rĩ thống thiết. Đột nhiên anh Lý quay lại hỏi:
- Chú mày ghét anh lắm à? .
Thấy tôi lặng im, anh làm ra vẻ hối lỗi:
- Anh biết mình có khuyết điểm... nhưng…
Anh nắm chặt tay tôi kể lể, cô gái ấy nấu cơm cho cán bộ, công nhân viên Lâm trường, tội nghiệp lắm! Đã hăm bảy tuổi đời, lại kém nhan sắc. Có chồng đi bộ đội hy sinh trong chiến trường miền Nam. Mong muốn có một đứa con… Tôi hơi khó chịu. Anh Lý cười hà hà:
- Chú mày thông cảm. Bao giờ hết nghĩa vụ về quê, anh sẽ chiêu đãi chú.
Không rõ chuyện lòng thòng giữa anh Lý với cô gái cấp dưỡng còn tiếp diễn bao lâu nữa. Nhưng hôm nào không nhìn thấy cô gái đi hái rau qua trận địa, anh lại bồn chồn, thấp thỏm không yên. Nửa tháng sau, đơn vị kéo pháo hành quân vào Ba Chẽ. Dưới ánh trăng thượng tuần huyền ảo, những tòa nhà đã từng trải qua hàng trăm trận pháo kích của bọn Trung Quốc làm đổ nát, không gian yên tĩnh đáng sợ. Tôi bỗng cảm thấy bâng khuâng… Đại đội kéo pháo vào trận địa ở trên mấy quả đồi, bỗng thấy rất nhiều người, mà phần đông là nam, nữ thanh niên mang nước trà, khoai lang luộc, lá ngụy trang ra chào đón bộ đội. Đặt pháo vào hầm xong, tôi thấy mệt mỏi rã rời, nhưng anh Lý vẫn hăm hở nói cười ríu rít bên các cô gái trẻ. Anh phấn khởi như mở cờ trong bụng, chuyện gì cũng hỏi nhưng đáp lại là những cái lắc đầu, hóa ra vì anh nói tiếng Nghệ trọ trẹ không ai hiểu gì hết...
Mặt trời lên cao. Chưa đến tiết lập Đông, nhưng cái rét ở Ba Chẽ thật khủng khiếp. Ngồi trên mâm pháo lạnh cóng hai bàn tay. Pháo thủ rét run bần bật. Tranh thủ lúc yên tĩnh, anh Lý xin phép khẩu đội trưởng vào lán lấy ra một bọc gói bằng giấy bìa cứng vuông vức. Anh thì thầm bảo:
- Tích góp được mấy cân đường, gửi cho người yêu ở nông trường Tiên Yên. Chú mày chữ đẹp ghi địa chỉ giúp anh.
Đúng lúc ấy, tiếng kẻng báo động cấp một lại vang lên. Lần này, tình huống giả định phức tạp hơn. Lệnh từ Tổng đài chỉ huy thông báo máy bay địch chia thành nhiều tốp từ phía biển bay vào, lượn theo đường vòng cung nâng độ cao. Đại đội trưởng đứng ở hầm chỉ huy, tay giơ chiếc cờ hình tam giác màu đỏ, hô khẩu lệnh:
- Hướng ba tư, máy bay bổ nhào, tốc độ hai trăm năm mươi…
Tôi vội bắt mục tiêu vào giao điểm chữ thập trong kính ngắm, đạp cò… Tiếng đạn của các khẩu đội khác ùng oàng rung chuyển cả mặt đất. Từng cột khói đen ngòm bốc lên cuồn cuộn. Tai tôi nghe khẩu lệnh, mắt đăm đăm dõi tìm mục tiêu đưa vào kính ngắm, điểm xạ… Mấy phút sau tai tôi ù đặc không nghe được khẩu lệnh, chỉ còn biết nhìn cờ chỉ huy của khẩu đội trưởng để bắt mục tiêu.
Trận tổng diễn tập bắn đạn thật kết thúc. Đơn vị được cấp trên khen ngợi. Tuy nhiên, anh Lý pháo thủ số năm khi kéo cò nạp đạn, nhả khóa an toàn đã bị băng đạn hất trúng ngực, máu ri rỉ chảy loang trên mặt. Lúc tôi cùng đồng đội băng vết thương anh vẫn tỉnh táo như không đau đớn gì. Chợt anh kéo tay tôi gượng gạo, thều thào nhắn nhủ:
- Anh biết mình có nhiều khuyết điểm mà không sửa chữa được… Nhớ gửi gói đường hôm qua giúp anh. Cô ấy tên Mùi. Địa chỉ… ghi trong cuốn sổ… Thế rồi anh ra đi.
Sau này, trước khi ra quân tôi có trở về Tiên Yên, tìm cô gái cấp dưỡng tên Mùi ở nông trường theo lời căn dặn của anh. Dò hỏi một số người được biết, chị Mùi sinh đứa con trai, nhưng chuyển đi đâu không ai rõ. Cũng có người bảo chị tìm về quê người chồng đã hy sinh để con chị được nhận ông bà, tổ tiên bên nội ./.
https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-ban-dong-huong-a14600.html