Ma so vung trong: Chia khoa mo cua nong san ra the gioi hinh anh 1Vườn cam được trồng với quy chuẩn sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Với yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cần phải có đối với mỗi sản phẩm được tiêu thụ ra thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới.

Một trong những yếu tố quan trọng và then chốt trong truy xuất nguồn gốc chính là vùng trồng, vùng sản xuất được cấp mã số. Mỗi vùng trồng có mã số sẽ tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng lựa chọn.

Yêu cầu quan trọng trong sản xuất hiện nay

Hiện nay, cung cấp mã số vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu và quy định hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng cao của thị trường thế giới, việc quản lý mã số vùng trồng cần được quan tâm, theo dõi chặt chẽ, thậm chí nâng cấp quản lý để tạo niềm tin tiêu dùng chắc chắn hơn.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông), chia sẻ việc cấp mới, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục Bảo vệ thực vật trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

[Xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc: Cửa đã mở nhưng vẫn phải tính xa]

Hiện cả nước có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói trải dài trên 50 tỉnh, thành phố.

Đây là một con số rất lớn, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, của các cấp, bộ, ban, ngành.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản đạt hơn 36,3tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều nay cho thấy thương mại nông sản ngày càng phát triển, ngành nông nghiệp có nhiệm vụ kép phải hoàn thành, đó là vừa đảm bảo tăng số lượng mã số vùng trồng được cấp mới theo đúng thông lệ quốc tế, vừa duy trì, quản lý chất lượng mã số vùng trồng đã cấp.

Trên cơ sở nhiệm vụ này, năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án giao khoảng 90% mã số vùng trồng cho địa phương chịu trách nhiệm quản lý.

Các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đối với việc cấp mới, thực hiện rà soát, đánh giá với các vùng đã có mã số, sau đó tổng hợp lại và gửi về Cục Bảo vệ thực vật.

Cục sẽ nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ hồ sơ, trước khi gửi tới các nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nông sản để xác nhận các mã số trên. Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm đầu mối để liên hệ với các nước và thông tin cho địa phương.

Về phía địa phương, từ cấp quận, huyện, thị xã cho đến tỉnh, thành phố đều có trách nhiệm quản lý, duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong đó, tập trung vào 2 yếu tố tiên quyết, là các tiêu chí cấp mới mã số vùng trồng; và các yếu tố kỹ thuật để xem xét, đánh giá hồ sơ, cả trong lẫn ngoài vùng trồng, cơ sở sản xuất, đóng gói.

Chất lượng mã số vùng trồng là một vấn đề quan trọng, bởi các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam vẫn luôn phản ánh thông tin về Cục Bảo vệ thực vật trong trường hợp sản phẩm từ vùng trồng có đăng ký mã số không đạt chất lượng như yêu cầu.

Do đó, việc sản xuất nông nghiệp được cấp mã số vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng hiệu quả, chất lượng phải luôn được gắn liền với chuỗi giá trị ngành hàng, là nền tảng tạo nên chất lượng giá trị ngành hàng từ khâu đầu tiên trong sản xuất.

Các địa phương ráo riết quản lý chặt chẽ

Cũng từ thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã được cấp mã số vùng trồng với số lượng 4.000 mã số cho các loại sản phẩm nông nghiệp như trái cây, lúa gạo, càphê, tiêu, điều, gỗ...

Như vậy, trên tổng thể, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đều đã có một chứng nhận uy tín từ địa phương, đảm bảo chất lượng nông sản trước khi mở cửa đi ra thị trường thế giới.

Đơn cử, tỉnh An Giang là địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho xuất khẩu như gạo, trái cây, thủy sản…

Do vậy, việc trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, tổ chức, cá nhân và nông dân về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu là rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị nông sản, khai thác lợi thế nông nghiệp của các địa phương.

Cũng từ yêu cầu cấp thiết này, An Giang đã lên kế hoạch xây dựng cấp mã số vùng trồng cho các loại nông sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là hơn 1.800 mã số, trên diện tích hơn 168.600 ha và 30 mã số cơ sở đóng gói chứng nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong bảo quản sản phẩm của tỉnh An Giang.

Ma so vung trong: Chia khoa mo cua nong san ra the gioi hinh anh 2Nhà vườn ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp thu hoạch ổi lê. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, cho biết hiện nay toàn tỉnh đã cấp được 252 mã số vùng trồng và 21 mã số cho cơ sở đóng gói theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV (mã số vùng trồng) và TCCS 775:2020/BVTV (mã số cơ sở đóng gói). Trong 252 mã số vùng trồng được cấp thì có 146 mã số cây ăn trái (140 mã số trên xoài, 4 mã số trên mít, 2 mã số trên nhãn), 1 mã số trên rau màu (ớt) và 105 mã số trên lúa, nếp.

Điểm nổi bật của An Giang là đẩy mạnh phối hợp cấp mã số vùng trồng trên lúa, nếp, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp cùng xây dựng mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu gạo vào các thị trường cao cấp như Australia, Mỹ, EU, Nhật Bản…

Sau đó là cây ăn trái là Trung Quốc, New Zealand, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…

Việc áp dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói có vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định ngày càng cao của thị trường thế giới, tiến đến cấp mã số vùng trồng cho thị trường nội địa.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tăng mã số vùng trồng được cấp mới theo đúng thông lệ quốc tế, vừa duy trì, quản lý mã số vùng trồng được cấp, ông Trương kiến Thọ nhấn mạnh.

Cùng với sự phát triển của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp không đi ngoài hương chung này.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập và cấp mã số vùng trồng đạt 100% diện tích vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số. Trong đó, lúa là 162.267ha, cây ăn trái 31.235 ha và rau màu 4.660ha. Cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản cho 100% cơ sở có nhu cầu.

Về áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước, một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện. Đồng thời có thể truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Một trong những sản phẩm nổi bật được cấp mã số vùng trồng của tỉnh Đồng Tháp là xoài.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích trồng xoài của tỉnh đạt hơn 14.000ha, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng. Nổi bật nhờ nâng cao chất lượng, mã vùng trồng xoài ở Đồng Tháp nên xuất khẩu xoài ra nước ngoài thuận lợi.

Hiện tỉnh Đồng Tháp đang kết nối với các doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Westemfarm... thu mua sản phẩm tại các mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia, Trung Quốc...

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ông Lê Quốc Điền cho biết thêm./.

Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)