Ngày mai khai mạc Lễ hội Tây Thiên
12:42 - 16/03/2022
Theo Ban tổ chức, buổi sáng là nghi thức chồng kiệu; chủ lễ dâng hương và tuyên Chúc văn; các đại biểu lên dâng hương tại Đền, Chùa Thượng tổ chức nghi thức. Buổi chiều tại Đền Thỏng tổ chức lễ Tạ.
Trước đó, ngày 14/3/2022 (tức ngày 12/2 Âm lịch), tại Đền Thượng - Chùa Thượng Tây Thiên, Ban Tổ chức Lễ hội Tây Thiên đã tổ chức Lễ Cáo.
Theo ông Ngô Chí Tuệ - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, các công tác chuẩn bị cho Lễ hội Tây Thiên đang được địa phương lên kịch bản cụ thể trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Năm nay, Lễ hội Tây Thiên chỉ tổ chức phần Lễ, không tổ chức phần Hội, nhưng vẫn đảm bảo sự tôn nghiêm, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Dự kiến trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022 và Lễ hội Tây Thiên, dự kiến sẽ có hàng nghìn phật tử và du khách tới khu danh thắng Tây Thiên để du xuân, lễ bái, cầu mong bình an, sức khỏe và bình an.
Để tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, UBND huyện Tam Đảo đã chỉ đạo Ban quản Di tích Tây Thiên phối hợp với Ban Quản lý Cáp treo Tây Thiên đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, Ban quản lý Cáp treo Tây Thiên đã quán triệt nghiêm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc về việc thực hiện phun khử trùng toàn bộ hệ thống xe điện, cabin cáp treo, khu dịch vụ, khu vực công cộng, đo thân nhiệt cho cán bộ, nhân viên, phật tử, du khách.
Đồng thời, bố trí khu vực cách ly và phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan để trực tiếp theo dõi, có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện có trường hợp nhiễm COVID-19.
Từ khu vực xe điện đến khu vực cáp, treo Ban quản lý Cáp treo Tây Thiên đã bố trí nhiều bàn để dung dịch rửa tay sát khuẩn, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang và phát khẩu trang miễn phí cho du khách không mang theo. Bên cạnh đó, hướng dẫn du khách giữ khoảng cách ngồi xe điện, cabin, hoặc sẽ bố trí ưu tiên từng đoàn khách đi một chuyến xe hoặc cabin.
Những biện pháp chủ động trong phòng chống dịch tại khu danh thắng di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên đã tạo sự an tâm, tin tưởng cho du khách trong hành trình “Đến với Phật, Về với Mẫu” trong những ngày đầu xuân.
Lễ hội Tây Thiên - Hành trình “Đến với Phật, Về với Mẫu”.
Những biện pháp chống dịch được thực hiện nghiêm để du khách yên tâm trong hành trình “Đến với Phật, Về với Mẫu”.
Di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền thờ có từ hàng nghìn năm nay tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - người trang Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà là người đã cùng Vua Hùng Vương thứ bảy mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Khi còn sống, trong nước có loạn, Quốc mẫu Tây Thiên có công chiêu mộ binh sĩ, phò vương cứu nước, cứu dân. Sau khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước.
Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương - Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tử Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).
Để tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc mẫu phù hộ cho bình an, may mắn.
Hằng năm, Lễ hội được tổ chức bao gồm phần lễ và phần hội với các trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt, của dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư chân núi Tam Đảo.
Trong đó ngày Lễ chính 15/2 Âm lịch thực hiện các nghi lễ: Lễ tế - Lễ rước - Lễ dâng hương để nhân dân đến với Tây Thiên lễ Phật, lễ Mẫu không những cảm nhận được công đức của Quốc Mẫu đối với quê hương đất nước, trong tâm thức bao dung, thánh thiện được hành hương về với Mẹ - Quốc Mẫu được thể hiện qua giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn với ý nghĩa trở về cội nguồn.
Đào Tấn
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/ngay-mai-khai-mac-le-hoi-tay-thien-d178248.html