Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 3)

21:16 - 19/08/2022

Nối tiếp chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã tạo nên một tuyệt phẩm âm nhạc là “Xa khơi”. Bài hát này kết hợp hài hòa chất dân gian và chất bác học, tạo nên một tác phẩm vừa cao sang, vừa gần gũi với công chúng, có sức sống mãnh liệt và lâu dài.

Qua giọng hát của nghệ sĩ Tân Nhân, bài hát này không những có sức lôi cuốn mạnh mẽ đồng bào ta, mà, theo “truyền thuyết”, cũng rất thu hút binh lính ngụy, họ mê nghe Tân Nhân hát Xa khơi tới mức chỉ huy của họ “nổi điên”, muốn giết chết nữ nghệ sĩ mảnh mai, chỉ bằng giọng hát mà có sức mạnh của cả binh đoàn này.

“Nắng toả chiều nay

Chiều toả nắng đôi bờ anh ơi

Gió lộng buồm mây ướm chân trời

Biển lặng sóng thuyền em dong khơi

Khoan giọng hò thương anh cách vời

 

Kìa biển rộng con nục con măng

Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng

Con chuồn còn bay nơi nơi

Con giang chiều gọi bạn đường khơi

 

Nắng toả chiều nay

Thuyền về mái đọng chiều nay

Nhìn phương Nam con nước vơi đầy

Thương nhớ, nhớ thương anh ơi!

 

Ơi mênh mông sóng xô ru thuyền ta xa bờ

Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ

Đường ta ra khơi đưa nhịp chèo nối liền

(Ơ) Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền

 

Ơ...mênh mông lời ca câu hò thương nhớ

Vang về miền Nam quê ta

Biển dập dìu biển tâm tình

Biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi

 

Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta nối liền

Phong ba sóng cồn lòng ta luôn vững bền

Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn

(Ơ) Kề vai bên nhau em kề bên anh thương

 

Ơ...anh ơi lời ca câu hò thương nhớ

Vang về cùng anh không xa

Biển dập dìu, biển chung tình

Biển nói lên giùm bao ngày thương nhớ, biển ơi !

 

Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay

Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay....”

Theo trang baicadicungnamthang.net, "Xa khơi được viết vào giai đoạn sau khi kết thúc Kháng chiến chống Pháp, đất nước bị chia làm hai miền.

Những năm 1956 - 1957, Nguyễn Tài Tuệ đã đi thực tế ở khu vực cầu Hiền Lương, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ... Nhà thơ Lưu Trọng Lư dẫn đầu đoàn văn nghệ sĩ, họ sống ở bên này sông Bến Hải hàng tháng trời.

Lúc đó, khó khăn chồng chất khó khăn, đất nước bị chia cắt gây đôi miền. Cảnh chiều chiều vợ ra bến ngóng chồng, ông ra sông ngóng cháu từ phía bên kia. Những đôi trai gái chưa kịp cưới nhau đã phải chia lìa để cứ chiều chiều đứng bên này khoát nón sang bên kia gọi nhau mà không thể gần nhau được.

Nguyễn Tài Tuệ tự hỏi mình: “Ngoài biển kia con cá nục đến con cá măng còn đi đi lại lại, bay nhảy thoải mái giữa 2 miền, tại sao con người lại bị ngăn cách?” Và, ông lấy khát vọng thống nhất đất nước làm chủ đề bài hát này.

Đến năm 1962, khi có cuộc thi sáng tác hưởng ứng tiếng trống Đồng khởi miền Nam, nhạc sĩ mới viết ca khúc này. Khi tham dự cuộc thi, ca khúc lại bị đánh giá là thiếu tính tư tưởng, thiếu tính sản xuất, nhạc sĩ cũng bị kiểm điểm, chỉ trích. Nhưng khi phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng hát Tân Nhân, ca khúc lại được thính giả rất yêu thích. Kết cục, bài hát đoạt giải nhì, không có giải nhất.

Nhưng do lí do trên, đến sau năm 1975 Xa khơi mới được phổ biến rộng rãi.

Ca khúc được viết cho giọng nữ cao, mang chất dân ca Trung Bộ, do đó chỉ được các nữ ca sĩ thể hiện. Đây được coi là ca khúc kinh điển của thanh nhạc, nên nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này. Ca khúc còn xuất hiện nhiều lần trong các cuộc thi Sao Mai, Tiếng hát truyền hình các tỉnh và các cuộc thi âm nhạc khác. Những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng thể hiện ca khúc này như: Tân Nhân, Thanh Huyền, Hương Loan, Tường Vi, Lê Dung, Thu Hiền, Anh Thơ, Tân Nhàn...

Tân Nhân (1932 - 2008) là nghệ sĩ ưu tú, nổi tiếng vào thập niên 1950-1960. Bà được nhiều người coi là ca sĩ đã thể hiện "Xa khơi" thành công nhất. Bản thu "Xa khơi" dưới sự thể hiện của bà (đệm piano Hoàng My) là bản thu được phổ biến rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam.”

Tình yêu đất nước của tôi vừa được mở rộng ra, vừa được cụ thể hóa qua các ca khúc viết về các con người, vùng đất trên mọi miền Tổ quốc, được các nghệ sĩ tài năng và tâm huyết như Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Thụ, Tường Vi, Tân Nhân, Kim Nhớ, Thanh Huyền… thể hiện đầy sức truyền cảm.

Giúp tôi cảm nhận được mối tình Nam – Bắc khắng khít trải dài khắp ba miền đất nước là bài hát Hà Nội -Huế- Sài gòn:

 (Hoàng Vân – Lê Nguyên):

“Trên đất mẹ nắng hồng như lụa

Trải nghìn năm gắn bó miền hai miền

Như cành chung gốc lớn lên

Như anh em của mẹ hiền Việt Nam!

 

Huế của miền Trung ruột thịt

Với sông Hương tha thiết giọng hò

Đã vùng lên! Một mùa thu

Hoà trong tiếng hát ân tình hôm nay!

 

Huế cầm tay Sài Gòn, Hà Nội

Bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu

Ơi! Sài Gòn vang lời ca bất khuất

Của miền Nam đi trước về sau!

Cánh sen thắm vẫn tươi màu

Lời thề còn nhớ khắc sâu trong lòng.

[ĐK:]

Đây miền Nam! Thành đồng Tổ Quốc!

Bến Cửu Long rực rỡ tên vàng

Thành phố vinh quang Hồ Chí Minh

Tiếng người mang trong lòng!”

Bài hát này có sức khái quát cao, đồng thời lại có những hình ảnh cụ thể phản ánh chân thực và sinh động hiện trạng đất nước ta giai đoàn 1954 – 1965, khi đó một nửa là miền Bắc đang hòa bình, nỗ lực kiến thiết, miền Nam còn trong tay quân xâm lược, phải “đi trước về sau”, nhưng tất cả đều chung mối tình chung thủy Bắc – Nam ruột thịt, không gì có thể chia cắt.

Tôi cũng được hiểu biết và thêm yêu mến Tây Nguyên, một vùng đất xa xôi trên dải Trường Sơn hùng vĩ mà lúc đó còn xa muôn trùng đối với tôi.

Bài hát Mùa xuân em nhớ Tây nguyên (Văn Tấn - Trần Quang Huy) cho ta thấy một Tây Nguyên tươi đẹp, thơ mộng và bất khuất:

“1. Nắng sớm mai nhè nhẹ in cây lá, lá non bên lá non

Sương long lanh cành táo chín thơm ngon, thơm ngon

Mùa xuân về em nhớ Tây Nguyên bao la

Nghe rừng già vang lên tiếng đàn kinh kung

Nhớ tiếng bò kêu ngoài làng, tiếng suối hòa nghe rộn ràng.

  1. Có chú chim từ mờ sương hay hót véo von nghe véo von

Hoa a-t'rôn đỏ thắm sắc quê hương quê hương

Người anh hùng bất khuất Nơ Trang Lơng quê ta

Nghe tự hào con tim nức lòng đi lên

Giữ đất ruộng cho được mùa, giữ suối rừng bao hiền hòa.

Mùa xuân Tây Nguyên ơi, làng Plây-nguôn ta ơi.”                                                                           

Con người Tây Nguyên bất khuất, đã cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược, nay lại đứng vững trên mặt trận đấu tranh thống nhất đất nước, được khắc họa đậm đà qua bài ca Hát mừng anh hùng Núp

 (Trần Quý):

“1. Đây bất khuất Tây nguyên cao cao

Núi mây điệp trùng gió ào ào

Đây sóng nước sông Ba dâng trào

Người Ba-na như đàn chim đ'rao

Anh dũng nhất đánh Tây Pha-lang

Có anh hùng là chim đầu đàn

Gương anh Núp đánh Tây giữ làng

Rạng soi vinh quang trời Việt nam.

 

(ĐK). Từ núi rừng đến cánh đồng khắp nơi

Xa xôi muôn người chào mừng

Học tập gương chiến đấu bền một lòng

Qua gian nan trong bao năm

Gương này soi sáng khắp rừng Tây nguyên

Theo anh Núp đi tiên phong

Cùng núi sông đất nước vùng đứng lên

Còn tranh đấu tới ngày toàn thắng.

 

2. Chim có cánh chim bay lên mây

Có Bác Hồ mang trong tim này

Tuy cách núi mênh mông cao dày

Người Tây nguyên tin tưởng không lay.

Chịu đói muối bao năm gian nan

Đốt buôn làng rời lên non ngàn

Theo anh núp Tây nguyên kết đoàn

Từ sợi mây, giữ đến ngọn rau ban.

(ĐK)

(KẾT). Cho tiếng hát Tây nguyên mai sau

Sáng trong trời Việt Nam muôn màu

Gương anh Núp đánh Tây dẫn đầu

Còn rạng soi vinh quang ngàn năm sau

Còn rạng soi vinh quang ngàn năm sau.

Nét đẹp khỏe khoắn của người con gái dân tộc ở Tây Nguyên được thể hiện sinh động qua bài hát Em là hoa Pơ langg Đức Minh):

“1. Tây nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ

Cánh hoa nào đẹp nhất rừng, Tây nguyên ơi...

Anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái

Nhớ cánh hoa pơ-lang đẹp nhất rừng Tây nguyên.

Tây nguyên ơi, quê hương ơi

Lòng nhớ anh em chờ như đá bên dòng suối

Dù nước cuốn không rời bên bờ đâu anh ơi

Có thương nhau xin nhớ lời.

Anh có biết buôn làng khắp Tây nguyên hùng vĩ quyết tâm tiêu diệt Mỹ

Em mong tin từng ngày trông tin anh từng giờ lập nên những chiến công.

Quê hương ơi, Tây nguyên ơi...

Con dao ta phá rừng, mũi tên săn bầy thú cũng chung tay diệt Mỹ

Con ong dáng hiền lành chông tre cũng một lòng lập nên những chiến công.

Tây nguyên ơi, Tây nguyên ơi...

 

  1. Tây nguyên ơi cây rừng bao nhiêu lá

Có bao nhiêu dòng suối dài, Tây nguyên ơi...

Em nhắc tên anh đêm ngày trong từng câu nói

Mỗi bữa cơm em ăn khi đi rừng lên nương.

Tây nguyên ơi, quê hương ơi...

Dù cách xa anh nhiều em vẫn chờ đợi đấy

Chẳng như cái lá rừng theo dòng suối trôi xuôi

Có thương nhau xin nhớ lời.

Anh có biết buôn làng lấy tên hoa thật quý của Tây nguyên hùng vĩ

Mang tên cho từng nàng nêu gương giết giặc thù làm nương rẫy sớm trưa.

Quê hương ơi, Tây nguyên ơi...

Anh ơi em sẽ là pơ-lang hoa đẹp nhất thứ hoa buôn làng quý

Cho anh thêm đẹp lòng hăng say giết giặc thù lập nên những chiến công

Tây nguyên này bao nhiêu cô gái đều là hoa pơ-lang.”

Cụ thể hơn về hành động chiến đấu bảo vệ buôn làng, có bài hát Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp – Moloyclavi):

“Như bao cô gái ở trên non,

cô gái sông Ba đầu búi tóc thon

Tay vót chông miệng hát không nghỉ.

Như bao cô gái ở trên non,

như bao cô gái ở Tây nguyên.

 

Ai nhanh tay vót bằng tay em

Chim hót không hay bằng tiếng hát em

Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù

Xiên thây quân cướp nào vô đây

Xiên thây quân cướp nào vô đây.

 

Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo

Em không ngừng tay vót chông rông rẫy

Nhưng mai đây giặc chạy rồi

Tre rừng ta làm nhà làm chòi cao.

 

Ê... chân ta đi chưa nghỉ, trời chưa xanh

Em còn vót chông nhiều rông rẫy

Ê... quân xâm lăng gian ác bay muốn vào

Mũi chông sẵn sàng đây chờ bọn bay diệt bọn bay!...”

“Chim Poong Kle” (Nhật Lai):

Chim hỡi! Nhìn theo đôi cánh poong kle.

Chim của ta ơi!

Chiều êm nghe tiếng bâng khuâng trong lòng bao giờ

Vẳng đưa lời hát buông trôi.

Dòng Xê Băng Hiêng lững lờ ơ ơ ơ ơ

Chan chứa bao nhiêu tình và bao nguồn vui.

 

Hỡi cánh chim poong kle trong sớm mai lộng gió ngàn

Ta muốn nói với ai mà sao lòng ngại với lòng

Gửi lời về với tiếng gió sớm. hòa cùng lòng với cánh chim non,

Con nước Xê-Băng- Hiêng dạt dào

Mà ai đứng vui bên dòng sông, vững tay súng biên thùy rừng núi.

Cho cánh chim poong kle trong sớm mai lộng gió ngàn.

Hỡi cánh chim poong kle trong sớm mai lộng gió ngàn

Lòng người Tây Nguyên cũng giống như các dân tộc khác, luôn nhớ thương những anh bộ đội đã đi tập kết mà chưa trở về, thể hiện qua bài hát  Dấu chân trên rừng

 của Vĩnh An:

“Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng,

Lặng nghe con chim nó kêu lạc đàn

Núi rừng đó người đâu không có,

Mà dấu chân còn rõ trên đường.

Rừng xanh năm tháng đợi chờ bóng dáng,

Người đi năm xưa vẫn chưa trở về

Lá rợp lá cành che khe đá

Mà núi sâu còn dấu chân người.

 

Nhớ năm tháng nào còn đó khi bóng người về đây

Ơi ơi các anh bộ đội, mang trái tim Cụ Hồ

Đến với lòng dân nơi buôn rừng xanh

Mưa trên rừng lạnh lắm không có lều mà che

Đi trong đêm mờ mịt không ánh sao rọi đường,

Nước suối cầm hơi anh đi về đâu.

 

Đánh lũ giặc Pháp giữ cái buôn,

Giữ cái rừng ê ê hề hê

Đi theo cái khe, theo cái suối,

Theo cánh chim trên rừng ê hề

Khi các anh dừng chân ghé qua,

Tiếng người hát tiếng đàn t’rưng ca

Buôn làng em bắc thêm cần rượu.

 

Núi O-lal đã nở hoa bốn mùa cảnh thay

Suối Đa-kho-ra lặng lờ thương nhớ ai đợi chờ,

Tiếng hát lời thơ năm xưa bên dòng suối

Nhắn con chim rừng ngừng cánh hỡi chim rừng về đâu

Cho nhớ thương gửi lời đem đến anh bộ đội,

Xa xôi hỡi anh nghe chăng bao lời ca.

 

Đặt chân lên dấu chân người vắng bóng,

Trồng cây hoa bên dấu chân của người

Nước ngừng xối, cành thôi rơi lá,

Để dấu chân còn cả trên đường

Người đi năm tháng không mờ bóng dáng,

Lòng dân như con suối trong đợi chờ

Thú rừng trốn lùi sau ánh nắng,

Ngày dấu chân người cũ lại về....”

Tôi nhớ như in rằng bài hát “Dấu chân trên rừng” được tốp ca nữ mặc quân phục biểu diễn ở hội trường khu Việt Nam học xá, nay là khu Bách Khoa, Hà Nội. Hội trường đông kín người, tôi không được ngồi, mà đứng ở gần cửa ra vào, may mà lại khá gần sân khấu cho nên được quan sát khá rõ các diễn viên. Lúc ấy, tôi có một xúc cảm mạnh mẽ về tình người, và cứ hình dung rõ ràng cảnh rừng núi Tây Nguyên mịt mùng, với những người phụ nữ dân tộc đang thể hiện nỗi thương nhớ các anh bộ đội bằng hành động “đặt chân lên dấu chân” rồi “trồng hoa lên dấu chân” của người đi xa! Hành động có vẻ thô mộc mà thẳm sâu nỗi lòng và cũng đầy chất huyền thoại sử thi!

Tôi càng thêm yêu mến những người bạn miền Nam cùng học khi nghe những bài hát ca ngợi những người con Thành đồng bất khuất. Bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu  (Nguyễn Đức Toàn) cho tôi chiêm ngưỡng hình ảnh một cô gái miền Nam hồn nhiên, dũng cảm, thôi thúc chúng tôi “đi lên không bao giờ lùi”:

“Mùa hoa lê-ki-ma nở ở quê ta miền đất đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở

Đời mai sau còn nhắc nhở

Sông núi đất nước ơn người anh hùng

Đã chết cho đời sau...

Người thiếu nữ ấy như mùa xuân

Chị đã dâng cả cuộc đời để chiến đấu với bao niềm tin

Và chết vẫn không lùi bước.

Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội

Vào trái tim những người đang sống

Giục đi lên không bao giờ lui.

Dù hoa lê-ki-ma nở, mộ xanh vẫn còn nức nở

Khi đất nước vẫn chia làm hai miền

Đêm đến bao giờ sáng cho hoa kia nở

Mùa xuân lan tràn xứ sở

Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu người nữ anh hùng.”

Cùng với đó là hình ảnh một trí thức, tử tù Côn Đảo kiên cường xả thân cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, được nghệ sĩ Quốc Hương hát vang vang đầy truyền cảm qua bài hát Lê Quang Vịnh người con quang vinh (Nguyễn Tài Tuệ):

Lê Quang Vịnh người con quang vinh

Tôi khắc tên anh vào trái tim tôi

Tôi hát tên anh trong triệu muôn người

Khi phượng nở (ơ ờ) khắp trời

Mang dòng máu tim anh bừng sôi

Dâng trào nguồn thơ anh ơi

Hờ hớ hơ...

Khi ngọn lửa (ờ ơ) sáng ngời

Bừng đôi mắt anh soi cuộc đời.

Căm thù vụt lên anh ơi (hớ ớ hơ...)

Anh hiên ngang nén căm trên đôi môi

Quê hương ơi xót xa trong lửa sôi

Hận thù Mỹ - Diệm, thù này cao hơn núi

Anh hiên ngang thét lên muôn đau thương

Của miền Nam sống trong ngục tù bè lũ Mỹ - Diệm

Thù này dâng lên mãi...

Quyết không xin chúng bay dù một lời!

* *

Lê Quang Vịnh người con quang vinh

Gương sáng anh soi vào trái tim tôi

Gương sáng anh ơi soi triệu cuộc đời

Muôn nhịp thở (hờ hơ) nối lời

Rung cuộc sống tên anh thành thơ

Rung thành lời ca anh ơi

Ờ ớ ơ...

Dâng cả tuổi yêu đời,

Dâng cuộc sống cho muôn triệu người

Căm thù trào lên muôn nơi (ớ ớ ơ...)

Bao vinh quang chiến công anh tôi ca

Bao tim đau xót xa trong lòng ta

Hận thù Mỹ - Diệm, miền Nam ta sôi máu

Bao vinh quang chiến công anh tôi ca

Của người con mến yêu muôn triệu nhà

Bè lũ Mỹ - Diệm, thù này dâng lên mãi...

Quyết không tha chúng bay dù một ngày!

Lại nữa, hình ảnh Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được khắc họa qua nhiều ca khúc giúp chúng tôi hình dung rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng, trước họng súng quân thù vẫn ngẩng cao đầu hô “Việt Nam muôn năm”. Trong số ca khúc ấy, tôi thích nhất bài Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh):

“Sáng mãi tên anh, người con của đất nước

Sông núi reo ca, người anh hùng thành đồng bất khuất

Nguyễn Văn Trôi, Nguyễn Văn Trôi

Người công nhân thành phố Sài-gòn

Mà lời anh trước súng giặc thù, vẫn cháy lửa chiến đấu.

Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về Vê-nê-duy-ê-la

Cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ La-tinh.

Anh đã sống cuộc đời sáng rực ánh mặt trời

Anh sống tuổi thanh xuân đẹp tươi

Trong khói lửa luyện nên thép gang.

Noi gương anh còn có triệu người

Cả miền Nam đang sôi tim gan, cuồn cuộn dâng lên như phong ba

Dìm đầu quân cướp Mỹ xâm lăng.

Gió đưa muôn tiếng ca lời anh hát ngày nào

Việt Nam muôn năm, Việt Nam muôn năm

1) Lời anh hát vọng đến ngàn năm.

2) Lời anh hát ngàn năm rực sáng.”

(Do lúc ấy thông tin được chuyển qua điện báo không dấu cho nên tên của anh Nguyễn Văn Trỗi lúc đầu được đọc là Nguyễn Văn Trôi).

Bằng giai điệu ngọt ngào, có lúc bi tráng, ca từ giàu hình ảnh, những ca khúc như vậy thấm sâu vào nhận thức của lứa học sinh phổ thông chúng tôi về tình yêu đất nước, con người và niềm khát khao hòa bình, thống nhất đất nước.

 (Còn nữa)

https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-3-a14725.html