Ngày 7/6, Cơ quan thời tiết quốc gia AEMET của Tây Ban Nha cho biết nước này đã ghi nhận mùa Xuân nóng nhất trong lịch sử kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1961, với nhiệt độ trung bình cao hơn mức trung bình gần 2 độ C.
Mùa Xuân ở Tây Ban Nha kéo dài 3 tháng (bắt đầu từ tháng 3). Theo AEMET, mùa Xuân năm 2023 là mùa Xuân nóng nhất trong lịch sử Tây Ban Nha.
Cụ thể, nhiệt độ trung bình trong mùa Xuân là 14,2 độ C, cao hơn 1,8 độ C so với bình thường. AEMET nêu rõ đây là mức nhiệt "cực kỳ nóng," cao hơn 0,3 độ C so với năm 1997 - năm có mùa Xuân nóng nhất cho đến nay.
Cuối tháng 4 vừa qua, Tây Ban Nha hứng chịu một đợt nắng nóng nghiêm trọng, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình tới 20 độ C.
Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) coi đây là hiện tượng thời tiết "bất thường."
Nắng nóng cực đoan, bao trùm bán đảo Iberia và nhiều khu vực Bắc Mỹ, đã đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, với nhiệt độ lên tới 38,8 độ C tại miền Nam Tây Ban Nha.
AEMET đánh giá đây là tháng 4 nóng nhất và khô nhất của Tây Ban Nha kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1961. Kể từ giữa tháng 5, hạn hán mới giảm nhẹ khi có các trận mưa trái mùa. Tuy nhiên về dài hạn, khô hạn vẫn chưa thể chấm dứt.
Tây Ban Nha đã trải qua đợt hạn hán kéo dài, ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp - vốn được coi là một lĩnh vực quan trọng trong sản xuất kinh tế.
[Thế giới ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong 8 năm qua do La Nina]
Ngày 20/4, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S, cho biết 2022 là năm có mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Hiện tượng này hoàn toàn có thể lặp lại trong bối cảnh châu Âu đang ấm lên với tốc độ gần gấp đôi so với tỷ lệ toàn cầu.
Báo cáo cập nhật hằng năm của C3S cho thấy 2022 là năm nóng thứ hai và có mùa Hè nóng nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập từ những năm 1950. Đáng chú ý, khu vực châu Âu đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình thế giới, cụ thể ở mức 2,2 độ C trong vòng 5 năm qua so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mực nước của 2/3 số con sông tại châu Âu đã giảm xuống dưới mức trung bình và 5 km3 băng đã biến mất khỏi các dòng sông băng trên dãy Alps do tuyết rơi ít và nhiệt độ mùa Hè tăng mạnh.
Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess cho rằng với nồng độ khí thải nhà kính trong bầu khí quyển tăng cao, nhiều khả năng châu Âu sẽ tiếp tục nóng lên trong nhiều năm tới. Trong đó, chất lượng đất khu vực Nam Âu sẽ trở nên cực kỳ khô trừ khi có mưa nhiều vào mùa Xuân năm nay. Điều này tác động đáng kể đến vụ mùa và làm giảm sản lượng cây trồng trong năm.
Trong khi đó, Giám đốc C3S, ông Carlo Buontempo cho biết nhiệt độ kỷ lục năm 2022 đã tác động đáng kể đến hệ sinh thái và cộng đồng sinh sống trên toàn châu lục, khiến tình trạng hạn hán ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, châu Âu có mưa và tuyết ít hơn mức trung bình vào mùa Đông 2021-2022, sau đó là hàng loạt đợt nắng nóng mùa Hè kéo dài. Điều này không chỉ gây ra cháy rừng mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, năng lượng và vận tải đường sông, khiến lượng khí thải carbon trên toàn EU tăng mạnh nhất kể từ năm 2017./.