Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Xung quanh các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, Đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội.
- Qua theo dõi, ông nhận thấy bức tranh ngân sách năm 2024 đã và đang tạo động lực như thế nào đối với vấn đề tăng trưởng kinh tế?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Qua báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 có thể thấy tổng thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng qua rất khả quan. Kết quả thu ngân sách là con số “tiền thật,” cũng thể hiện thực tế nhất về sự phục hồi của nền kinh tế. Mức chi ngân sách cũng phù hợp trong điều kiện năm nay chúng ta phải bố trí thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh và phần đảm bảo tăng cường tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 theo quy định.
Bên cạnh đó, riêng với vấn đề giải ngân đầu tư công thì hiện vẫn còn chậm, tuy nhiên hy vọng với những giải pháp quyết liệt mà Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang triển khai, thì kết quả sẽ được đẩy nhanh và bảo đảm kết hoạch đã đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024.
Đáng lưu ý khi Việt Nam đã làm tốt trong việc kiểm soát lạm phát trong hơn một thập kỷ qua. Từ năm 2014 đến nay, mức lạm phát luôn duy trì ở dưới ngưỡng 4%. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận bởi nó tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo các cân đối lớn và mang lại niềm tin cho nhà đầu tư, tạo nền tảng giúp nền kinh tế vững vàng trước những biến động toàn cầu.
Cán cân thương mại của Việt Nam luôn giữ ở mức thặng dư từ năm 2016 đến nay, điều này giúp chúng ta duy trì được tính ổn định trong kinh tế vĩ mô và góp phần vào việc ổn định tỷ giá hối đoái. Qua đó giúp thị trường, người dân không bị “xôn xao” trước những thông tin giả làm ảnh hưởng đến niềm tin.
- Nhiều ý kiến cho rằng dù bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của nhiều yếu tố, tuy nhiên Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Ông đánh giá như thế nào về những động lực chính tạo nên sự tăng trưởng này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta đều thấy, thời gian gần đây, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ với 3 động lực tăng trưởng. Thứ nhất là xuất khẩu khi đã đạt mức tăng trưởng trên 10-15%, điều này cho thấy nhu cầu hàng hóa Việt Nam tại các thị trường quốc tế.
Thứ hai là đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài khi kết quả giải ngân đầu tư nước ngoài đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, đầu tư vào hạ tầng và việc thu hút vốn đầu tư xã hội cũng tăng đáng kể, tạo nên một nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế.
Thứ ba là tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nội địa, được thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, cũng đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Điều này phần nào thể hiện niềm tin của người tiêu dùng và sức mua của thị trường trong nước.
Những động lực nêu trên chứng minh rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm lực để phát triển đồng thời đạt được các mục tiêu kinh tế đề ra. Đặc biệt, cũng cần phải kể đến yếu tố quan trọng hơn là niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, khi người dân cùng chung ý thức và khát vọng bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, xây dựng vị thế quốc gia vững mạnh.
- Theo ông, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới được đánh giá ở mức như thế nào?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Những năm qua, với nguồn tài chính ổn định, chúng ta đầu tư công rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Khi các hạ tầng đồng bộ thì sẽ giảm được chi phí logistics, đây sẽ là động lực tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Cùng với đó, hạ tầng về y tế, giáo dục, hạ tầng số được đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đáng lưu ý khi vị thế, uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng tăng cao với việc trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó tăng khả năng hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, việc đầu tư vào đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này sẽ là một bước tiến quan trọng để Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển trên thế giới. Dự án này không chỉ giúp tăng cường kết nối giữa các khu vực mà còn mở ra không gian phát triển cho các tỉnh thành, đặc biệt là những vùng xa xôi, khó tiếp cận. Nhiều ý kiến lo ngại về nguồn lực thực hiện nhưng hiện nợ công đã được kiểm soát tốt ở mức 37% GDP, qua đó đảm bảo huy động được nguồn lực rất lớn để đầu tư. Chúng ta cũng cần lưu ý là không đặt bài toán về hiệu quả kinh tế ở dự án này mà phải đặt bài toán về hiệu quả xã hội. Bởi khi hệ thống giao thông được nâng cấp, chi phí đi lại của người dân giảm xuống, giúp thúc đẩy kinh tế khu vực và phát triển các lĩnh vực như du lịch, thương mại. Giá trị bất động sản tại các khu vực gần nhà ga hay các trạm dừng cũng sẽ tăng lên, từ đó tạo nguồn thu từ việc khai thác không gian xung quanh tuyến đường sắt.
Về động lực thể chế, tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ xem xét khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay để hoàn thiện nền tảng thể chế, không chỉ thể chế cho kinh tế thị trường mà còn có những thể chế về văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Hiện Việt Nam đang đề ra 3 động lực đột phá cho phát triển là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, nhưng cần đột phá thứ tư giúp tăng tốc là đột phá về khoa học công nghệ. Đột phá này người Việt Nam đều có, bởi với tính năng động, sáng tạo đã được thể hiện qua nhiều cuộc thi quốc tế, nên nếu hội tụ được hết những đột phá thì sẽ đánh thức được các tiềm năng phát triển, tạo đà cho nền kinh tế tiến lên.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!./.