Microsoft bị điều tra chống độc quyền với vụ mua Activision Blizzard

18:58 - 09/11/2022

Microsoft đã bác bỏ lo ngại của châu Âu rằng họ có thể đưa "Call of Duty" trở thành độc quyền trên Xbox, đồng thời nói rằng sẽ không có ý nghĩa kinh doanh nếu hạn chế người dùng tiếp cận trò chơi này.
 

Microsoft bi dieu tra chong doc quyen voi vu mua Activision Blizzard hinh anh 1Microsoft đã bác bỏ những lo ngại của châu Âu rằng họ có thể đưa "Call of Duty" trở thành độc quyền trên Xbox. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 8/11, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ đã mở một cuộc điều tra chuyên sâu về chống độc quyền đối với thương vụ mua nhà phát triển trò chơi điện tử Activision Blizzard của công ty phần mềm Microsoft, công ty làm nên trò chơi bom tấn "Call of Duty."

Cuộc điều tra trên dựa vào lý do là việc mua Activision Blizzard được đề xuất có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường phân phối bộ điều khiển trò chơi điện tử và các trò chơi trên máy tính cá nhân, cũng như hệ điều hành PC.

Vào tháng 1/2022, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft - công ty sản xuất máy chơi game Xbox và các trò chơi riêng để chơi trên PC và thiết bị di động - đã công bố kế hoạch tiếp quản Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD với mục đích tạo ra trò chơi lớn thứ ba thế giới.

EC cho biết cuộc điều tra chuyên sâu sẽ xem xét những tác động của vụ thâu tóm để xác định xem "liệu những lo ngại về cạnh tranh ban đầu có thực tế hay không."

EC cho hay vấn đề mà ủy ban này quan ngại nhất là giao dịch này có thể dẫn đến việc Microsoft đưa các trò chơi phổ biến của Activision Blizzard vào hệ sinh thái của mình, hạn chế quyền truy cập của người tiêu dùng bên ngoài.

[Microsoft "chi bộn tiền" mua game ở Trung Quốc để cạnh tranh với Sony]

EC cho hay: "Bằng cách mua lại Activision Blizzard, Microsoft có thể cấm quyền truy cập vào bộ điều khiển trò chơi và các trò chơi video PC của Activision Blizzard, đặc biệt là đối với các trò chơi có cấu hình cao và rất thành công (được gọi là trò chơi 'AAA') như 'Call of Duty'."

EC cho rằng Microsoft có khả năng và "động cơ kinh tế tiềm năng" để theo đuổi chiến lược đó. Và điều này có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường phân phối trò chơi điện tử, dẫn đến giá cả cao hơn, chất lượng thấp hơn và ít đổi mới hơn đối với các nhà phân phối trò chơi điều khiển, và người tiêu dùng là những người bị ảnh hưởng lớn nhất.

Trong tuyên bố hồi tháng Một năm nay về kế hoạch mua lại Activision Blizzard, Microsoft cho biết, họ sẽ "đẩy nhanh" hoạt động kinh doanh trò chơi của mình và cung cấp "các tiền đề để phát triển Metaverse" - một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), Internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác.

Activision Blizzard, cũng có trụ sở tại Mỹ, ngày 7/11 cho biết, trò chơi "Call of Duty" mới nhất của họ đã phá kỷ lục, đạt doanh thu 1 tỷ USD chỉ sau 10 ngày ra mắt. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tổng thể trong quý 3 năm 2022 của Activision Blizzard đã giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022, với các trò chơi trên máy tính bảng và PC đều giảm.

Microsoft đã bác bỏ những lo ngại của châu Âu rằng họ có thể đưa "Call of Duty" trở thành độc quyền trên Xbox, đồng thời nói rằng sẽ không có ý nghĩa kinh doanh nếu hạn chế người dùng tiếp cận trò chơi này./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/microsoft-bi-dieu-tra-chong-doc-quyen-voi-vu-mua-activision-blizzard/828190.vnp