Nganh duong sat da xoa bo hang tram loi di tu mo de ngan tai nan hinh anh 1Một đường ngang dân sinh trên đường Lê Duẩn tại thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, sau 2 năm thực hiện đề án về đảm bảo an toàn giao thông đã xóa bỏ được 511 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm trên các tuyến đường sắt, đạt 12,6%; rào thu hẹp lối đi tự mở tại 1.448/1.879 vị trí, đạt 77%.

[Cố vượt rào chắn đường sắt, một người bị tàu hỏa đâm tử vong]

Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.023 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 1.510 đường ngang, chiếm tỷ lệ 30% và 3.513 lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 70%.

“Triển khai thực hiện đề án thời gian qua, công tác giảm, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt đã được chính quyền các địa phương và các chủ thể liên quan tập trung triển khai bằng các giải pháp cụ thể. Đa số các lối đi tự mở nguy hiểm đã được áp dụng các biện pháp trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như cắm biển cảnh báo ‘chú ý tàu hỏa’, thu hẹp bề rộng lối đi, tổ chức cảnh giới an toàn giao thông...,” lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá.

Bên cạnh đó, hiện thực hóa đề án trên, một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, duy trì cảnh giới an toàn giao thông, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn.

[Đường sắt bố trí 400 tỷ đồng lắp thiết bị tín hiệu tại 270 đường ngang]

Dẫn chứng, 24 tỉnh/thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí, duy trì cảnh giới an toàn giao thông tại các lối đi tự mở nguy hiểm, nâng tổng số vị trí cảnh giới lên 379/602 vị trí, đạt 63%.

 

Tuy nhiên, phía Cục Đường sắt Việt Nam thừa nhận vẫn còn tới 11.543 vị trí vi phạm đất đường sắt, 5.812 vị trí xâm phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.

Trên cơ sở đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị các tỉnh có đường sắt đi qua ưu tiên kinh phí đầu tư để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như xây dựng hàng rào, đường gom, công trình phụ trợ khác để xóa bỏ lối đi tự mở nguy hiểm, đồng thời giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.

Với lối đi tự mở, hiện do địa phương quản lý, theo lộ trình đến năm 2025 sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn./.

Năm 2023 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ ký hợp đồng đặt hàng và triển khai lắp đặt bổ sung thiết bị tín hiệu tại 270 đường ngang, chia thành 65 công trình với tổng số vốn 400 tỷ đồng nguồn ngân sách Nhà nước.

 

Việt Hùng (Vietnam+)