Trong hai ngày 8-9/6, mưa lớn kèm dông đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Theo phóng viên TTXVN tại một số địa phương, tình trạng ngập lụt, nhà cửa tốc mái, hư hại cây cối hoa màu được ghi nhận tại nhiều khu vực.
Tại An Giang, mưa lớn kèm theo dông lốc làm 70 căn nhà ở của người dân ở các huyện Châu Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc bị tốc mái.
Huyện Phú Tân là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất với 27 căn nhà bị tốc mái. Thiệt hại ban đầu về tài sản người dân vào khoảng 458 triệu đồng.
Mưa dông còn làm đổ ngã cây xanh, ảnh hưởng đến đường dây điện hạ thế tại ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú; gãy 1 trụ điện tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức; đứt đường dây trung thế 1 pha tại ấp Khánh An, xã Khánh Hòa; mất điện cục bộ tuyến Nam Cần Thảo, xã Mỹ Phú; làm sập mái che nắng Trường Trung học Cơ sở Phú Bình, huyện Phú Tân; gây ngã đổ nhiều cây xanh ở thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng xuất hiện mưa lớn kết hợp đúng vào đỉnh triều cường nên đã gây ngập úng nhiều tuyến đường.
Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hải Phòng, mưa lớn dồn dập với lượng mưa đo được tại thời điểm 3 giờ sáng 9/6 lên tới 200mm, kết hợp cùng với triều cường 3,8m gây ra tình trạng ngập lụt.
Khoảng 11 giờ trưa 9/6, triều cường đạt đỉnh cùng với lũ về nâng mực nước tại các sông lên 4,2m.
Đây là đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất từ đầu mùa mưa bão năm nay. Mưa lớn đã gây ngập hầu hết các tuyến đường chính trong nội đô như: Lê Hồng Phong, Cầu Đất, Lạch Tray, Tô Hiệu, Lê Lợi….; độ ngập cao nhất lên đến khoảng 40cm. Nước ngập sâu đã khiến nhiều phương tiện giao thông bị chết máy, gặp sự cố.
Mưa to kéo dài từ đêm 8/6 kéo dài đến trưa 9/6 gây ngập lụt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là khu vực thành phố Uông Bí, huyện Hải Hà, thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều. Lượng mưa ghi nhận tại thành phố Uông Bí trên 100mm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún.
Nhiều tuyến đường tại thành phố Uông Bí bị ngập sâu gây ách tắc cục bộ khiến nhiều xe ôtô bị chết máy, ngập nước; nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị thiệt hại.
Trong ngày 8-9/6, mưa lớn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang khiến nhiều tuyến quốc lộ nối từ thành phố Hà Giang đi các huyện vùng cao bị chia cắt do sạt lở đất như tại các tuyến đường Thuận Hòa-Thái An, đường Mèo Vạc-Đồng Văn, đường xuống sông Nho Quế, đường Xín Cái-Mèo Vạc... bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở.
Sáng 8/6, một lượng lớn đất đá tràn xuống đường lớn tuyến liên huyện Mèo Vạc-Đồng Văn và nước dâng ngập gần 1m nên các phương tiện không thể đi qua các đoạn đường này.
Ngày 9/6, nhiều tuyến đường liên xã ở huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc giao thông cũng đi lại rất khó khăn, nguy cơ sạt lở đất xảy rất cao.
Trận mưa lớn kéo dài sáng 9/6 cũng gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Tại đường Trường Chinh, đoạn từ ngã ba giao với đường Võ Nguyên Giáp đến khu vực Sân vận động tỉnh Điện Biên đã ngập úng cục bộ. Đặc biệt là khu vực Sân vận động, nước ngập sâu, nhiều nhà dân bị nước tràn vào nhà.
Ngập lụt khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều phương tiện như xe ôtô gầm thấp, xe tay ga phải quay đầu không dám đi qua khu vực ngập. Một số người điều khiển phương tiện qua đoạn ngập lụt khiến xe bị chết máy. Nhiều hộ dân sinh sống và kinh doanh phải dùng ván gỗ để chặn không cho nước tràn vào nhà.
Tình trạng ngập úng cục bộ cũng xảy ra tại khu vực Chợ Trung tâm 3 (thuộc phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ). Một số ngõ, ngách trên đường Trường Chinh cũng xuất hiện tình trạng ngập úng.
Tại thủ đô Hà Nội, mưa lớn kéo dài từ 8-9/6 khiến nhiều điểm trên các tuyến phố như Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), Trương Định (Hoàng Mai), khu vực ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm)... ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Hiện các địa phương đang chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều tối 9 đến sáng 10/6, khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 120mm.
Ngoài ra, chiều tối và tối 9/6, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Người dân ở các khu vực trên cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; đồng thời tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai./.
Nguồn: Mưa dông gây nhiều thiệt hại tại các địa phương | Vietnam+ (VietnamPlus)