Năm 2021, ngành Giao thông vận tải vượt khó và hoàn thành nhiều nhiệm vụ

12:33 - 25/12/2021

Sáng 25/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đến tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, năm 2021, Bộ GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ công tác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ GTVT tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết 42/51 dự án nhóm B, C đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền; Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Tạp chí Giao thông)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Tạp chí Giao thông)

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, xử lý ngay những cơ quan chậm trễ trong công tác giải ngân; định kỳ hàng tháng, lãnh đạo Bộ họp chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án, điển hình như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất;  Bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho TP. Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác; Khởi công dự án tuyến tránh QL91 qua Long Xuyên; Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc,...

Trong năm 2021, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công lên tới hơn 43 nghìn tỷ đồng, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân chung của cả nước.

Công tác quyết toán dự án hoàn thành tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao, đến nay các cơ quan đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 45 dự án với tổng giá trị 16.043 tỷ đồng.

Về công tác lập các quy hoạch quốc gia chuyên ngành, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được Bộ tập trung hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã tổ chức công bố 04/04 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay Bộ đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai theo Luật quy hoạch. Riêng quy hoạch chuyên ngành hàng không, Bộ đã hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

Đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt trong đại dịch

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định, nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng chống dịch nói chung và công tác bảo đảm hoạt động vận tải nói riêng đã có nhiều chuyển biến, đạt được kết quả tích cực.

“Ngành GTVT đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.

Theo đó, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19; thành lập các đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;

Bộ GTVT cũng ban hành 5 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực ; đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phù hợp, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành kế hoạch vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022 .

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải; thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng làm Tổ trưởng đễ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ GTVT đã đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách giảm phí để hỗ trợ các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thuỷ nội địa .

Bộ GTVT cũng kịp thời chỉ đạo tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm thu phí…

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp  với các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải trong cả nước để chỉ đạo tháo gỡ, hướng dẫn kịp thời đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Về sản lượng vận tải (cập nhật đến tháng 11/2021), vận tải hành khách lũy kế 11 tháng ước đạt 2.268 triệu lượt khách, giảm 30,1% so với cùng kỳ; Luân chuyển hành khách ước đạt 90,843 triệu HK.km giảm 38,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, vận chuyển hàng không (-53,5%), đường bộ (-30%), đường biển (-34,5%), đường sắt (-60%), đường thủy (-27,1%); Vận tải hàng hóa lũy kế 11 tháng ước đạt 1.471 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 300,7 tỷ tấn.km giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-5,9%), đường bộ (-9,4%), đường thủy (-5,3%), đường biển (+3,1%), đường sắt (+10,3%).

 

Lê Hải (Tổng hợp)

 

https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/nam-2021-nganh-giao-thong-van-tai-vuot-kho-va-hoan-thanh-nhieu-nhiem-vu-d173473.html