Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Afizan Bin Azman thuộc Đại học Taylor’s (Malaysia), trên toàn cầu, việc sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang vượt xa tiền kỹ thuật số.
Được tạo ra năm 2008, công nghệ này được sử dụng để xác minh và theo dõi các giao dịch nhiều bước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, chuỗi cung ứng, ngành tài chính...
Với việc giảm chi phí theo nguyên tắc và tăng tốc xử lý truyền dữ liệu, người dùng cũng có thể xác nhận các giao dịch bảo đảm bằng công nghệ chuỗi khối mà không cần yêu cầu cơ quan thanh toán bù trừ trung tâm.
Malaysia bắt đầu nỗ lực trong công nghệ chuỗi khối năm 2015, với Ủy ban Chứng khoán (SC) và Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) đóng vai trò quan trọng.
Cơ quan quản lý về công nghiệp chuyên về công nghệ cao của Chính phủ Malaysia (MIGHT) đã tuyên bố Malaysia sẽ áp dụng Blockchain vào năm 2025 và nhiều tổ chức ngân hàng được yêu cầu tìm hiểu và áp dụng công nghệ này vào hệ thống tài chính.
Từ góc độ chăm sóc sức khỏe, mọi tổ chức chăm sóc sức khỏe đều coi dữ liệu y tế là yếu tố rất nhạy cảm về quyền riêng tư.
Ý tưởng trao cho bệnh nhân quyền kiểm soát quyền truy cập vào hồ sơ của họ và trao đổi dữ liệu sức khỏe giữa các tổ chức làm tăng rủi ro bị lộ dữ liệu và mở ra các vấn đề xung quanh niềm tin và bảo mật.
Do đó, công nghệ sổ cái phân tán của chuỗi khối trong chăm sóc sức khỏe giúp chuyển hồ sơ y tế của bệnh nhân an toàn dễ dàng hơn, cải thiện bảo mật dữ liệu chăm sóc sức khỏe, kiểm soát chuỗi cung ứng thuốc và hỗ trợ nghiên cứu mã di truyền trong lĩnh vực y tế - đảm bảo tính toàn vẹn và quyền riêng tư của dữ liệu y tế ở Malaysia.
Hiện tại, các vấn đề của Hệ thống Hồ sơ Y tế bao gồm thiếu bảo mật, khó chuyển hồ sơ y tế giữa nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe do sự phức tạp của hệ thống, lỗi của con người khi ghi chép, lưu trữ và chuyển dữ liệu của bệnh nhân cũng như giả mạo dữ liệu không mong muốn.
[Thế giới 'đổ xô' đến Việt Nam thành lập các quỹ đầu tư blockchain]
Những vấn đề này có thể trở thành chướng ngại vật góp phần gây ra những vấn đề thậm chí còn lớn hơn, bất lợi hơn như thiệt hại nặng nề về tiền bạc cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe do sự phức tạp với dữ liệu y tế của bệnh nhân, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý.
Hơn nữa, khi hồ sơ y tế bị lẫn lộn, không được cập nhật hoặc lưu trữ không đúng cách, điều này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe và phúc lợi của bệnh nhân. Ngoài ra, sự kém hiệu quả của Hệ thống Hồ sơ Y tế lỗi thời chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho quá trình chuyển bệnh nhân giữa các viện y tế khác nhau do các phức tạp trong trao đổi dữ liệu y tế của bệnh nhân.
Hậu COVID-19, Malaysia đối mặt với một số vấn đề liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe. MySejahtera đã trở thành một vụ bê bối quốc gia sau khi Ủy ban tài khoản công (PAC) tiết lộ rằng ứng dụng di động theo dõi tiếp xúc COVID-19 đã được phát triển cho chính phủ mà không có hợp đồng với các nhà phát triển ứng dụng.
Bộ trưởng Y tế khi đó là Khairy Jamaluddin đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm cải thiện văn hóa làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (HWCITF) để kiểm tra văn hóa làm việc được cho là độc hại trong các bệnh viện công.
Ngoài ra, các phòng khám đa khoa tư nhân (GP), nhà thuốc và bệnh viện ở Malaysia đã bị thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc kê đơn và không kê đơn kể từ tháng 5/2022, do lệnh phong tỏa COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc và xung đột ở Ukraine.
Không chỉ là vấn đề cấp bách, tình trạng thiếu thuốc cực kỳ nghiêm trọng ở Malaysia trong năm 2023 cho thấy sự cần thiết phải tăng cường an ninh dược phẩm của đất nước cho các vấn đề quốc tế trong tương lai trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu, vì Malaysia là nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm dược.
Vai trò hợp tác của chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) có thể sẽ giải quyết được vấn đề và hơn thế nữa là ngăn chặn được các vấn đề như vậy liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, vấn đề khối lượng công việc quá tải và văn hóa làm việc độc hại tại các Bệnh viện công cũng có thể được giải quyết nếu Bộ Y tế Malaysia (MOH) tích hợp đổi mới kỹ thuật số vào hệ thống.
Nhiều quy trình thủ công có thể được tự động hóa và việc truyền dữ liệu giữa các bác sỹ có thể được cập nhật kịp thời, thúc đẩy môi trường thuận lợi giữa bệnh nhân và bác sỹ.
Bên cạnh đó, công nghệ chuỗi khối cũng có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu thuốc thông qua phân tích thích hợp tại các bệnh viện.
Thông qua phân tích dữ liệu này với dữ liệu chưa bị giả mạo, nó có thể giúp giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng dược phẩm bằng cách thiết lập bằng chứng về quyền sở hữu.
Trước khi đến tay bệnh nhân, quyền sở hữu thuốc thay đổi từ nhà sản xuất sang nhà phân phối, rồi đến dược sĩ bằng cách dễ dàng sao chép các thẻ Nhận dạng Tần số Vô tuyến (RFID).
Sử dụng khả năng của chuỗi khối, nhiều tính năng hơn có thể được thêm vào chuỗi chăm sóc sức khỏe theo định kỳ./.