NASA thử nghiệm lần cuối trước khi đưa con người trở lại Mặt Trăng

18:44 - 02/04/2022

Các nhà khoa học có khoảng hai tuần để nạp hơn 3,2 triệu lít nhiên liệu đẩy siêu lạnh vào SLS và diễn tập từng giai đoạn trước khi thực hiện chính thức.
 

NASA thu nghiem lan cuoi truoc khi dua con nguoi tro lai Mat Trang hinh anh 1(Nguồn: NASA)

Ngày 1/4, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu tiến hành một thử nghiệm quan trọng kéo dài hai ngày đối với tên lửa Hệ thống phóng Không gian (SLS) trong loạt sứ mệnh Artemis - biểu tượng cho tham vọng vũ trụ mới của Mỹ - đưa con người trở lại Mặt Trăng sau nhiều thập kỷ.

Đây là cuộc thử nghiệm lớn cuối cùng trước khi NASA triển khai sứ mệnh Artemis-1 không người lái vào mùa Hè này.

Dữ liệu của cuộc thử nghiệm này sẽ là cơ sở để cơ quan này quyết định thời điểm thực hiện sứ mệnh Artemis-1.

Trước đó, ngày 17/3, NASA đã bắt đầu di chuyển SLS từ cơ sở lắp ráp ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy đến tổ hợp bệ phóng cách đó 6,5km.

Các nhà khoa học có khoảng hai tuần để nạp hơn 3,2 triệu lít nhiên liệu đẩy siêu lạnh vào SLS và diễn tập từng giai đoạn trước khi thực hiện chính thức. 

Hiện NASA đặt mục tiêu tháng 5 sẽ là thời điểm sớm nhất để thực hiện sứ mệnh Artemis-1 không người lái, với sự kết hợp đầu tiên giữa SLS và tàu vũ trụ Orion.

 

[Bề mặt Mặt Trăng có thêm một miệng hố mới do cú đâm của tên lửa]

SLS sẽ đưa Orion vào quỹ đạo thấp của Trái Đất và sau đó sử dụng tầng trên để thực hiện hành trình được gọi là đi xuyên Mặt Trăng.

Orion sẽ di chuyển cách Trái Đất hơn 450.000 km và cách Mặt Trăng gần 65.000 km, xa hơn bất kỳ tàu vũ trụ có khả năng chở người nào từng du hành trước đây.

Trong sứ mệnh 3 tuần, Orion sẽ triển khai 10 vệ tinh có kích cỡ hộp giày CubeSat để thu thập thông tin về môi trường vũ trụ sâu.

“Hành khách” trên tàu sẽ là 3 hình nộm thu thập dữ liệu bức xạ và đồ chơi Snoopy, linh vật lâu nay của NASA.

Orion sẽ di chuyển quanh phía xa của Mặt Trăng, sử dụng động cơ đẩy do các chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu chế tạo, trước khi trở về Trái Đất để thử nghiệm tấm chắn nhiệt khi bay vào khí quyển.

Dự kiến tàu sẽ hạ cánh ở Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển bang California.

Sau Artemis-1 là sứ mệnh Artemis-2 có người lái, bay quanh Mặt Trăng nhưng không hạ cánh, và Artemis-3 dự kiến vào năm 2025 mang nữ phi hành gia đầu tiên và phi hành gia da màu đầu tiên đáp xuống cực Nam của Mặt Trăng.

Theo NASA, chi phí cho dự án này rất cao, lên tới 4,1 tỷ USD cho 4 sứ mệnh Artemis đầu tiên.

NASA lên kế hoạch hiện diện thường trực trên Mặt Trăng, sử dụng nơi đây là cơ sở để thử nghiệm những công nghệ cần thiết cho sứ mệnh khám phá Sao Hỏa trong thập niên 2030, với phiên bản Block 2 của tên lửa đẩy SLS./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nasa-thu-nghiem-lan-cuoi-truoc-khi-dua-con-nguoi-tro-lai-mat-trang/781602.vnp