Ngan hang trung uong Nhat Ban giu nguyen cac lai suat co ban hinh anh 1Kiểm tiền mệnh giá 10.000 yen Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 18/1 đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.

Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BOJ nâng dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (không bao gồm biến động giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống) trong tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3%.

Mặc dù vậy, BOJ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.

[Thủ tướng Nhật Bản: Tăng lương sẽ là "động lực" hồi sinh nền kinh tế]

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Nhật Bản đã tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu mà BOJ đã đặt ra.

Đáng chú ý, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), trong tháng 11/2022, CPI cơ bản của Nhật Bản tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 12/1981. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, chỉ số này ở trên mức mục tiêu 2% của BOJ.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến BOJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ là do mặc dù CPI của Nhật Bản đang tăng mạnh trong những tháng gần đây, nhưng lạm phát do chi phí thúc đẩy này có thể sẽ không bền vững.

Đây là lý do khiến BOJ dự báo CPI cơ bản chỉ tăng 1,6% trong tài khóa 2023, tức thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mục tiêu lạm phát của BOJ.

Cuối tháng 12 năm ngoái, BOJ đã đưa ra quyết định đầy bất ngờ khi tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm lên ±0,5% - một động thái mà nhiều nhà đầu tư coi là không khác gì việc BOJ tăng lãi suất./.

Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)