Ngan hang trung uong Nhat Ban nam giu luong trai phieu ky luc hinh anh 1Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/3 công bố số liệu cho thấy tính đến cuối tháng 12/2022, ngân hàng này đã nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ kỷ lục 52,02% trong bối cảnh BoJ phải tăng cường mua để bảo vệ mức trần lợi suất dài hạn.

Lượng trái phiếu mà BoJ nắm giữ có giá trị tới 546.930 tỷ yen (4.100 tỷ USD), trong khi tổng nợ chính phủ chưa thanh toán vào khoảng 1.051 tỷ yen. Mức sở hữu trái phiếu đã tăng so với ba tháng trước đó khi lần đầu tiên vượt mốc 50%.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lại lạm phát, thì lợi suất trái phiếu nước ngoài cao hơn đã gây thêm sức ép cho BoJ trong năm 2022.

BoJ, ngân hàng trung ương ôn hòa nhất trong số Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính khi tăng trần lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5% trong tháng 12/2022, qua đó làm tăng đồn đoán về việc BoJ chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ.

[Nhật Bản: 40% doanh nghiệp muốn BoJ giảm chính sách tiền tệ siêu lỏng]

Để bảo vệ mức giới hạn trần trên, BoJ đã đề nghị mua không giới hạn lượng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định là 0,5%.

 

Đối mặt với những lời chỉ trích về việc can thiệp thị trường do sự hiện diện BoJ trên thị trường trái phiếu, ngân hàng trung ương đặt mục tiêu cải thiện hoạt động của thị trường thông qua quyết định trong tháng 12/2022, nhưng kết quả là BoJ buộc phải tăng mua trái phiếu để giữ lãi suất trong phạm vi mục tiêu.

Thống đốc sắp tới của BoJ Kazuo Ueda sẽ đối mặt với thách thức trong việc vạch ra con đường hướng tới bình thường hóa chính sách khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách ổn định.

Dữ liệu của BoJ cũng cho thấy tài sản do các hộ gia đình Nhật Bản nắm giữ đạt 2.023 tỷ yen tính đến cuối tháng 12/2022, duy trì trên mức 2.000 tỷ yen trong quý thứ năm liên tiếp. Hơn 50% trong số đó được giữ bằng tiền mặt và tiền gửi, phản ánh quan điểm thận trọng của người dân Nhật Bản trong hoạt động chi tiêu./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)