Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang có những bước chuyển rõ nét. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá Chính phủ đã trình Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo đúng định hướng của Trung ương và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết công việc.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan hành chính; giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý công việc và cải thiện sự phục vụ của Nhà nước đối với người dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả." Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính-ngân sách, và quản lý tài nguyên. Cần tăng tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu.
Dự kiến giảm 13 tổng cục, 518 cục, 218 vụ, 2.958 chi cục
Sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo đúng tiến độ và làm tốt công tác tư tưởng, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ cơ quan và toàn hệ thống là điều người đứng đầu Chính phủ thường xuyên nhắc đến trong các phiên họp của Chính phủ.
Chiều 11/1, chủ trì Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả," Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đánh giá cao nỗ lực triển khai nhiệm vụ và công tác chuẩn bị phiên họp của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan trong xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, đề xuất phương án thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Ban Chỉ đạo của Chính phủ thống nhất trình cấp có thẩm quyền phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV vừa được Bộ Nội vụ hoàn thiện báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ, có nhiều nội dung mới so với phương án trước đây liên quan đến tên gọi và tổ chức bộ máy bên trong các bộ, số đầu mối giảm rất nhiều.
Đáng chú ý là dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ), gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ. Có 4 bộ sau khi hợp nhất vẫn giữ nguyên tên gọi là Bộ Tài chính (sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính), Bộ Nội vụ (sau khi hợp nhất Bộ Lao động-Thương binh Xã hội và Bộ Nội vụ), Bộ Xây dựng (sau khi hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng), Bộ Khoa học và Công nghệ (sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ). Ngoài ra, giữ nguyên tên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Có 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan), gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.
Đồng thời với đó, tổ chức bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ cũng tiếp tục được sắp xếp, tinh gọn. Theo phương án mới, giảm 13/13 tổng cục, 518 cục, 218 vụ, giảm 2.958 chi cục và tương đương; giảm 201 đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ đã thực hiện tổng kết Nghị quyết 18, cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện nội dung đề án hợp nhất 2 Bộ trình Chính phủ.
Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng xác định rõ đây là công việc đặc biệt quan trọng; khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải gương mẫu, quyết liệt trong quá trình thực hiện, bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn; nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, “cùng vì sự nghiệp và nhiệm vụ chính trị chung; tin tưởng vào sự hợp nhất là sức mạnh."
Chiều 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Cả hai Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành từ ngày 7/1/2025. Kết luận số 111 KL/TW Bộ Chính trị đã đánh giá Đảng đoàn Quốc hội là cơ quan gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã công bố quyết định về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, sau khi sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ các Hội đồng Lý luận, khoa học của Trung ương (Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương); sáp nhập Học viện Hành chính quốc gia; giảm 23 đầu mối cấp vụ (từ 54 đầu mối trước khi sáp nhập xuống còn 31 đầu mối cấp vụ sau sáp nhập).
Dự buổi lễ công bố, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ghi nhận Học viện đã triển khai tích cực việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Các đơn vị của Học viện sau khi sáp nhập đang đi vào hoạt động ngay với khí thế mới, tinh thần mới.
Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết
Cùng với nỗ lực triển khai sắp xếp, sáp nhập, nhiều cán bộ, đảng viên đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi với tinh thần “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết." Đây là quyết định rất đáng trân trọng, điển hình có thể kể đến là tỉnh Đắk Lắk.
Có mong muốn nghỉ hưu cách đây gần 1 năm, dịp này, cùng với việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy và việc ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP là thời điểm may mắn để ông Ra Lan Vôn Ga (sinh năm 1968), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy M'Drắk xin nghỉ hưu trước tuổi.
Ông Ra Lan Vôn Ga mong muốn việc nghỉ hưu trước tuổi của bản thân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức, sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là tạo cơ hội cho cán bộ trẻ năng động tiếp tục làm việc, cống hiến.
Ông Ra Lan Vôn Ga chia sẻ với điều kiện khả năng, sức khỏe và trình độ năng lực của bản thân qua các vị trí đã từng công tác, sau khi nghỉ hưu trước tuổi, ông sẽ tìm một công việc phù hợp để tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của bản thân mình, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Qua 30 năm công tác, phải sống xa gia đình, nay nhận thấy sức khỏe không còn được như trước, hơn nữa việc nghỉ hưu trước tuổi được hưởng các chế độ chính sách ưu việt khiến bà H Er Niê Kdăm (sinh năm 1971), chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Cư M’Gar phấn khởi, quyết định xin nghỉ để về chăm lo cho gia đình, về với nhân dân buôn Tah, xã Ea Drơng, giúp bà con phát triển kinh tế.
Đến nay, huyện Cư M’Gar đã có 14 cán bộ viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiếp nhận đơn, xem xét, cho ý kiến về từng trường hợp.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải cho biết tính đến ngày 10/1, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nhận được 7 đơn xin nghỉ hưu trước tuổi từ các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong các trường hợp xin nghỉ hưu trước tuổi có 2 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Đáng chú ý, có trường hợp còn trên 5 năm công tác, vẫn đủ tuổi cơ cấu để tiếp tục làm việc ở nhiệm kỳ tới, song vì điều kiện hoàn cảnh, một phần để tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ phấn đấu phát triển nên đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Các trường hợp tự nguyện về hưu trước tuổi sẽ giúp địa phương này tinh giảm, gọn lại số lượng người làm việc trong cơ quan hành chính. Đồng thời, thuận lợi cho sắp xếp chức danh, chức vụ khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng trong triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Tại Tuyên Quang, ông Nguyễn Quốc Hữu, sinh năm 1965, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi dù đến tháng 9/2027 mới hết tuổi công tác, nhằm tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của huyện và giúp cán bộ trẻ có điều kiện phát triển.
Nghị định 178/2024/NĐ-CP với những chính sách vượt trội dành cho đối tượng nghỉ hưu trước tuổi đã giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm về quyền lợi của mình. Khi thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ và chính sách riêng của địa phương được ban hành sẽ là nguồn động viên khuyến khích cán bộ, viên chức tự nguyện viết đơn nghỉ trước tuổi.
Hiện ở Cần Thơ có 5 công chức, lãnh đạo (sở, phòng) đã gửi đơn đến Ban Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để xin nghỉ trước tuổi, song vẫn đang phải chờ cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể thống nhất nội dung đơn, thực hiện các chính sách phù hợp đối với từng trường hợp./.
Nguồn: Cán bộ trẻ năng động cống hiến sau khi cán bộ cao tuổi nghỉ hưu trước tuổi | Vietnam+ (VietnamPlus)