Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương: Tiên phong với sân khấu kịch miền Nam
13:29 - 24/06/2021
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Kim Cương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 4 đời hoạt động sân khấu, là con gái của cố NSND Bảy Nam và ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (gánh Phước Cương), quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Bà còn thuộc những thế hệ đầu tiên khai phá con đường phát triển sân khấu cải lương miền Nam cùng với 4 nghệ sĩ (NS) nổi danh: Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam và Năm Châu.
Ngoài ra, NSND Kim Cương chính là người đi tiên phong trong việc thành lập bộ môn kịch nói ở miền Nam, làm rạng rỡ cho sân khấu với hàng loạt vở diễn để đời.
ĐƯỢC DIỄN TỪ LÚC 7 TUỔI
Từ trong bụng mẹ, NS Kim Cương đã được sống trong tiếng nhạc lời ca của nghệ thuật cải lương khi NS Bảy Nam theo Đoàn Đại Phước Cương lưu diễn từ miền Nam ra miền Bắc. Lên 7 tuổi, trong vai Na Tra (vở Na Tra lóc thịt, kịch bản của chính NSND Bảy Nam), Kim Cương đã được tán thưởng nhiệt liệt khi lần đầu tiên diễn cùng với mẹ và dì ruột là NS nổi tiếng Năm Phỉ.
Những tưởng Kim Cương sẽ xa mãi ánh đèn sân khấu khi gia đình gửi theo học văn hóa ở trường dòng, nhưng trong chuyến thăm mẹ đang lưu diễn cùng đoàn hát ở Châu Đốc vào dịp nghỉ hè năm 17 tuổi, tình cờ Kim Cương được các cô chú trong đoàn nhờ biểu diễn bản tân nhạc Nụ cười sơn cước; và thật không ngờ, chính bản tân nhạc ấy đã đánh dấu sự trở lại của Kim Cương.
NS Năm Phỉ đã bàn với NS Duy Lân soạn vở tuồng Giai nhân và ác quỷ hầu kéo Kim Cương trở lại sân khấu, và vở diễn này đã thành công rực rỡ. Kế tiếp, vở Phấn hậu cung cũng được hoan nghênh vang dội.
Danh xưng “Kỳ nữ Kim Cương” chính thức xuất hiện trên báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ như sự ghi nhận một tài năng trẻ vừa xuất hiện trên vòm trời nghệ thuật.
CHÍNH THỨC BƯỚC VÀO NGHIỆP CẦM CA
Cuối năm 1954, NS Năm Phỉ qua đời, NS Kim Cương nghỉ học để làm giám đốc điều hành gánh hát của dì để lại, sau đó cải tiến thành Đoàn Cải lương Năm Phỉ - Kim Cương. NS Bảy Nam đứng sau làm cố vấn. Nghiệp cầm ca đã chính thức buộc chặt lấy NS Kim Cương từ đó. Mọi công việc đang thuận buồm xuôi gió; thế nhưng, năm 1957 NS Kim Cương giải tán đoàn cải lương, thành lập Ban kịch Kim Cương.
Trả lời giới báo chí về việc làm táo bạo này, NS Kim Cương cho biết: “Khi tôi bước chân vào nghề, NS Năm Châu và má tôi dạy rằng: Cách diễn của cải lương phải thật và đẹp, nhưng thể hiện cái thật của cải lương không dễ, vì loại hình nghệ thuật này cần phải có sự cách điệu.
Trong khi đó, với kịch nói, cái thật đến với người xem rõ nét hơn, trực tiếp hơn. Hơn nữa, bấy giờ tôi có suy nghĩ người nghệ sĩ không chỉ “bán buồn mua vui”, mà phải có trách nhiệm nói lên tâm tư, tình cảm của công chúng đối với thời cuộc…”.
Đến đầu những năm 1960, kịch nói miền Nam chính thức ra đời khi NS Kim Cương lập Ban thoại kịch Kim Cương. Từ đây, khán giả được thưởng thức lối diễn kịch dẫn dắt tình cảm của khán giả một cách tự nhiên của NS Kim Cương.
Dưới bút danh Hoàng Dũng, NS Kim Cương còn viết trên 50 vở kịch cho đoàn kịch do mình thành lập, trong đó có những vở kịch sống mãi trong lòng nhiều thế hệ khán giả như: Tôi là mẹ, Lá sầu riêng, Trà hoa nữ, Dưới hai màu áo, Huyền thoại mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo…
Năm 1963, NS Kim Cương sang Pháp diễn cùng các nghệ sĩ lừng danh khác, có được thu nhập cao, đủ tiền nuôi em và theo học lớp diễn xuất và kịch câm. Đến năm 1965, NSND Bảy Nam tiễn con gái Kim Cương sang Pháp học tập và đã cùng Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê lưu diễn giới thiệu nghệ thuật dân tộc Việt Nam ở nước Pháp và Đức, gây tiếng vang không nhỏ trong cộng đồng văn hóa quốc tế lúc bấy giờ.
Năm 1967, trở về nước, NS Kim Cương thành lập Đoàn kịch nói Kim Cương, rồi mạnh dạn bước sang nghệ thuật điện ảnh. Xuất hiện trong hơn 45 phim sản xuất tại miền Nam, NS Kim Cương đã thành công rực rỡ qua các phim: Lòng nhân đạo, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Tứ quái Sài Gòn, Người chồng bất đắc dĩ...
Tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Loan năm 1974, NS Kim Cương được trao giải Diễn viên xuất sắc nhất. Dù tài năng thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhưng thể loại kịch đã để lại nhiều dấu ấn nhất đối với NS Kim Cương.
Sau năm 1975, NSND Kim Cương tiếp tục thành công trong vai trò phụ trách đoàn kịch mang tên mình. Đặc biệt, NS Kim Cương đã mời đạo diễn Đoàn Bá dựng những vở kịch nổi tiếng của Liên Xô cũ trên sân khấu kịch TP. Hồ Chí Minh như: Ta-nhi-a, Cuộc chia tay tháng sáu…; và còn kết hợp với sân khấu miền Bắc để thực hiện các tác phẩm xuất sắc: Con nai đen của Nguyễn Đình Nghi, Lời nói dối cuối cùng của Lưu Quang Vũ…
Khi sân khấu gặp khó khăn, Đoàn kịch Kim Cương ngưng hoạt động (từ năm 1994) nhưng sau đó NSND Kim Cương vẫn tiếp tục hoạt động bằng hình thức khác: Tổ chức biểu diễn gây quỹ từ thiện, cứu tế xã hội.
Đến khi tuổi cao không còn biểu diễn, NSND Kim Cương đã tham gia các hoạt động từ thiện, chia sẻ với những cảnh đời khó khăn, bất hạnh, được đề cử làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh. Mỗi khi tết đến, xuân về, NS Kim Cương đi vận động để làm chương trình “Nghệ sĩ tri âm” giúp đỡ các nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người làm công tác hậu đài, âm thanh, ánh sáng gặp khó khăn trong cuộc sống.
Hiện ở tuổi 84, NSND Kim Cương sống an vui cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
NS Kim Cương được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết. Tháng 5-2012, NS Kim Cương vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. NSND Kim Cương còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”
https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-si-nhan-dan-kim-cuong-tien-phong-voi-san-khau-kich-mien-nam-a3763.html