Ngành thép Việt Nam nỗ lực tìm điểm sáng trong năm 2023

11:26 - 21/12/2022

Chuyên gia ngành thép nhận định việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công sẽ là “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp thép, giúp tạo "điểm sáng" bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.
 

Nganh thep Viet Nam no luc tim diem sang trong nam 2023 hinh anh 1Sản phẩm thép xây dựng của Công ty Cổ phần thép Việt Đức mới xuất xưởng. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và nhu cầu thép trong suốt năm 2022 vừa qua được đánh giá chưa thực sự tốt, nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do chi phí tăng cao, giá thép biến động mạnh và lượng hàng tồn kho lớn.

Tiêu thụ sụt giảm

VSA cho biết, trong 11 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu khó khăn khi lạm phát tăng cao, các ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại; trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng thép.

Giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh. Cụ thể giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý 2 và quý 3/2022 đến nay liên tục giảm, với mức giảm từ 50-60% so với hồi quý 1/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Trên thế giới, một số tập đoàn thép lớn có kế hoạch đóng cửa lò cao và tại Việt Nam, các nhà máy thép lớn cũng đã phải dừng hoạt động lò cao như Hòa Phát, Formosa, Tisco… hoặc giãn kế hoạch sản xuất như Thép Miền Nam, Maruichi Sunsco…

Sản xuất thép xây dựng trong tháng 11 tiếp tục sụt giảm so với các tháng trước và cùng kỳ 2021 do một số công ty thép cắt giảm sản xuất. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11 đạt 682.000 tấn, giảm 5,28% so với tháng trước và giảm 37,2% so với tháng 11/2021.

Tiêu thụ thép giảm mạnh 22,73% và chỉ đạt hơn 874.000 tấn, ngang bằng với cùng thời điểm năm 2021; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt hơn 97.000 tấn, giảm hơn 52% so với tháng 11/2021.

Sự sụt giảm của thị trường tiêu thụ khi thị trường bất động sản chững lại, biến động tỷ giá ngoại tệ… khiến nhiều nhà máy trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao.

Các nhà máy có kết quả kinh doanh giảm sút do cạnh tranh về giá bán và thị phần, hiện nay đã tạm ngưng việc giảm giá bán. Các công ty thương mại, nhà phân phối hạn chế mua vào, giao dịch kém đi, chủ yếu nhắm đến việc thu hồi công nợ do thời điểm gần về cuối năm.

Ở trong nước, sức ép nhu cầu tiêu thụ yếu và chậm của thị trường nội địa đã khiến giá thép xây dựng tiếp tục điều chỉnh giảm. bên cạnh đó, diễn biến đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những yếu tố để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán thép xây dựng.

Sự phục hồi của nhu cầu bị cản trở bởi áp lực từ diễn biến tăng lãi suất. Các ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng của khách hàng trước các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến giá thép xây dựng đã liên tiếp điều chỉnh giảm thời gian qua, VSA nhận định.

Trước những khó khăn trên, theo báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát, tập đoàn này trong tháng 11 chỉ sản xuất 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái; tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30%; trong đó, thép xây dựng tăng 20% so với tháng 10 nhưng vẫn giảm 7% so với cùng kỳ 2021, còn thép cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh hơn, khoảng 12%.

[Ngành thép của Việt Nam kỳ vọng những gì trong năm 2023?]

Tính chung trong tháng 11/2022, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 10,78% so với tháng 10 và giảm gần 37% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép đạt hơn 1,9 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng qua, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 27 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ; tiêu thụ đạt hơn 25 triệu tấn, giảm 6,8%; trong đó xuất khẩu đạt hơn 5,7 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ.

"Điểm sáng" có đến từ đầu tư công?

Theo kế hoạch năm 2023, chủ trương của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế, quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rất rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, đây được coi là “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp thép, giúp tạo "điểm sáng" bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Dự kiến sẽ có 793.000 tỷ đồng dành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2023, tăng 34% so với kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Nganh thep Viet Nam no luc tim diem sang trong nam 2023 hinh anh 2Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ông Sưa cho rằng, để giúp thị trường thép phục hồi, Chính phủ và các địa phương, bộ, ngành cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cũng như triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thép nội địa giữ vững thị phần và có động lực để phát triển. Trong năm qua, chúng ta chỉ giải ngân được hơn 58,3% số vốn, như vậy là còn nhiều vấn đề cản trở.

Nhận định của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) cho thấy, nhu cầu thép thế giới sẽ tăng trở lại khoảng 1% trong năm 2023 nhờ động lực là đầu tư công cũng như tình hình thiếu hụt năng lượng đã được kiểm soát trên thế giới; trong đó, khu vực ASEAN sẽ dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam trời thời gian tới.

Ngoài ra, nguồn cung thép thị trường châu Âu trong năm 2023 được dự báo tiếp tục thiếu hụt do giá năng lượng cao. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Theo dự báo của VSA, tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp thép kéo dài hết quý 4 và có thể sẽ còn tiếp tục trong đầu năm 2023 do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.

Nhưng với các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông… thị trường thép vẫn nhìn thấy những "điểm sáng" trong năm 2023.

Như thông tin từ Hòa Phát cho biết, tiêu thụ thép xây dựng trong nước dù phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm thép hạ nguồn cũng gặp khó khăn do thị trường trầm lắng.

Lũy kế 11 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với 11 tháng 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước.

Để giảm bớt khó khăn, tập đoàn này đang tập trung quản trị chặt chẽ hàng tồn kho để giảm bớt gánh nặng cho nhu cầu vốn lưu động và nợ vay ngắn hạn.

Đối với xuất khẩu, khi nhu cầu tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang yếu, Hòa Phát tập trung khai thác các thị trường khác ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát và suy thoái kinh tế như khu vực Đông Nam Á và một số nước khác ở châu Á…/.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nganh-thep-viet-nam-no-luc-tim-diem-sang-trong-nam-2023/836916.vnp