Việt Nam dù là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch COVID-19 (15/3/2022), nhưng nếu so với các nước trong khu vực, sau một năm “mở cửa bầu trời” bay quốc tế, việc thu hút du khách đi lại bằng đường hàng không vẫn chưa đạt các mục tiêu được như kỳ vọng.

Ít có phương án thay thế

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (chỉ đạt 28% so 2019, cho đến 2 tháng đầu năm 2023, thị trường mới chỉ đạt 64% so với 2019, thấp hơn nhiều so với các khu vực như châu Âu, châu Mỹ). Điều này cho thấy tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ ngày 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) nhìn nhận các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi ngay từ khi dịch bệnh còn đang bùng phát mạnh mẽ (duy trì đội ngũ nhân sự, bảo dưỡng thiết bị và cơ sở hạ tầng,..)

Nhờ thế, ông Nề đánh giá ngay khi các quy định về giãn cách, hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhu cầu bằng đường hàng không tăng đột biến, dù gặp những khó khăn do hậu quả của dịch bệnh (thiếu nhân lực, bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị sau thời gian dài ngừng hoạt động,…) các hãng đều đã nhanh chóng mở thêm các đường bay mới ở trong nước và quốc tế.

“Dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển. Khi thị phần bay quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn ‘chạy đà’ trở lại để mau chóng phục hồi các đường bay quốc tế có dung lượng lớn,” ông Nề nhận định.

[Hình ảnh hơn 871.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1]

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đưa ra con số so sánh, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế tuy nhiên chỉ đón 3,66 triệu lượt khách, đạt 73% kế hoạch. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore là 6,3 triệu; Thái Lan là 11,8 triệu (trong khi kế hoạch chỉ là 8 triệu); Malaysia là 7,2 triệu.  

“Chính sách visa chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực khi thời gian miễn thị thực ngắn (15 ngày); Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương thì Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 64 nước... các quốc gia trên hầu hết cho phép nhiều lần nhập cảnh ra vào, trong khi Việt Nam chỉ cho khách nhập cảnh 1 lần; thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo; các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch tại thị trường nước ngoài còn thiếu và yếu…,” ông Thành nói.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng nêu ra thực tế Việt Nam chưa đa dạng thị trường nguồn du lịch, việc phụ thuộc lớn vào các nguồn khách Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… khi các thị trường này có vấn đề, Việt Nam ít có phương án thay thế.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways nhận định dù Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng.

Nguyên nhân được ông Quân chỉ ra là do các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường hàng không Trung Quốc vốn chiếm khoảng 30% nhưng thị trường này hiện nay bắt đầu mở cửa cho khách du lịch theo đoàn đến nước ta sau đúng một năm “mở cửa bầu trời.”

Gỡ nút thắt visa

Đại diện Vietravel Airlines cho rằng, thông tin Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 đã mang đến sự sôi động cho không chỉ thị trường du lịch mà còn cả thị trường hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang ráo riết có sự chuẩn bị để sẵn sàng đón lượt khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam.

“Trung Quốc là thị trường luôn được kỳ vọng góp phần phục hồi của lĩnh vực hàng không và du lịch Việt Nam. Hãng nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trước thông tin Trung Quốc sẽ mở các tour cho khách du lịch đến Việt Nam,” đại diện Vietravel Airlines nhấn mạnh.

[Kỳ vọng lượng khách bay giữa Việt Nam-Trung Quốc phục hồi tốt]

Nhấn mạnh luôn bám sát các diễn biến mới nhất của thị trường để từng bước mở lại dần các đường bay kết nối Việt Nam với các nước, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines cơ bản đã khôi phục mạng đường bay đến hầu hết các quốc gia, điểm đến trước COVID-19 (trừ Nga và Myanmar) và sắp tới nghiên cứu mở thêm các đường bay đến Ấn Độ.

“Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới,” lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành cho rằng những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng lên mức độ trung bình 5-10%. Do vậy, ông kiến nghị cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Mot nam ‘mo cua bau troi’: Vi sao chua dat duoc phuc hoi nhu ky vong? hinh anh 1Những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tiết lộ năm nay hàng không đặt mục tiêu khách quốc tế 34 triệu lượt, bằng khoảng 80% so với năm 2019, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hành khách (Cục Hàng không Việt Nam) bày tỏ quan điểm con số này đạt được hay không còn phụ thuộc lớn vào lượng khách quốc tế vào Việt Nam và việc mở visa là gỡ nút thắt quan trọng.

Theo ông Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, triển vọng phát triển hàng không Việt nam trong năm vừa qua và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá, các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng sôi động trở lại, góp phần củng cố niềm tin vào bức tranh sáng hơn của ngành hàng không trong năm nay./.

Việt Hùng (Vietnam+)