Mùa bóng đá đọc thơ bóng đá

10:41 - 17/12/2021

Đang mùa bóng đá, nếu người yêu bóng đá được đọc một tập thơ độc đáo chỉ viết xoay quanh một chủ đề bóng đá thì thật là thú vị. Đó chính là  tập thơ Không theo quỹ đạo lăn của Phạm Văn Tình vừa xuất bản năm 2021 (NXB Dân trí). Cuốn thơ dày 176 trang, có 95 bài thơ kể về các trận đấu tiêu biểu từ năm 1986 đến 2021 mà tác giả viết rải rác suốt 35 năm.

Tác giả tập thơ này là một nhà ngôn ngữ học, đồng thời còn có thể coi anh như một nhà thơ vì ngoài việc viết 17 cuốn sách liên quan đến ngôn ngữ thì anh còn là tác giả của 2 tập thơ mang “vân chữ” riêng, khác biệt.

Có thể coi cuốn Không theo quỹ đạo lăn giống như một “tiểu từ điển” cung cấp một số kiến thức ngôn ngữ đặc thù về bóng đá. Đọc thơ, người đọc còn lĩnh hội thêm những kiến thức về khu vực học, về văn hóa quốc gia của các đội bóng. Đồng thời, chúng ta có thể rút ra được những bài học về văn hóa ứng xử trong thi đấu thể thao nói riêng và trong cuộc đời nói chung. Tập thơ còn truyền được tình yêu với môn thể thao vua, ngay cả với những người trước đây không quan tâm đến bóng đá.

Vì là tập thơ viết về bóng đá nên nó có mặt hầu hết các thuật ngữ thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cùng với nhiều tiếng lóng; thành ngữ, tục ngữ; các thủ pháp chơi chữ, giễu nhại liên quan đến môn thể thao này; đặc biệt là sự có mặt của nhiều hoán dụ, ẩn dụ để nói về danh xưng các đội bóng và cầu thủ.

Thật thú vị khi có đến gần 70 thuật ngữ thể thao nói chung và bóng đá nói riêng được đưa vào thơ một cách tự nhiên. Chẳng hạn, thuật ngữ Công nghệ VAR (Video assistant referee – Video Hỗ trợ trọng tài) hoặc Tiqui-taca (là lối chơi sáng tạo của các cầu thủ Tây Ban Nha, chỉ một chiến thuật yêu cầu đội bóng phải kiểm soát bóng, cầu thủ phải di chuyển những lúc không có bóng để có khoảng trống, giúp đội bóng giữ bóng nhiều hơn và làm chủ thế trận) đã có mặt trong những câu như:

 * “Phút 65, Arnautovic tưởng làm nên kì tích/ Công nghệ VAR làm cho một nửa sân Wembley thất vọng thở dài. (145).

* Tiqui- taca – thuật ngữ lạ tai này đã trở thành biểu tượng / Chỉ “đập nhả” thế thôi mà phá nát mọi lũy thành (36)

Sân cỏ hồn nhiên, những quân bài chiến lược/ Ý sẽ hóa giải “đặc sản” tiqui –taca  / hay người Tây Ban Nha/ sẽ tìm cho mình/ “chìa khóa” Pirlo? (41)

Ngoài cung cấp thuật ngữ bóng đá thì thơ bóng đá của Phạm Văn Tình còn cung cấp cho người đọc một danh sách dài (khoảng 40 tên) gồm tên các cầu thủ nổi tiếng, của Việt Nam và thế giới: Công Vinh, Văn Toàn(103), Công Phượng (106), Messi (62), Lozano (58), Ronaldo (74); Neymar (77)…và tên một số huấn luyện viêncũng được nhắc tới: đội tuyển Việt Nam có Park Hang-seo, đội Bồ Đào Nha có Queiroz (61), đội Urugoay có Tabarez (74), v.v.. Bên cạnh đó danh sách nối dài còn có tên các vị lãnh đạo như Chủ tịch FIFA, Tổng thống, Thủ tướng một số nước.

Nếu ai đó muốn biết những tiếng lóng được dùng trong bóng đá là những từ nào thì có thể coi tập thơ này như một phần của cuốn từ điển tiếng lóng về bóng đá. Tập thơ có hơn 40 tiếng lóng: gẫy cánh (32), “chuối” (tr. 55), kẻ lót đường (61), giương cờ trắng (63)(66), át chủ bài (71), chiếu dưới (76), tay trong (97), quả đắng (97), “xỏ kim” (110), lột xác (122), “công thần” (122), “trứng” (125), gió đổi chiều (130), “một vé lên tàu” (130), lưng vốn (137),  ngôi “tiên chỉ” (137), về “mo” (151), đứt xích (156), héo (156), tan (156), phơi áo (165), tăng xông(173),  đại gia (174),…

3

Ronaldo hai lần ăn mừng ở Old Trafford ngày trở lại (Ảnh Vietnamnet)

Thật thú vị khi đọc những câu thơ này:

* Chưa bao giờ đội quân của Frank de Boer vào “phom” hay đến thế/ Ba trận thắng như chẻ tre ghi đến 8 bàn (147)

* Phút thứ 5, Delaney nhanh như chớp “khai nòng”/ Bàn thắng “mở hàng” nổ tung thùng thuốc súng (162)

* Cặp đấu cuối cùng không ai muốn tin vào dự đoán/ Mấy trận vừa qua, bao “ông lớn” đều đã về trong thế “cửa trên” (152)

Tập thơ còn có rất nhiều những từ ngữ hoán dụ . Đó là cách gọi tên sự vật, đối tượng này bằng tên của sự vật hiện tượng khác có nét tương cận nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Tập thơ Không theo Quỹ đạo lăn có khoảng 60 hoán dụ nhưng phổ biến là kiểu hoán dụ bộ phận - toàn thể và cải danh. Trong đó có khoảng 30 hoán dụ bộ phận - toàn thể (dựa trên đặc điểm đầu tóc, quần áo để chỉ cầu thủ hoặc đội tuyển) và 30 hoán dụ cải danh (thay đổi tên).

Hoán dụ “tóc trắng” (103) là nói về cầu thủ Văn Toàn (anh nhuộm tóc bạch kim) - người nằm trong danh sách cầu thủ dự bị nhưng lại góp phần lập công đưa lịch sử bóng đá Việt Nam sang trang mới để trở thành Á quân U23 châu Á năm 2018. Hoán dụ “tóc xù” (77) là để chỉ cầu thủ bóng đá Willian có mái tóc đen bông xù ấn tượng, thường thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh và tiền vệ tấn công của đội tuyển Brazil. Hoán dụ “mái đầu vàng xoăn” (64) là để chỉ ngôi sao bóng đá, chân sút đắt giá Neymar của đội Brazil, cầu thủ luôn tạo ấn tượng cho các fan hâm mộ khi luôn thay đổi kiểu tóc của mình.

Đội tuyển Ý được gọi là đoàn binh Áo Thiên Thanh (133), đội Bồ Đào Nha được gọi là đội quân màu Bã Trầu (134); đội Đan Mạch chính là đoàn quân màu Đỏ - Trắng (162), “dàn đồng ca” Vàng Xanh (57) là tên gọi của đội tuyển Brazil, “chiến binh áo vàng – đen” (46) là tên gọi của đội MalaysiaKhi Phạm Văn Tình viết: “Cả châu Âu tưng bừng gặp lại lốc da cam” (147) thì chúng ta hiểu ngay đối thủ gặp đội tuyển mạnh Hà Lan. Còn câu thơ: “Những áo trắng tràn lên ào ào giông bão” (147) chính là miêu tả sự phản công quyết liệt của các cầu thủ đội Cộng hòa Séc.

Tập thơ này có 30 hoán dụ cải danh lấy biểu tượng hoặc ấn tượng đủ để đại diện cho quốc gia, cho cầu thủ đội tuyển: lục địa Đen (31), xứ Gan (131), xứ Pha lê (135), xứ Phù Tang” (100), Trái Ớt Xanh (58), điệu sampa(79), “các chiến binh thành Roma” (142)v.v.. … Các cầu thủ có sức mạnh, tài năng được thay thế bằng cách gọi khác: vị cứu tinh vĩ đại (69), chàng phù thủychàng khổng lồ (76), “chướng ngại vật xứ Bồ”. Tiền vệ Zinchenko của Nga thì được gọi là “chuyên gia kết nối” (136), cầu thủ tiền vệ đội Đan Mạch lại được gọi là “Tia lửa Eriksen” (135). CR7 (35) là để chỉ danh xưng của Cristiano Ronaldo gắn liền với chiếc áo mang số 7 huyền thoại đã ghi nhiều bàn thắng hiển hách. Còn đoàn quân “vần i” chính là nói về đội tuyển Italia với các danh thủ đều có âm i ở cuối tên (Bonucci, Locatelli, Verrati, Beletti, Beardi, Florenzi…)…

Đội tuyển Nga cũng như các bàn thắng của họ được thay thế bằng nhiều tên gọi nhất và chính những cụm từ đó đã tái hiện, phản ánh văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần Nga một cách rõ nét: xứ Bạch dương (83), vũ điệu ba lê, Vũ điệu Hồ Thiên nga, Vodka Nga lại hừng hực hơi men (125)…

Biện pháp cải danh trong môn bóng đá đã gián tiếp giới thiệu biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của quốc gia tham gia thi đấu. Chẳng hạn, “hoa Tulip” (156) sẽ đại diện cho Hà Lan, củ Nhân sâm (67) chắc chắn là nói về cầu thủ Hàn Quốc. Khi gọi Trái Ớt Xanh (58), chúng ta có thể biết đó là đội Mexico vì đây là nước xuất khẩu ớt xanh lớn nhất thế giới. Xứ Vạn Đảo (112) là chỉ Indonesia – đất nước có 13.486 hòn đảo. Xứ Chùa Vàng là cách gọi khác của Thái Lan có bức tượng Phật được đúc bằng vàng nặng 5,5 tấn (lớn nhất thế giới) và đã trở thành biểu tượng cho xứ sở nhiệt đới “vượng âm” này. Cộng hòa Séc còn được gọi là Xứ Pha lê (155). Hình ảnh “chú Lính chì” (tr.125), trong Truyện cổ Andersen giúp ta liên tưởng ngay đến quốc gia Đan Mạch. “Những chàng trai Phù Tang” (73) là nói về các tuyển thủ Nhật Bản. Nước Nhật ngoài tên gọi: “đất nước Mặt trời mọc”, “xứ sở Hoa Anh đào” thì còn có cách gọi khác là “xứ Phù Tang”. Khi Việt Nam đoạt Huy chương Vàng SEA Game 30 tại Philippines-2019, niềm tự hào tổ quốc, niềm tự hào về mười một cầu thủ đã làm nên chiến thắng này đã được thể hiện qua hoán dụ Mười một ngôi Sao Vàng đất Việt.

Bên cạnh những hoán dụ liên quan đến bóng đá, tập thơ này còn có nhiều ẩ n dụ là sự so sánh ngầm giữa 2 sự vật, đối tượng khác phạm trù (người – vật) nhưng lại có một nét riêng giống nhau nào đấy mà chúng ta liên tưởng được. Ẩn dụ trong thơ bóng đá có nét riêng rất đặc thù và thường kèm theo sự đánh giá kín đáo của người viết về đội bóng hoặc cầu thủ.

Ẩn dụ trong bóng đá thường là những con vật được dùng làm biểu tượng quốc gia như: Gà trống Gaulois,“Đại bàng Trắng”, “Siêu Đại bàng xanh” (69, 90), Tam Sư (60,153)… Khi gọi “những chú Gà trống Gaulois” thì ta biết chắc đó là đội tuyển Pháp. Quốc gia thuộc khu vực Tây Âu này có nhiều biểu tượng như rượu vang, Hoàng đế Napoléon, bánh mì baguette… nhưng Gà trống Gaulois được coi là biểu tượng thể thao và được in trên áo của đội tuyển. Khi nhắc đến “Đại bàng Trắng” (121), ta hiểu ngay đó là đội tuyển Ba Lan. Con chim này xuất hiện trên quốc huy biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự cao quý…

Ngoài ra, ẩn dụ trong bóng đá còn là những con vật hoặc vũ khí. Nhưng chúng không phải là những con vật hay vũ khí tầm thường.

Ẩn dụ có thể là những con vật nhỏ nhưng phải rất nhanh nhẹn và lợi hại như: “con nhện đen” (83),bạch tuộc (57), “linh dương” (35), cáo già (43)…, ví dụ:

* CR7 vùng dậy, đầu ngẩng cao, chú linh dương thần tốc/ Và bàn thắng lại trở về, cứ thế đẹp như mơ (35).

* Nếu còn bạch tuộc Paul thì chẳng cần gì dự đoán/ Một chiến thắng đương nhiên trước đồng hồ Thụy Sĩ (57).

Ẩn dụ trong bóng đá có thể là những con vật hoặc to lớn đáng sợ như: Voi Rừng (33), Bò Tót (61), (90, 135), Gấu Nga (143), Quỷ Đỏ (72), Sư tử (86):

 Đội tuyển Bỉ, một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch World Cup 2018 với nhiều ngôi sao trong đội hình nên có biệt danh là “Quỷ Đỏ” (72).

Sư tử, Tam Sư là biểu tượng của nước Anh từ thế kỉ XI, xuất hiện lần đầu với tiên dưới triều đại vua Richard I có tên hiệu “The Lionheart” (trái tim sư tử). Hình ảnh dũng cảm, mạnh mẽ cùng chiếc bờm đặc biệt to lớn kiêu hùng của sư tử Barbady được các vua nước Anh sau này sử dụng để tượng trưng cho sức mạnh tối cao và sự thịnh vượng của vương quốc Anh. Vì vậy, sư tử là ẩn dụ cho đội tuyển bóng đá xứ sở Sương mù.

 Bò Tót với thân hình đen bóng, đồ sộ nặng từ 400 đến 600 cân, có cặp sừng nhọn hoắt luôn hung hãn chĩa về phía trước là một trong những biểu tượng quốc gia và là ẩn dụ để chỉ đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha với bề dày thành tích:

* Mọi thông số trên bàn cân đều nghiêng về “Bò Tót”/ Thế trận trên sân Kazan đêm nay quay như trái bóng tròn (61)

Ngoài những con vật như trên thì những vũ khí có sức công phá mạnh cũng thường được dùng làm ẩn dụ trong môn thể thao bóng đá như: xe tăng (58) “thùng thuốc súng”, “chiến hạm Rạng Đông” hay“dàn tên lửa “Kachiusa” (93), “Tên lửa vượt đại châu” (120), dàn pháo “diamo” (40),… Những loại vũ khí hạng nặng nổi tiếng của quốc gia sở hữu nó đã làm chúng ta hình dung rất rõ ràng sự đối đầu giữa hai phe trong Thế chiến II. Xe tăng Tiger của Đức có thể nghiền nát tất cả những gì dưới chân nó. Còn ẩn dụ “chiến hạm Rạng Đông” hay“dàn tên lửa Kachiusa” (93) là để nói về sức mạnh của đội tuyển Nga. “Chiến hạm Rạng Đông” của Nga, từng được trao tặng huân chương, là biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Còn dàn tên lửa có cái tên âu yếm “cô gái Nga Kachiusa” thì có sức công phá thật ghê gớm, khiến đối thủ phải kinh hoàng bạt vía.

Trong tập thơ về bóng đá, Phạm Văn Tình còn sử dụng thủ pháp chơi chữ đồng âm giữa danh từ với tính từ, giữa danh từ riêng và danh từ chung:

Nhưng đoàn binh Áo Đỏ của Eurique hôm nay không gặp đỏ (122)

Quỷ Đỏ “đỏ” không ai bằng (157)

+ Xứ Wales hay Xứ Gan quả gan lì thực sự (131)

+ Xứ Gan một thời không còn gan được nữa (144)

Văn Hậu, Văn Toàn, Văn Quyết, Văn Thanh/ Bốn chữ Văn điểm tô ba chữ Dũng (100)…

Bên cạnh kiểu chơi chữ đồng âm đó, thơ bóng đá còn dùng từ trái nghĩa hoặc trái nghĩa ngữ cảnh khi so sánh liên tưởng cùng trường nghĩa:

  Cửa tưởng rộng bỗng hóa thành cửa hẹp (136)           

Trái ớt Xanh Mexico cay hơn nhiều ớt hiểm (  )

+ Những chú “Gà trống Gaulois” chạy vật vờ như gà đồi phải gió (36)

Thơ bóng đá của Phạm Văn Tình còn khai thác thủ pháp nhại để tạo sự hài hước nhẹ nhàng. Hình thức giễu nhại ngày càng phổ biến trong văn học, trở thành một trong những đặc trưng quan trọng nhất của phong cách sáng tác hậu hiện đại.. Khá nhiều những câu văn câu thơ trong các tác phẩm văn học nổi tiếng; tên những bộ phim kinh điển và những câu hát đã quen thuộc với công chúng được tác giả nhại lại.

Tác phẩm văn học được nhại bao gồm: “Gắng sống đến bình minh” của Vasil’ Bykov (Василь Быков), Bước qua lời nguyền Tạ Duy Anh, “Em ơi… Ba Lan”, Với Lê ninVui thế hôm nay của Tố Hữu,…

Khi đội Việt Nam lại thua Malaysia vì chủ quan, vì vui mừng quá sớm, tác giả tập thơ về bóng đá đã dùng tên một truyện vừa, khai thác đề tài cuộc Chiến tranh vệ quốc của nhà văn V. Bykov để an ủi động viên, để rút ra bài học: Thôi hãy ngẩng cao đầu, “gắng sống đến bình minh” (47). Truyện ngắn xuất sắc Bước qua lời nguyền đã làm nên tên tuổi của nhà văn của Tạ Duy Anh cũng được nhà thơ nhại lại: Bước qua lời nguyền ư? Chuyện ấy sẽ đi vào lịch sử / Trái bóng vẫn đang trong lăn trên ngọn cỏ xanh (38)

 Thơ Tố Hữu được nhại nhiều nhất. Câu “…những trận cầu long lanh và huyền ảoĐẹp như người con gái nước Nga (85) là nhại lời bài Với Lê nin. Câu thơ nói về niềm vui của đội tuyển Ý: Màu áo Thiên Thanh hôm nay thăng hoa / Xanh trời, xanh cả ước mơ (160) là nhại lời bài Vui thế hôm nay.  Còn câu thơ nói về sự thất bại của đội Ba Lan: “Em ơi Ba Lan” thêm một lần lỡ hẹn/ Tuyết vẫn nằm trên tuyết, tuyết chưa tan (139) là nhại câu thơ: Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan trong bài “Em ơi… Ba Lan”..

Tác phẩm âm nhạc được nhại có: Cánh én tuổi thơ của Phạm Tuyên, Đi trong hương tràm của Thuận Yến,Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu của Lam Phương, Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn và bài dân ca Nghệ Tĩnh:Giận mà thương,…

Câu thơ Nhưng một cánh én không thể gọi mùa xuân về trong gió lạnh (139) là nhại câu: Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Lời bài hát của nhạc sĩ Lam Phương được Phạm Văn Tình dùng để nói về sự thất bại của đội Ý và Tây Ban Nha với tỉ số 0-4 ở trận chung kết Euro-2012: “Còn gì nữa đâu mà sầu với nhớ” (42). Trước trận đấu với Phần Lan, đội tuyển Nga đã có tâm trạng nửa mừng, nửa lo và lời bài hát Đi trong hương tràmcủa nhạc sĩ Thuận Yến, phỏng thơ Hoài Vũ đã thể hiện rất đúng tâm trạng này: Còn một trận nữa thôi, đọ sức “chú lính chì”/ Có nỗi âu lo, có niềm hi vọngNhững “chú gấu” kiên cường nào hãy nói gì đi! (125). Khi tiếc cho cầu thủ Schick – “vua phá lưới” phải cùng đội Séc trở về nước, không được vào vòng chung kết Euro-2021. Phạm Văn Tình đã lấy lời trong bài hát Chia tay hoàng hôn của Thuận Yến để viết: “Ta phải về thôi xa nhau thôi”/ 25 tuổi với anh vẫn chân trời rộng mở/ Dù phải vẫy chào nhưng châu Âu vẫn nhớ/ Có một Patrick Schick rạng ngời cùng đội Séc đang lên (tr.164). Khi đội Ukraina “đá cầm chừng như thế dạo chơi” để thua đội Áo, anh đã nhại câu trước tiên anh “hãy tự trách mình” (136) trong bài dân ca Nghệ Tĩnh nổi tiếng. Tên một bài hát của nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn cũng được nhại: Thật buồn thay, ngày mai xách va li theo “một cõi đi về” (71).

Bộ phim tâm lí – tình cảm, có phần lãng mạn giành được giải thưởng Oscar danh giá năm 1980 có tên:Moskva không tin những giọt nước mắt cũng được nhại lại trong những câu thơ sau: Moskva không tin vào nước mắt/ Mà tin vào triệu triệu giọt mồ hôi. (91)

Có thể thấy, mục đích của sự nhại trong thơ bóng đá là tạo sự hài hước và động viên an ủi cầu thủ hoặc đội tuyển, mong họ hãy cố gắng hơn, hãy có niềm tin, có niềm hi vọng lạc quan vào những cuộc tranh hùng trong tương lai.

Ngoài những biện pháp tu từ kể trên, tập thơ về bóng đá này còn sử dụng khá nhiều các thành ngữ có âm tiết chẵn (4 hoặc 6). Khi đọc, ta thường chia thành 2 vế, ngắt đều làm 2 nhịp, âm tiết cuối mỗi nhịp thường có sự đối xứng thanh điệu bằng - trắc hoặc đối xứng về nghĩa. Những thành ngữ kiểu này rất phù hợp để thấy được sự cân bằng về số lượng cầu thủ, thấy được thế đối chọi thắng – thua quyết liệt giữa 2 đội tuyển như: ăn tươi/ nuốt sống, lực bất/ tòng tâm (135), tả xung/ hữu đột, kì phùng/ địch thủ (141), lật cánh/ đánh đầu, “được ăn cả/, ngã về không”, khôn nhà/ dại chợ (171) …

* Dù mong manh, sân bên kia Thụy Sĩ – Thổ Nhĩ Kì vẫn còn cơ hội/ Thế “năm ăn năm thua” trong “một chín một mười” (132)

Bảng D bất thường “thay ngôi đổi vị”/  Không quá bất thường, đội Anh vẫn vào ngôi “tiên chỉ”/ Ung dung vào vòng sau với lưng vốn hai bàn (137)

Qua thành ngữ đếm quả trên cây, chia cá dưới hồ, người yêu bóng đá còn rút ra bài học là đừng bao giờ “đếm cua trong lỗ”: Bài học phản công khi đối phương quá thuộc/ Rằng chớ vội đếm quả trên cây và chia cá dưới hồ (tr. 59). Không nên lạc quan sớm  vì “nói trước” sẽ “bước không qua”,  trong cuộc sống mọi bất ngờ đều có thể xảy ra: Thắng chênh lệch một bản, chưa có gì đáng nói / Nhưng báo chí nhà ta đã tung hê đến tận trời / Làm như thể vé đá trận chung kết đã nằm im trong túi / Vấn đề là lượt về đá cho đẹp mà thôi (46) (…) Người Mã đến dạy chúng ta bài học / Chớ đi trước thời gian mà chia cá dưới hồ (47). Cứ thế, bài học cuộc đời trong thơ bóng đá thấm vào người đọc một cách rất tự nhiên sâu sắc. Một lần nữa, quy luật bất biến của cuộc sống tiếp tục được khẳng định: thành công hay thất bại cũng là lẽ tự nhiên. Chỉ có điều, chúng ta không nên từ bỏ niềm hi vọng mà hãy luôn cố gắng phấn đấu.

4

Tiền vệ Nguyễn Quang Hải

Có thể thấy, một điều thú vị nữa trong thơ bóng đá là sự xuất hiện của ngôn ngữ miêu tả với nhiều cặp từ/ cụm từ trái nghĩa ngữ cảnh, các nhóm từ ngữ đối lập miêu tả sự thất bại hoặc sự chiến thắng của môn thể thao vua.

Chẳng hạn, đây là những nhóm từ ngữ tiêu cực khi nói về sự thất bại trong thi đấu bóng đá: vị đắng, vô hồn, (33), chết lặng (69), bẽ bàng (73), chới với (27), tuyệt vọng, thất thần (145), báo hại (80), nốt trầm buồn (83), tội nghiệp (42 ngơ ngác (124), ôm đầu (124), khóc, cay đắng (43), tẻ nhạt, nhập nhòa,…

Người đọc thực sự bị ám ảnh khi đọc câu thơ miêu tả ánh nhìn của cầu thủ nổi tiếng người Bồ (khi anh biết đội mình đã thất bại và sẽ bị loại khỏi World Cup 2018 tổ chức ở Nga): Buồn và buồn, tất cả mồ hôi đều trở thành vô vọng/ Vô vọng cặp mắt Ronaldo thất thần, thăm thẳm biển Sochi (75).

Bên cạnh nhóm từ mang ý nghĩa tiêu cực chỉ sự thất bại là nhóm từ ngữ mang ý nghĩa tích cực. Đó thường là những động từ, tính từ mạnh như bùng nổ, xé, lồng, ào lên, vùng lên, tưng bừng, cuồng nhiệt, hân hoan (124), ào ào,…. Đó là những từ ngữ miêu tả tư thế kiêu binh của các cầu thủ nhưhiên ngang, sừng sững (80), tung hoành, ung dung (77), xứng mặt anh hùng (77), ngẩng cao đầu ngạo nghễ (111), …

Không những thế, tập thơ bóng đá còn có sự xuất hiện của  nhiều danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên mà sức công phá, sự tấn công của nó thật khủng khiếp như: sóng, giông, bão, lửa… Có điều, sóng trong thơ bóng đá không phải là sóng biếc, sóng gợn, sóng lòng, sóng hồ, … như ở thơ tình mà phải là sóng bể (159), sóng trào (69),sóng lừng (126), sóng xô (124), sóng dữ (109), sóng dội Đại Tây Dương (`72); bão phải là bão nổi (67,75), thậm chí là siêu bão Kamura (115); giông phải là cơn lốc (166), lốc đỏ (42), giông tố Biển Đen (126), cơn giông lớn (138); lửa thì phải rựcsáng rực (77), cháy rực (77, 85)…

Đọc những câu thơ nhiệt huyết, tràn đầy cảm xúc sau đây, chúng ta như được truyền lửa, lan tỏa tình yêu cuồng nhiệt với vũ điệu trái bóng tròn:

Giông tố Biển Đen nổi lên từng đợt sóng lừng/ (…) Đoàn quân Shevchenko hai bàn thắng tưng bừng (126)

Lốc và lốc, dạt dào cơn lốc đỏ / Buffon đứng nhìn, tôi nghiệp biết bao nhiêu (42)

* Trái bóng xé ngang trời cháy rực lửa đam mê (85),

Hình ảnh ghi bàn của một số cầu thủ nổi tiếng Việt Nam và thế giới được nhà thơ dùng ngôn ngữ miêu tả rất đắc địa, ngoạn mục.

* Cái đầu Công Vinh khẽ chao nghiêng lắc nhẹ/ Đủ để Kosin chới với giữa sân người (27) (trận Việt Nam đoạt Cup AFF năm 2008).

* Quang Hải “vẽ” một đường ngoằn ngoèo cả triệu người nín thở. (111)

* Phút 60, Chiesa ào lên như cơn lốcMột cú cứa lòng, đường bóng lượn như chim (166)

Nói tóm lại, Không theo quỹ đạo lăn của Phạm Văn Tình có thể được là một cuốn “tiểu từ điển ngôn ngữ” nhưng đầy chất nhạc, chất thơ; ngôn ngữ vừa hàn lâm vừa bình dân, vừa có tính thời sự vừa mang tính giải trí; giọng thơ khoáng hoạt, sôi nổi, tự nhiên nhưng giàu vần điệu. Tác phẩm ngoài việc cung cấp các lớp từ ngữ liên quan đến bóng đá còn đem lại tri thức liên quan đến địa lí học, sử học, văn hoá học... Tập thơ đã truyền một năng lượng tích cực cho những ai muốn hiểu về bóng đá, muốn có tình yêu với môn thể thao vua – môn thể thao kết nối một thế giới hòa bình. Và hơn nữa, người đọc có cơ hội thêm hiểu và thêm yêu tiếng Việt.

Hoàng Kim Ngọc

https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/mua-bong-da-doc-tho-bong-da-d172995.html