Năm 2020 nhìn lại: Hai "cú đấm thép" kéo giảm sâu TNGT

20:33 - 29/12/2020

Tạp chí GTVT - Mức giảm TNGT trong năm qua đã vượt xa kỳ vọng và cho thấy sức mạnh to lớn từ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Một trong những bước đột phá mạnh mẽ nhất về kéo giảm TNGT trong năm 2020 chính là sự “mạnh tay” một cách toàn diện đối với “ma men” lái xe. Ngay từ ngày đầu tiên của năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các nhiệm vụ của năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe” đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả.

DSC_0808
TNGT đã giảm sâu song vẫn cần sự nỗ lực của các cấp, các ngành để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả thực chất

Với nòng cốt là lực lượng công an, cả nước đã ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, là động lực quan trọng kéo giảm TNGT và thật sự đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống.

Đặc biệt, sự mạnh tay trừng trị “ma men” đã được xã hội nhiệt liệt hưởng ứng mạnh mẽ. Hiệu quả kéo giảm TNGT sau khi thắt chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy rượu, bia chính là “gốc rễ” của một phần không nhỏ số vụ TNGT. Vì vậy, diệt trừ “ma men” cũng chính là sự khởi đầu quan trọng cho những bước tiến lớn về giảm TNGT.

Bên cạnh “cú đấm thép” từ hành lang pháp lý, cách tiếp cận trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT cũng chuyển biến mạnh mẽ, bắt nhịp với xu hướng phát triển của xã hội, lan tỏa rộng rãi một cách thực chất, tạo nên hiệu ứng tích cực rất lớn trong xã hội. Nghị định 100 đi vào thực tiễn cuộc sống rõ nét khi trở thành một trong những chủ đề “nóng” được người dân quan tâm và theo dõi trong nhiều tháng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Đồng thời, nhiều sự kiện về ATGT với cách tiếp cận mới, có hiệu quả rất cao khi được truyền thông trực tiếp với quy mô lớn, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân.

Đến nay, rất dễ nhận thấy hình ảnh logo “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” hiện diện trên phương tiện cơ giới lưu thông khắp mọi nẻo đường, ngập tràn thông điệp ATGT với khả năng nhận diện dễ dàng.

Ngăn chặn hiểm họa TNGT từ hoạt động vận tải

Cùng với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019, Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014) ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/4 cũng góp công lớn trong việc kéo giảm TNGT. Nghị định được đánh giá là bước đột phá trong quản lý kinh doanh vận tải, giải quyết những tồn tại, bất cập thực tế để siết chặt quản lý “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, từ đó ngăn chặn những hiểm họa TNGT và tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN khẳng định, Nghị định 10 đi vào thực tiễn cuộc sống, các doanh nghiệp có quyền

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2020 (tính từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020), TNGT giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 12.985 vụ TNGT, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ (-18,26%), số người chết giảm 927 người (-13,29%), số người bị thương giảm 2.492 người (-20,52%).

quyết định làm thế nào để dịch vụ tốt và an toàn, đảm bảo nghĩa vụ thuế của Nhà nước. Nghị định này sẽ loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng dịch vụ và ATGT, cũng như trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố.TNGT đã giảm sâu một cách vượt bậc ở cả 3 tiêu chí, song vẫn còn nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT của lái xe, chủ xe như người lái xe điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, sai luồng, tuyến đăng ký, vi phạm nồng độ cồn, chở hàng hóa quá tải trọng cho phép của xe, tình trạng sức khỏe không đảm bảo, buồn ngủ, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện, lái xe thiếu ý thức, không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện khi đi trên đoạn đường đèo dốc...

Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện phương án bảo đảm ATGT theo quy định. Các doanh nghiệp vận tải chưa quản lý chặt chẽ lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, chạy sai lộ trình, không có thiết bị hành trình... Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân không trực tiếp cũng cần được xem xét nghiêm túc như thời điểm xảy ra tai nạn là ban đêm hoặc sáng sớm, nhiều hành khách ngồi trên xe không thắt dây an toàn; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT; những hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải ô tô; xử lý vi phạm, khắc phục “điểm đen” về TNGT, biển báo, rào chắn, hộ lan, gương lồi không bảo đảm...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, một nguyên nhân cơ bản dẫn tới TNGT nghiêm trọng là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Trong khi đó, việc chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về đảm bảo ATGT trong kinh doanh vận tải, để xảy ra TNGT có hậu quả nghiêm trọng trở lên vẫn cần phải “mạnh tay” hơn nữa bởi các chủ doanh nghiệp, chủ xe không thực sự vô can. Mặt khác, Phó Thủ tướng chỉ rõ, TNGT nghiêm trọng cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, trong chỉ đạo vừa qua về ngăn chặn TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải lưu ý không xem xét các hình thức thi đua, khen thưởng nhà nước năm 2020 đối với các tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra các vi phạm về trật tự ATGT.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải huy động mọi nguồn lực để siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý triệt để các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới đường bộ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trên các tuyến đường có nguy cơ cao về xung đột giao thông..

http://www.phapluatgiaothong.vn/nam-2020-nhin-lai-hai-cu-dam-thep-keo-giam-sau-tngt-d89556.html