Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Phương cho biết với quy định mới của Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, thời gian tới, tình trạng khai thác cát trái phép, khai thác theo "cảm tính" tại các địa phương, sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Kiểm soát chặt khai thác cát bằng công nghệ
Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Trần Phương nhấn mạnh để hạn chế tình trạng “cát tặc” xảy ra tại các địa phương, Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ về hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển phải tuân thủ quy định đối với khoáng sản nhóm II (các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất ximăng, vật liệu chịu lửa) hoặc nhóm III (các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn).
Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi được kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoáng sản; ngăn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng sông, bờ sông, bãi sông, bờ biển…
Đối với hoạt động nạo vét, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa, đường hàng hải, cảng sông, cảng biển; nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện có kết hợp thu hồi cát, sỏi, ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này còn phải thực hiện các yêu cầu: Không lợi dụng hoạt động nạo vét, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa, đường hàng hải, cảng sông, cảng biển; nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện để khai thác cát, sỏi trái phép; phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Bên cạnh đó, Luật Địa chất và Khoáng sản cũng đã tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc chủ động thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản, cấp phép hoạt động khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để góp phần nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới.
Trường hợp khu vực thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển giáp ranh từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, trước khi cấp giấy phép, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của ủy ban nhân dân cấp tỉnh giáp ranh.
Các quy định trong luật cũng đã nêu bật lên nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong công tác điều tra cơ bản địa chất; điều tra địa chất về khoáng sản; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình...
“Trong đó, một điểm mới so với Luật Khoáng sản 2010 là đã cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản để làm căn cứ xác định quy mô tiềm năng tài nguyên khoáng sản có trong khu vực phục vụ công tác lập quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản,” ông Trần Phương nhấn mạnh.
Loại bỏ tình trạng khai thác cát theo “cảm tính”
Chia sẻ từ góc độ địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho hay Luật Địa chất và Khoáng sản có một chương mới về quản lý cát, sỏi, lòng sông, lòng hồ và khu vực biển.
Theo đó, luật quy định nguyên tắc của hoạt động thăm dò, khai thác; hoạt động thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở khu vực biển; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác.
Một trong những quy định mới là tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển trong quá trình nạo vét được thu hồi, sử dụng, tiêu thụ cát, sỏi thông qua hoạt động nạo vét, duy tu vùng nước cảng nội địa, vùng nước đường thủy nội địa, hồ chứa, khu vực cửa sông, cửa biển, khu vực tránh, trú bão… theo dự án, kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
“Quy định như vậy sẽ thắt chặt về công tác quản lý trong hoạt động cát, sỏi; đảm bảo công tác cấp phép và hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi được thực hiện đúng quy định, tránh nguy cơ thất thoát tài nguyên, ổn định lòng sông, bờ sông, lòng hồ, khu vực biển, đảm bảo về môi trường và nguyên vật liệu cho các dự án công trình phát triển kinh tế-xã hội,” ông Trường nói.
Phân tích cụ thể hơn, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh trước đây, Luật Khoáng sản năm 2010 chỉ mới quy định chung về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói chung mà chưa có các quy định cụ thể về công tác quản lý cát, sỏi lòng sông (một loại hình khoáng sản rất cần thiết trong cuộc sống và có tính đặc thù riêng).
Để khắc phục một số hạn chế về quản lý cát sỏi lòng sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất chính sách và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế để giải quyết vấn đề trước mắt.
Thực tế trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy quản lý Nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông luôn phải gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Luật Khoáng sản chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản mà không điều chỉnh hành vi tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Đây cũng là “lỗ hổng” dẫn đến tình trạng cấp phép, quản lý theo “cảm tính” từ đó gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách…
Vì thế, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh việc Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung một chương riêng về quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển được kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát chặt cát, sỏi; tránh tình trạng cấp phép, quản lý theo “cảm tính” không thống nhất giữa các địa phương làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách./.