Ngan hang Thai Lan thuc day mo rong hoat dong tai Viet Nam hinh anh 1Một người đàn ông đi ngang qua lối vào Tòa nhà KBank ở quận Rat Burana, Bangkok. (Nguồn: bangkokpost.com)

Ngân hàng Kasikornbank (KBank) của Thái Lan đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam để trở thành ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, KBank - với mục tiêu đầu tư hơn 2,7 tỷ baht (khoảng 75 triệu USD) củng cố mạng lưới dịch vụ trong nhóm AEC+3 (các nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), đã cam kết mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam để phục vụ khách hàng trên tất cả các phân khúc với các dịch vụ kỹ thuật số đa dạng.

Đối với thị trường Việt Nam, KBank đặt mục tiêu cho vay khoảng 20 tỷ baht (khoảng 560 triệu USD) và thiết lập mạng lưới khách hàng cá nhân là 1,2 triệu người vào năm 2023.

Giám đốc điều hành KBank Kattiya Indaravijaya đánh giá, sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế ASEAN đang hướng tới một tương lai tươi sáng. Bên cạnh sự phục hồi về kinh tế, ASEAN còn được được biết đến với thị trường rộng lớn với tỷ lệ người trẻ ngày càng tăng - động lực chính thúc đẩy mở rộng nền kinh tế.

Bà Kattiya lưu ý thêm rằng nền kinh tế của ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng hướng tới cuộc sống kỹ thuật số.

[Kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với kiều bào Thái Lan]

Trong khi đó, Chủ tịch KBank Pipit Aneaknithi nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN nhờ tiềm năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Sau dịch COVID-19, Việt Nam đang duy trì sự ổn định của nền kinh tế và nợ công ở mức dưới 60% GDP. Ông Pipit Aneaknithi nói thêm, Việt Nam cũng có triển vọng đầy hứa hẹn và sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng tới trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Chính sách của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy đất nước trở thành một trung tâm công nghệ mới của châu Á. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người và tương đối trẻ, phần lớn trong độ tuổi lao động, tầng lớp trung lưu cũng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Trong vòng 3 năm tới, dự kiến tiêu thụ nội địa tại Việt Nam sẽ tăng 7%/ năm. Ngoài ra, chi tiêu qua các nền tảng kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở Việt Nam, bằng chứng là hơn 50% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.

Ông Pipit khẳng định KBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các “giải pháp sản phẩm số” hoàn chỉnh cho tất cả các phân khúc khách hàng, đồng thời có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang các sản phẩm và dịch vụ mới.

KBank hiện có mạng lưới dịch vụ tại 16 quốc gia, trong đó bao gồm tất cả các quốc gia AEC+3. Chi nhánh mới nhất thành lập ở nước ngoài được chính thức khai trương tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ngày 5/8./.

Huy Tiến (TTXVN/Vietnam+)