Mua, bán trái phiếu doanh nghiệp: Cần hiểu đúng để ra quyết định
14:06 - 23/11/2022
“Sau vụ việc sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn,” thông tin được Bộ Tài chính công bố mới đây cho hay.
“Trái phiếu” trở thành từ khoá nóng thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận với hàm ý tiêu cực nhưng không phải ai cũng hiểu biết tường tận về kênh đầu tư này.
Trái phiếu là gì?
Loại hình trái phiếu được đề cập ở đây là “trái phiếu doanh nghiệp” – tức trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. Đây là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.
Không “lên xuống” phập phù như giá cổ phiếu, đầu tư vào trái phiếu thường có tính an toàn cao hơn cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu so với các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng thì trái phiếu lại có độ rủi ro cao hơn nhưng đổi lại, nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn so với khi gửi tiết kiệm ngân hàng thông thường.
[Tập trung tìm các giải pháp để tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ của dòng tiền]
Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Cụ thể, lựa chọn đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp đó kinh doanh ra sao, sức khoẻ tài chính thế nào. Bởi, chất lượng trái phiếu phụ thuộc vào tình hình tài chính, kết quả kinh doanh riêng của từng đơn vị phát hành trái phiếu.
Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là những nhóm tổ chức dẫn đầu về phát hành trái phiếu trong thời gian qua. Trong đó, theo giới chuyên môn, các ngân hàng được đánh giá là có độ uy tín và tình hình kinh doanh ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Vì thế, trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng phát hành luôn có độ an toàn cao hơn trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp khác phát hành.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ: “Trái phiếu ngân hàng phát hành là an toàn tuyệt đối, ngang tiền gửi ngân hàng được bảo đảm. Thời gian vừa qua, Thống đốc và Thủ tướng cam kết, bảo đảm quyền lợi và khả năng chi trả cho người dân bao gồm trái phiếu ngân hàng. Vì thế, đây tương tự như một loại tiền gửi.”
Hiểu đúng về việc mua lại trái phiếu
Việc mua lại trước hạn trái phiếu thông thường được thực hiện trong các trường hợp: Mua lại trước hạn theo quyền mua lại của tổ chức phát hành; mua lại trước hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu; mua lại theo thỏa thuận; mua lại trái phiếu bắt buộc.
Tất cả trường hợp đều được công bố minh bạch, rõ ràng trong bản công bố thông tin tại ngày phát hành. Bản công bố thông tin cung cấp toàn bộ thông tin của tổ chức phát hành, thông tin về trái phiếu cũng như các điều khoản, điều kiện liên quan đến trái phiếu phát hành. Nhà đầu tư có nghĩa vụ đọc kỹ bản công bố thông tin trước khi thực hiện đầu tư.
Thông thường, việc mua lại trái phiếu trước hạn được thực hiện theo quyền mua lại của tổ chức phát hành theo đúng các điều khoản, điều kiện tại bản công bố thông tin.
Việc các doanh nghiệp và ngân hàng mua lại trái phiếu còn có mục đích ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính bên phát hành trong bối cảnh về phía nhà đầu tư cũng có một bộ phận muốn bán trái phiếu trước hạn
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trong 9 tháng năm 2022 là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng khối tổ chức tín dụng có một số ngân hàng thương mại như BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỷ đồng; VIB là 8.800 tỷ đồng; LienVietPostBank là 8.000 tỷ đồng; SHB là 5.450 tỷ đồng, TPBank là 4.900 tỷ đồng; OCB 4.700 tỷ đồng...
LienVietPostBank tới đây (24/11) tiếp tục có kế hoạch mua lại 1.814 tỷ đồng trái phiếu sau 2 năm kể từ ngày phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, với mức giá mua lại là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). Đây là điều khoản đã được công bố trong bản công bố thông tin tại thời điểm phát hành. LienVietPostBank đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11. Đây là một trong những ngân hàng về đích sớm, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng với hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 72% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt hơn 3.800 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 313.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. LienVietPostBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỷ đồng lên 20.091 tỷ đồng.
Đưa trái phiếu doanh nghiệp về đúng bản chất
Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước trong thời gian qua đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. So với chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP thì mức hiện tại vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường.
“Chúng ta phải khẳng định rằng, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện,” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ với báo chí gần đây./.