My thong bao se can nhac ap dung quy dinh quan ly doi voi AI hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Bộ Thương mại Mỹ đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ về các quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Đây được cho là bước đi đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng các quy tắc đối với các công cụ AI tương tự chatbot ChatGPT.

Trong một tuyên bố ngày 11/4, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh giống như thực phẩm và ôtô, các công cụ AI cũng cần phải được đảm bảo về mức độ an toàn trước khi ra mắt thị trường.

[Chuyên gia cảnh báo ChatGPT trở thành vũ khí lừa đảo mới của tin tặc]

Mỹ là “cái nôi” của các nhà đổi mới công nghệ và phát triển AI, trong đó có công ty OpenAI tạo ra ChatGPT, nhưng lại đi sau quốc tế trong việc đưa ra các quy định quản lý ngành này.

Tuần trước, Tổng thống Biden đã thúc giục Quốc hội thông qua các dự luật nhằm đặt ra các quy định nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ lớn.

 

Tuy nhiên, các dự luật này được đánh giá là rất ít khả năng được “bật đèn xanh” do sự chia rẽ giữa các nhà lập pháp.

Việc thiếu các quy tắc liên quan đến AI đã cho phép các công ty công nghệ Mỹ tự do đưa ra các sản phẩm mới, làm dấy lên lo ngại về các rủi ro do công nghệ này gây ra.

ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ" sau khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Ứng dụng sử dụng thông tin văn bản đã có sẵn trên mạng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận.

Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 3/2023, ChatGPT đã thu hút khoảng 150 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Đức... quan ngại tại nhiều về tính bảo mật của ứng dụng này.

Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Italy cũng đã ra lệnh cấm hoạt động đối với ChatGPT trong khi tiến hành điều tra nghi vấn ứng dụng vi phạm các quy tắc dữ liệu của châu Âu.

Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng các đối tượng tội phạm sẵn sàng lợi dụng AI như các bot hội thoại để thực hiện hành vi lừa đảo và vụ phạm tội trực tuyến khác.

Tỷ phú Elon Musk, người sáng lập OpenAI nhưng hiện không còn là thành viên hội đồng quản trị, và hàng trăm chuyên gia toàn cầu đã kêu gọi tạm dừng nghiên cứu 6 tháng về các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4, phiên bản mới nhất được phát triển dựa trên ChatGPT, do quan ngại "rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại"./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)