Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế sẽ góp phần hạn chế những rủi ro về thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Nhiều điểm mới
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI cho rằng những rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể được hạn chế nhờ các biện pháp điều hành của Chính phủ, cụ thể là Nghị định 08.
Trước đó, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
[Chính phủ ban hành quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp]
Tuy nhiên với Nghị định lần này, bà Phương chỉ ra quy định mới đã cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán với trái chủ để sửa đổi điều kiện và điều khoản (bao gồm việc thay đổi kỳ hạn tối đa 2 năm) và cho phép thanh toán lãi và gốc bằng tài sản khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư trong trường hợp họ không chấp thuận đàm phán.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng tạm ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể là quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Có căn cứ pháp lý rõ ràng
Phân tích kỹ hơn, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng Nghị định 08 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn, từ đó giảm áp lực trả nợ với “điểm rơi” cao điểm trong năm 2023-2024 (tương ứng khoảng 120.000 tỷ đồng/năm 2023-110.000 tỷ đồng/2024 đối với khu vực bất động sản).
Bên cạnh đó, Nghị định cũng mở ra căn cứ pháp lý rõ ràng và nhất quán trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu bằng tài sản, nhờ đó sẽ giảm thiểu được những tranh chấp sau này.
Về nội dung cho phép giãn tiến độ đến hết năm nay với đối với việc áp dụng một số điều kiện đáp ứng thông lệ. Theo ông Cấn Văn Lực, độ trễ này là rất cần cần thiết trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn về thanh khoản.
Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các trái chủ để tạo uy tín và danh dự của mình; vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, để họ có thể tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh này.
Mặc dù đồng tình với những kỳ vọng đánh giá Nghị quyết 08 sẽ hỗ trợ giảm thiểu những rủi ro về thanh khoản, song đứng trên quan điểm của nhà đầu tư, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu lại tỏ ra thận trọng.
Ông Hiếu lo lắng việc Nghị định 08 “nới lỏng” những quy định sẽ ảnh hưởng đến “tấm khiên” bảo vệ, ngăn chặn những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi bài học của những vụ án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vẫn còn đang "trước mắt."
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi khi đặt địa vị mình vào vị trí các trái chủ, liệu có thể “mặn mà” dời lại thời hạn trả nợ gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn thanh toán?
“Các nhà phát hành không đủ khả năng trả nợ đúng hạn thì hai năm sau lấy gì đảm bảo họ sẽ khả quan hơn? Nếu tôi là nhà đầu tư, thu hồi được đồng tiền về sớm lúc nào là tốt lúc đó, bởi trì hoãn sẽ rất rủi ro,” ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Theo ông Hiếu, điều trọng yếu trong lúc này là xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư nhưng Nghị định này mới dừng lại ở việc tìm giải pháp để gỡ cho các nhà phát hành. Do đó, ông Hiếu kiến nghị cần xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là cần thiết và tất cả các trái phiếu cũng phải xếp hạng để các trái chủ có thể yên tâm với tài sản của mình./.