Món hàng Thâm Quyến về Hà Nội 3 ngày, 15.000 đồng: Sự ngạc nhiên và bài học

20:43 - 24/01/2023

Chỉ mất đúng có 3 ngày với phí vận chuyển 15.000 đồng, món hàng từ Trung Quốc được chuyển từ người bán đến tay người nhận ở Việt Nam.

Chỉ mất đúng có 3 ngày với phí vận chuyển 15.000 đồng, món hàng từ Trung Quốc được chuyển từ người bán đến tay người nhận ở Việt Nam.



Tin nên đọc

Sự phát triển đỉnh cao của ngành logistics

Một món hàng rất nhỏ, giá bán quy ra tiền Việt Nam là 88.000 đồng, được bán mãi tận một thành phố nào đó cách Thâm Quyến (Trung Quốc) cỡ 700km, tức cách Móng Cái (Quảng Ninh) 2.000 km đường bộ; còn bên mua ở quận Tây Hồ, Hà Nội (Việt Nam). Vậy mà chỉ mất đúng có 3 ngày với phí vận chuyển chỉ có 15.000 đồng, món hàng được chuyển từ người bán đến tay người nhận.

Một đơn hàng khác có giá bán 587.000 đồng, thời gian đi từ kho hàng Thâm Quyến về đến Hà Nội chỉ mất hơn 2 ngày, nhưng lại phải mất hơn 5 ngày nữa để món hàng đến tay người mua ở quận Tây Hồ và tất nhiên phí vận chuyển cũng chỉ có 15.000 đồng.

timg-2

Hình ảnh minh họa. Nguồn ảnh baco.edu.vn

Câu chuyện đáng ngạc nhiên về sự phát triển của ngành vận chuyển chưa dừng ở đó. Thực tế, từ ngày 17/7/2017, hành khách đi tàu đường sắt cao tốc ở Trung Quốc có thể đặt đồ ăn online, đồ ăn sẽ được ship đến đúng ghế ngồi của họ trên tàu cao tốc khi tàu dừng ở một nhà ga nào đó mà họ chọn.

Tất nhiên có 3 giới hạn là hành khách chỉ được chọn có 27 nhà ga lớn, phải đặt trước 2 giờ trước khi tàu khởi hành và chỉ được đặt đồ ăn online ở các nhà hàng có tham gia hợp tác với các nhà ga. Được ăn bất cứ món ăn nào mà bạn thích tất nhiên tuyệt vời hơn là ăn mì ăn liền hay món bánh nào đó vẫn bán trên tàu, tôi nghĩ vậy.

Ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT (Ảnh: FPT).

Ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT (Ảnh: FPT).

Nếu ai cho rằng những ví dụ nêu trên chỉ là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt thì đã lầm. Bởi ngành logistics Trung Quốc đã đặt ra một chuẩn cho ngành thương mại điện tử là "giao hàng ở bất kỳ đâu tại Trung Quốc trong vòng 24 giờ và trên toàn cầu trong 72 giờ là thông lệ tiêu chuẩn" và họ dự kiến sẽ nâng lên giao hàng tại Trung Quốc trong 12 giờ khoảng 5 năm tới.

Hiện tại ở Mỹ, hãng Amazon có dịch vụ giao hàng Prime cũng có thời gian giao hàng nhanh như vậy, nhưng với phí giao hàng đắt hơn 10 lần.

Những câu chuyện nêu trên không khỏi khiến nhiều người sẽ nghĩ, liên tưởng ngay tới sự phát triển ngành logistics của Việt Nam.

Ở trường hợp thứ nhất, có người nói rằng thời gian ship hàng nhanh như vậy có phần đóng góp của logistics Việt Nam. Tuy nhiên, ở trường hợp thứ hai tôi dẫn chứng, phía vận chuyển Trung Quốc chỉ mất có hơn 2 ngày cho quãng đường 1.700km, còn Việt Nam thì vẫn mất hơn 5 ngày cho quãng đường chỉ có 35km.

Chưa kể, nhiều trường hợp hàng hóa đặt qua các sàn nhỏ hơn, hoặc qua các cơ sở thương mại nhỏ thì nhiều khi giao lâu tới mức, người mua hàng đã quên mất đơn hàng rồi thì hàng mới được giao (cỡ 10 đến 15 ngày).

Không chỉ giao hàng lâu hơn, phí ship hàng ở Việt Nam cũng cao hơn. Trong khi phí giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ có 15.000 đồng, thì cũng mặt hàng có kích thước, trọng lượng và giá cả tương tự phí giao hàng ở Việt Nam cũng cao hơn ít nhất là 2 lần (19.600 đồng cho đơn hàng nội đô Hà Nội và TPHCM, 32.700 đồng cho đơn hàng giữa TPHCM và Hà Nội).

Một số người biện hộ rằng phí ship hàng của Trung Quốc rẻ như vậy vì họ đã tính hết vào giá bán rồi, nhưng rất tiếc rằng giá bán hàng hóa của họ cũng rẻ hơn, trong khi chất lượng hàng hóa của họ cũng không hề kém hàng hóa của Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì?

Là ông "hàng xóm" sát vách mà logistics của Trung Quốc lại tốt vượt trội như vậy, trong khi logistics của chúng ta có chi phí quá cao (chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn 6% đến 10% trung bình thế giới), thời gian lại chậm thì hiển nhiên sức cạnh tranh của hàng hóa, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Vì vậy cải tổ toàn diện ngành logistics Việt Nam chắc chắn là việc phải làm.

Hiện tại, Trung Quốc đang trở thành một trong những quốc gia mạnh nhất thế giới về vận tải và logistics, đặc biệt là logistics cho thương mại điện tử đang là niềm mơ ước và chuẩn mực cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả Mỹ và các nước thuộc khối EU.

Có được ngành logistics tuyệt vời như vậy là nhờ Trung Quốc có cơ sở hạ tầng giao thông tuyệt vời về cả đường sắt và đường bộ, mạng lưới kho hàng rộng khắp và thông minh (ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và big data), hệ thống mạng 5G bao phủ lớn với tốc độ nhanh và quy trình thông quan nhanh chóng và thuận lợi. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có tổng chiều dài 40.000km, lớn gấp 2 lần tổng chiều dài đường sắt cao tốc của toàn bộ khối EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cộng lại (số liệu năm 2021).

Từ năm 2020, tàu hàng hóa cao tốc có tốc độ 350 km/h, với các toa tàu được thiết kế đặc biệt để chuyên chở hàng hóa, đã được đưa vào khai thác vận hành ở Trung Quốc.

Mỗi đoàn tàu chở hàng có 8 toa xe, cửa toa rộng 2,9m, với các container chuyên dụng sử dụng trong vận tải hàng không, chạy với tốc độ 350 km/h không chỉ là tàu chở hàng nhanh nhất thế giới, mà còn có thể hoạt động ở nhiệt độ khắc nghiệt: dù là nhiệt độ âm -25 độ C trong mùa đông ở phía bắc hay hơn 40 độ C vào mùa hè nóng nực ở miền nam, hàng hóa vẫn được bảo quản an toàn, không hư hỏng.

Như vậy, ở Trung Quốc, hàng hóa chỉ mất 1 giờ cho quãng đường 300-350km, mất 3 giờ cho quãng đường 900-1.000km và mất 5 giờ để cho quãng đường 1.500km, nếu vận chuyển đường sắt cao tốc, cộng với hệ thống 168.000km đường bộ cao tốc, xe tải hàng hóa chạy với tốc độ trung bình trên 100 km/h. Hệ thống vận tải hàng hóa tuyệt vời như vậy không có quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh được.

Để có thể xử lý hàng tỷ đơn hàng một ngày, để tự động hóa các qui trình quản lý kho hàng, để định vị nhanh vị trí của cả người giao hàng lẫn người nhận hàng, Trung Quốc có hệ thống mạng 5G bao phủ rộng khắp với hơn 1,4 triệu trạm BTS với tốc độ 300 megabit/giây (ở các đô thị lớn).

Chưa hết các hãng thương mại điện tử Trung Quốc đã tổ chức hàng chục nghìn kho hàng bao phủ rộng khắp, được bố trí gần các khu dân cư lớn, khu sinh viên, khu công nghiệp có nhiều công nhân. Tất cả các kho hàng đều là kho hàng thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và xử lý dữ liệu lớn big data, tự động hoàn toàn hoặc bán tự động xử lý các đơn hàng.

Như vậy, để phát triển ngành logistics thì chỉ có mình ngành logistics với hệ thống kho hàng thông minh, bao phủ rộng thôi thì chưa đủ, muốn thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh thì hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ phải là đường cao tốc, hệ thống internet 5G phải có độ phủ rộng và có tốc độ cao, hệ thống thông quan phải nhanh chóng và thuận tiện. Nghĩa là muốn cải tổ ngành logistics thì không phải chỉ có mỗi ngành logistics mà thực chất phải bao gồm cả các ngành giao thông, viễn thông và hải quan.

Trong 4 hệ thống logistics, giao thông, viễn thông, hải quan thì có 3 lĩnh vực logistics thông minh, viễn thông 5G tốc độ cao - độ phủ rộng và thông quan nhanh chóng - thuận tiện là có thể làm nhanh và không cần quá nhiều tiền, chúng ta nên tập trung nỗ lực làm ngay.

Riêng lĩnh vực giao thông thì hàng không khá ổn, đường bộ cao tốc cần chờ chương trình 2.000km đường cao tốc hoàn thành năm 2026 theo chương trình của Chính phủ (đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Nam), còn đường sắt cao tốc hay tốc độ cao Bắc Nam chắc chắn còn chờ lâu hơn.

Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT

Ông Đỗ Cao Bảo là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT. Ông phụ trách mảng kinh doanh tích hợp hệ thống, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc FPT triển khai hầu hết hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia, vươn xa trên thị trường toàn cầu.


Link gốc: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/mon-hang-tham-quyen-ve-ha-noi-3-ngay-15000-dong-su-ngac-nhien-va-bai-hoc-20230112144116566.htm