My neu chinh sach cung ton tai va hop tac trong quan he voi Trung Quoc hinh anh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/5, trong bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc tại Đại học George Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phác thảo cách tiếp cận của Washington là "đầu tư, liên kết, cạnh tranh," đồng thời đề cập quan điểm "cùng tồn tại và hợp tác" trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken thừa nhận quan hệ Mỹ-Trung Quốc là "một trong những mối quan hệ phức tạp và gây tác động nhất trên thế giới hiện nay."

Ông Blinken cho biết Mỹ "không tìm kiếm xung đột hay một cuộc chiến tranh lạnh mới" với Trung Quốc mà ngược lại "muốn tránh cả hai."

Nhà ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington không tìm cách ngăn cản Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới cũng như không cản trở nước này phát triển kinh tế hoặc thúc đẩy lợi ích của người dân.

Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh Mỹ sẽ không thỏa hiệp trong các nguyên tắc hợp tác với Trung Quốc, cho rằng việc bảo vệ trật tự toàn cầu, bao gồm luật pháp và các hiệp định quốc tế, sẽ "giúp tất cả các quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, có thể cùng tồn tại và hợp tác."

[Mỹ cân nhắc thay đổi chính sách thương mại đối với Trung Quốc]

 

Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng bất chấp những khác biệt giữa hai bên.

Ngoại trưởng Blinken lưu ý Trung Quốc và Mỹ cần phải duy trì sự hợp tác cùng nhau và hợp tác với các nước khác trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Ông cũng đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, cho rằng Mỹ và Trung Quốc - hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - đã hợp tác để đạt được tiến bộ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Anh) hồi năm ngoái. Theo ông, một sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực năng lượng sạch sẽ mang lại lợi ích toàn cầu.

Phát biểu của Ngoại trưởng Blinken về chính sách đối với Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du đầu tiên tới châu Á.

Tại chặng dừng chân ở Nhật Bản, ngày 23/5, Tổng thống Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), một thỏa thuận đa phương được Washington khởi xướng nhằm tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế ở châu Á./.

Phạm Ngọc Ánh-Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)