Mot lo phan ung tai mien Trung Nhat Ban dung van hanh sau bao dong hinh anh 1Lò phản ứng số 3 (trái) và số 4 (phải) tại nhà máy điện hạt nhân Takahama ở tỉnh Fukui (Nhật Bản). (Nguồn: Kyodo/Japan Times)

Ngày 30/1, một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Takahama của tập đoàn điện lực Kansai Electric Power Co ở tỉnh Fukui, miền Trung Nhật Bản đã tự ngừng vận hành sau khi có báo động về số lượng neutron giảm nhanh chóng.

Theo Cơ quan giám sát hạt nhân của Nhật Bản (NRA), lò phản ứng số 4 đã tạm dừng hoạt động vào lúc 15h21 giờ địa phương. Hiện không có dấu hiệu cho thấy sự cố này gây ảnh hưởng đến môi trường và chức năng làm mát của lò phản ứng vẫn hoạt động bình thường.

Kansai Electric đang điều tra nguyên nhân sự việc. Theo Kansai Electric, đây là lần đầu tiên một lò phản ứng ngừng hoạt động kể từ khi lò phản ứng số 3 của nhà máy Takahama cũng dừng hoạt động vào năm 1988 vì báo động tương tự.

[Các quốc đảo TBD kêu gọi Nhật Bản hoãn xả nước nhà máy điện hạt nhân]

Chính quyền tỉnh Fukui nhận định nguyên nhân có thể do vấn đề với máy dò neutron hoặc do các thanh điều khiển - vốn được dùng để kiểm soát các phản ứng chuỗi hạt nhân thông qua việc hấp thụ neutron.

Lò phản ứng số 4 đã được khởi động lại vào ngày 4/11/2022 sau các đợt kiểm tra định kỳ. Tuần trước, Kansai Electric đã tiến hành bảo trì máy dò neutron vào ngày 26/1 và không phát hiện bất thường nào.

 

Nhật Bản có tổng cộng 33 lò phản ứng hạt nhân và chưa đến 1/3 trong số này vận hành trở lại sau sự cố hạt nhân do thảm họa sóng thần vào tháng 3/2011. Do không phải tất cả lò phản ứng đều hoạt động quanh năm, nên Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, vào tháng 8/2022, Thủ tướng Fumio Kishida cho rằng nước này nên xem xét xây các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)