Mâm lễ cúng gia tiên trong Tết Đoan Ngọ gồm những gì?

10:25 - 08/06/2024

Ngày Tết Đoan Ngọ, mỗi nhà không cần chuẩn bị cỗ mặn phức tạp, chỉ cần có mâm lễ cúng gọn gàng, đơn giản để dâng gia tiên cũng như mong cầu sức khỏe cho cả gia đình.

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào mùng 5/5 Âm lịch và còn được gọi là Tết Đoan Dương và cái tên dân dã được nhiều người biết đến nhất là "Tết giết sâu bọ."

Năm nay, Tết Đoan Ngọ sẽ rơi vào thứ Hai ngày 10/6. Ngày tết này mỗi nhà không cần chuẩn bị cỗ mặn phức tạp, chỉ cần có mâm lễ cúng hoa quả gọn gàng, đơn giản để dâng Gia tiên cũng như mong cầu sức khỏe cho cả gia đình.

Mỗi món trong mâm cúng không chỉ đậm nét văn hóa, mà còn ẩn chứa những điều nhiều người chưa biết.

ttxvn-nep cam3.jpg
Rượu nếp, món không thể thiếu trong tục "giết sâu bọ" ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

1. Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Ngày xưa, vào một mùa vụ thành công và bội thu, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến phá nát mọi thứ. Nhân dân lo lắng không biết làm thế nào để giải trừ được nạn sâu bọ này.

Bỗng nhiên có một ông lão từ xa đến xưng là Đôi Truân, đã chỉ cho người dân mỗi nhà lập một bàn cúng gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.

Từ đó về sau, nông dân lại lập bàn cúng để giải trừ sâu bọ và từ đó ngày 5/5 Âm lịch là ngày "Tết diệt sâu bọ" và còn gọi là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng, người Việt còn cho rằng đây là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.

Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại không phải lúc nào cũng diệt được. Nhưng chỉ có ngày mùng 5/5, các loại ký sinh này thường ngoi lên và đây là thời cơ để con người ăn những thức ăn có vị chua, chát để loại bỏ chúng.

2. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?

Tết Đoan Ngọ trong mâm lễ của mọi nhà không thể thiếu được những đĩa hoa quả đặc trưng của mùa như vải, mận,... và cơm rượu nếp hoặc rượu cẩm.

Trái cây

Tháng 5 Âm lịch là mùa của những trái vải, mận. Hương vị của trái cây ngọt bùi và chua thanh càng làm cho ngày Tết trở nên đậm đà.

Còn ở miền Nam, trái cây được ưa chuộng gồm xoài, chôm chôm, dưa hấu, vải,... vì đây là các loại trái cây đặc sản của vùng này. Khi bày cúng và ăn các loại quả này người dân nơi đây gửi gắm mong ước mùa màng sẽ tươi tốt, mầm bệnh bị tiêu diệt, cây trái sinh sôi nảy nở.

ttxvn-man.jpg
ttxvn-vai1.jpg
(Ảnh: TTXVN)
 

Hoa tươi

Việt Nam có rất nhiều loại hoa đẹp nhưng vào dịp Tết này loại hoa được ưa chuộng nhất để chưng trên bàn thờ là hoa sen. Hoa sen có vẻ đẹp thuần khiết, vừa thanh tao vừa e ấp.

Ngoài ra còn có nhiều loại hoa khác được bày lên mâm lễ cúng như hoa nhài, hoa cau, hoa mẫu đơn đỏ,...

hoa sen.JPG
(Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Cơm rượu nếp cái hoặc rượu cẩm

Ở cả 3 miền của đất nước, người dân đều tin rằng ăn cơm rượu nếp cái/rượu cẩm và uống rượu vào ngày này giúp diệt sâu bọ.

Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái." Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

ttxvn-nep cam1.jpg
ttxvn-nep cam2.jpg
Rượu nếp cái và rượu nếp cẩm. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bánh gio

Bánh gio có nhiều tên gọi khác nhau như bánh ú, bánh ú tro và bánh âm và tùy theo vùng miền sẽ có nhiều biến thể và được gói dưới nhiều hình dạng khác nhau. Bánh được làm bằng gạo đã ngâm trong nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm và gói trong lá chuối.

Bánh có vị ngọt vừa, mềm dẻo, màu trong đặc trưng, dễ ăn, dễ tiêu, mát ruột. Nếu là bánh gio không nhân thường được ăn với mạch nha hoặc đường mật mía.

ttxvn-banh gio.jpg
(Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Thịt vịt

Vào một vài ngày trước và cả trong dịp mùng 5/5 hằng năm, hầu như các khu chợ ở miền Bắc và miền Trung luôn rộn rã việc mua bán vịt sống vì các gia đình thường làm nhiều món từ vịt.

Người miền Trung quan niệm rằng từ ngày 5/5 trở đi vịt đã bắt đầu vào mùa, béo, nhiều thịt hơn. Vì vậy hầu hết các gia đình sẽ chọn mua và chế biến các món ngon từ vịt như vịt luộc, vịt quay, vịt tiềm,...

thit vit.JPG
 

Các loại chè

Hai món chè không thể thiếu trong ngày này là chè hạt sen và chè đậu đen - hai loại chè có tác dụng giải nhiệt tốt.

Thời tiết tháng 5 mưa nắng thất thường dễ gây ra các loại bệnh vặt, nên việc ăn chè trong ngày này được nhiều người lựa chọn để phòng bệnh và cầu mong mang lại sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn làm chè trôi nước. Những viên chè tròn đầy, đẹp mắt, vị thơm ngọt ngào lại mang nhiều ý nghĩa nên được nhiều đời con cháu dùng để dâng cúng lên đất trời, tổ tiên cầu mong vạn sự may mắn.

Chè kê là chè được nấu từ hạt kê đã loại bỏ lớp vỏ, ngâm rồi đun sôi đến khi nở mềm. Sau đó người ta thêm nước đường cùng chút gừng vào nồi hạt kê đang sôi là đã hoàn thành. Chè có kết cấu sền sệt, màu vàng ươm, thơm phức và ngọt ngào nữa.

che do den.jpg

3. Những điều kiêng kị trong ngày Tết Đoan Ngọ

Trong ngày lễ truyền thống độc đáo của người Việt Nam, dân gian thường truyền tai về nhiều điều không nên làm trong ngày này.

Không soi gương sau nửa đêm

Dân gian quan niệm rằng sau 12h đêm mùng 5/5, âm khí hoạt động mạnh mẽ nên tuyệt đối không nên soi gương hay chụp ảnh trước gương tránh dẫn dụ tà khí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và có thể xảy ra những hiện tượng khó lý giải.

Không đặt chân xuống đất khi vừa ngủ dậy

Theo quan niệm của người xưa, vào sáng 5/5, người lớn khi mới ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho thật sạch, sau đó mới bước xuống bàn ăn một bát con rượu nếp, hoa quả để "diệt sạch sâu bọ."

Tránh dừng chân nơi âm u

Vào ngày này ông bà thường dặn các thành viên trong gia đình khi ra khỏi nhà thì không nên dừng chân ở những nơi âm u, thiếu sáng nhiều tà khí như nghĩa trang, bệnh viện, nhà tang lễ,... vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tránh làm rơi hay mất tiền

Theo quan niệm từ xưa, việc mất tiền vào ngày tết mùng 5/5 bị xem như tự đánh rơi tài lộc của mình, khiến tài vận đi xuống. Vì vậy khi đi ra ngoài, bạn hãy chú ý tư trang cá nhân tránh làm rơi, mất.

roi tien.jpg
(Ảnh: Getty images)

Kiêng để dép lộn xộn

Giày dép trong tiếng Hán đồng âm với từ "tà", nếu để lộn xộn sẽ dễ chiêu dụ tà khí. Vì vậy, bạn hãy chú ý sắp xếp giày dép gọn gàng tránh ảnh hưởng đến đường tài lộc và tình duyên.

Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, nếu đi du lịch hoặc đi xa và có ý định mua đồ lưu niệm nên tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa để tránh rước thêm tà về.

Không chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ

Theo phong thủy, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, không nên ở trong những phòng bài trí các đồ vật mang tính chất tôn giáo như tranh, tượng phật, thánh… Bởi tác dụng chính của những vật phẩm này là trấn áp tà khí, chứng tỏ phòng ốc đó có vấn đề./.

Nguồn: Mâm lễ cúng gia tiên trong Tết Đoan Ngọ gồm những gì? | Vietnam+ (VietnamPlus)