Nghe si Nhan dan Thai Thi Lien: Nguoi thay cua nhieu nghe sy tai danh hinh anh 1Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên trong đêm nhạc 'Trăm mùa Thu vàng.' (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên là một trong số nữ danh cầm piano đầu tiên của Việt Nam, một trong bảy thành viên sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bà từng giữ cương vị Trưởng khoa Piano đầu tiên của học viện, tham gia biên soạn bộ giáo trình piano đầu tiên. Do đó, nhiều nghệ sỹ, giảng viên piano Việt Nam hiện nay đều là học trò của bà.

Sống trọn vẹn hơn một thế kỷ, cuộc đời bà như một cuốn phim ly kỳ với nhiều vinh quang và cay đắng, có những khúc thăng trầm theo vận mệnh dân tộc.

Một thời hoạt động cách mạng sôi nổi

Bà Thái Thị Liên được học piano từ năm lên bốn. Ở tuổi 16, bà có buổi công diễn đầu tiên tại Tòa thị chính Sài Gòn. Bà tham gia cách mạng từ năm 1946, được giao nhiệm vụ liên lạc, chuyển tài liệu sau khi anh trai - luật sư Thái Văn Lung hy sinh.

Một thời gian sau, bà sang Pháp, thi đỗ vào Nhạc viện Paris, tiếp tục hoạt động cách mạng trong nhóm cộng sản dân tộc Việt Nam. Bà tham gia nhiều hoạt động cùng nhóm nghệ sỹ Pháp và quốc tế đấu tranh cho dân chủ như Yves Montand, Pablo Picasso, Jorge Amado… Bà cũng đại diện cho Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị Phụ nữ thế giới ở châu Phi.

Thời gian này, bà gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, nhà ngoại giao Việt tại Pháp. Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Prague (Tiệp Khắc cũ) và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Prague.

 

['Cây đại thụ' piano Thái Thị Liên: Phím dương cầm đã thôi ngân]

Năm 1952, từ Tiệp Khắc, bà theo chồng về Việt Bắc nhưng không bao lâu sau, chồng bà mắc bệnh lao rồi qua đời. Lúc đó, con gái lớn của bà (Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thu Hà) mới ba tuổi, còn bà đang mang bầu con trai thứ hai (kiến trúc sư Trần Thanh Bình). Bà tham gia Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương rồi gặp gỡ và rồi nên duyên với nhà thơ Đặng Đình Hưng - lúc ấy là chính trị viên của đoàn.

Năm 1958, bà sinh ra con trai đặt tên là Đặng Thái Sơn-người sau này rạng danh với giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10 năm 1980) được tổ chức tại Warszawa (Ba Lan), trở thành nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải nhất tại cuộc thi này. Đặng Thái Sơn cũng nằm trong số những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1984. Khi đó, ông mới 26 tuổi và là nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay.

Nghe si Nhan dan Thai Thi Lien: Nguoi thay cua nhieu nghe sy tai danh hinh anh 2Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên cùng con trai Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn. (Ảnh: GĐCC)

Thời gian ở Việt Bắc, bà chuyển soạn, thu thanh nhiều bài piano, trong đó có nhiều bản lấy cảm hứng dân gian, điển hình như làn điệu Trống cơm. Rời chiến khu, bà dấn thân vào nghề giáo, đặt nền móng cho môn nghệ thuật piano trong nước.

Năm 1956, bà là một trong bảy thành viên sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách bộ môn piano trong suốt 20 năm.

Với những cống hiến trong nghề dạy học, sau này bà đã được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân đồng thời được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1982) và hạng Nhất (năm 1998).

Người thầy của nhiều nghệ sỹ tài danh

Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn từng chia sẻ má (Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên) là người có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Những bản nhạc đầu tiên ông được nghe là do bà đàn.

Năm 1970, bà Thái Thị Liên được dự thính Cuộc thi piano quốc tế Chopin ở Ba Lan. Khi trở về, bà mang theo đầy đủ bộ sách đàn và đĩa Chopin. Những bản nhạc Chopin từ cây đàn của mẹ đã truyền cho Đặng Thái Sơn tình yêu âm nhạc và tình yêu với Chopin, để rồi năm 1980, Đặng Thái Sơn giành giải Nhất Cuộc thi piano quốc tế Chopin, trở thành một hiện tượng đối với giới nhạc cổ điển thế giởi bởi lần đầu tiên có một người Việt Nam được vinh danh tại cuộc thi danh giá và lâu đời này.

Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn khẳng định Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên là người thầy dạy đàn đầu tiên của ông. Khi bắt đầu đi biểu diễn, má cũng là người truyền cho ông nhiều kinh nghiệm, góp ý về phong cách, đi đứng, hay cách xử lý thời gian giữa các bài. Trên tất cả, má truyền cho ông nghị lực cần có trong đời sống cũng như bước đường làm nghệ thuật.

Người con cả của bà Thái Thị Liên, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thu Hà cũng theo bước đường của mẹ, không chỉ là một nghệ sỹ piano mà còn là một Nhà giáo Nhân dân. Bà có 10 năm giữ cương vị Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nghệ sỹ piano Đặng Hồng Quang, con riêng của nhà thơ Đặng Đình Hưng, cũng được bà Liên bảo ban, dạy dỗ, trở thành Chủ nhiệm khoa Piano tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về mẹ mình, Nghệ sỹ-Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà từng nói: "Trải qua một cuộc đời đầy vinh quang lẫn cay đắng, bà luôn hết mình với nghệ thuật, gia đình và các thế hệ học trò."

Nghe si Nhan dan Thai Thi Lien: Nguoi thay cua nhieu nghe sy tai danh hinh anh 3Nghệ sỹ Đặng Hữu Phúc song tấu piano với nghệ sỹ Đặng Thái Sơn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Cùng chung nhận định này, nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, một người học trò của Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên nhận định: Bà là người có công thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam. Bà là chủ nhiệm khoa Piano đầu tiên của trường và đã góp phần đưa hoạt động giảng dạy piano trở nên rất chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu qua những giáo trình mà bà mang về từ nước ngoài. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cho hay ông từng học phổ thông với kiến trúc sư Trần Thanh Bình, học đàn piano với Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn và từ năm 1973, ông trở thành học trò của bà Thái Thị Liên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

“Thông qua những bài học về 24 gam (âm giai) trong âm nhạc, những bản nhạc của Johann Sebastian Bach, bà đã xây dựng những kiến thức ‘vỡ lòng’ rất căn bản và chuyên nghiệp cho hoạt động đào tạo piano Việt Nam, tiệm cận với nhạc cổ điển thế giới,” nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc khẳng định.  

Nghe si Nhan dan Thai Thi Lien: Nguoi thay cua nhieu nghe sy tai danh hinh anh 4Những kỷ vật về cô giáo Thái Thị Liên mà nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc trân trọng. (Ảnh: NVCC)

Trong mắt ông, Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên là một người thầy nghiêm khắc đến mức nhiều học trò rất sợ bà mỗi khi trả bài.

“Chơi đàn là một quá trình khổ luyện nhiều chông gai và nước mắt. Nhiều bạn phát khóc khi không thể hiện được những gì cô giáo yêu cầu. Cô không cho qua bất cứ một lỗi nhỏ nào. Sự nghiêm túc, khắt khe và nhiệt huyết trong công việc cũng đã truyền cảm hứng cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình dạy học sau này,” ông Phúc kể.

Nghiêm khắc trong chuyên môn và dạy học nhưng nghệ sỹ Thái Thị Liên cũng là người rất tình cảm trong cuộc sống thường ngày.

Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vẫn luôn trân trọng gìn giữ tờ giấy viết tay của bà Thái Thị Liên, nhắn rằng bà đã xin cô Kim Dung cho mượn quyển I Sonates Beethoven để ông Phúc tập và trả bài. Khi bà Liên đi dự Cuộc thi Chopin ở Ba Lan về, bà cũng mang cho ông Phúc một bản nhạc bướm của Rachmaninoff.

Danh tiếng của bà Thái Thị Liên không chỉ lẫy lừng ở trong nước mà còn vang xa ở nước ngoài. Nghệ sỹ piano Snezana Panovska (Macedonia) từng gặp bà vài lần và có dịp nghe bà chơi bản nhạc nổi tiếng “Mazurka” của Chopin trong buổi hòa nhạc “Trăm mùa Thu vàng” mừng sinh nhật thứ 100 của bà đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng công lao to lớn của bà trong việc xây dựng Học viện Âm nhạc Việt Nam nói chung và khoa Piano nói riêng. Đây là nơi đào tạo hàng trăm nghệ sỹ piano trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước Việt Nam. Bằng sự chăm chỉ, ý chí, tầm nhìn và lòng dũng cảm, bà sẽ sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho chúng tôi.”

Tiếng đàn của bà Thái Thị Liên không còn ngân lên nữa nhưng những đóng góp của bà cho nền âm nhạc Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên. Những học trò mà bà dạy dỗ sẽ tiếp nối sự nghiệp đào tạo và biểu diễn để âm nhạc cổ điển Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trên thế giới./.

Minh Thu (Vietnam+)