Lua dao qua mang: Vi sao canh bao roi van co nguoi dinh bay? hinh anh 1Những người lớn tuổi thường là các đối tượng dễ bị lừa đảo qua mạng. (Nguồn: Vietnam+)

Mạng xã hội ngày càng phát triển thì những loại hình lừa đảo "ăn theo" ngày càng đa dạng và tinh vi hơn.

Nhiều người thường đặt câu hỏi tại sao khi các bài cảnh báo liên tục xuất hiện, vẫn có rất nhiều người dính phải những bẫy lừa đảo online?

Hình thức lừa đảo quá đa dạng, khó xử lý

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đang diễn biến rất phức tạp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Theo Bộ Công an, hiện có ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp.

 

Bộ Công an cũng liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake, đến những hình thức lừa đảo đơn giản như bán hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.

[Bộ Công an cảnh báo về 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng]

Như vậy, nói một cách đơn giản, lừa đảo trực tuyến phát triển song song với các hoạt động trực tuyến, và đặc biệt nở rộ khi cuộc sống hằng ngày của chúng ta gần như phụ thuộc vào các giao dịch, kết nối trực tuyến.

Sự đa dạng đó khiến cho con người trở nên hết sức khó khăn trong việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Dù hết sức cảnh giác, nhưng các nạn nhân thường rơi vào tình trạng tránh chỗ này, bị chỗ khác, khi bất cứ hành động nào cũng có thể bị giả mạo, bất cứ đối tượng nào mình tiếp xúc cũng có thể là tài khoản "ảo."

Dù giá trị thiệt hại các vụ lừa đảo khi mua hàng trực tuyến thường không lớn, nhưng trên thực tế, những hành vi này được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và có thể bị xử lý theo các cấp độ khác nhau, hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144-2021/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, khi bị lừa đảo qua mạng xã hội, đa số khách hàng thường có tâm lý e ngại, không tố cáo vì giá trị không quá lớn, hoặc không biết đến việc mình có thể tố cáo các hành vi này đến các cơ quan chức năng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo qua mạng khó bị xử lý, và cũng tạo điều kiện cho các đối tượng lộng hành.

Đánh trúng tâm lý

Dù đã có báo cáo về các cuộc gọi deepfake giả dạng gương mặt người thân, trên thực tế hình thức lừa đảo này lại không quá phổ biến tại Việt Nam.

Bởi hình thức này đòi hỏi phải sử dụng công nghệ cao, bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt của người Việt Nam vẫn có tính cộng đồng cao, bố mẹ thường sống chung cùng con cái, nên những cuộc gọi giả dạng người thân khó có khả năng thực hiện.

Lua dao qua mang: Vi sao canh bao roi van co nguoi dinh bay? hinh anh 2Một quảng cáo kiếm tiền nhờ like TikTok với những biên lai chuyển tiền dùng để chứng minh. (Nguồn: Vietnam+)

Do vậy, hình thức lừa đảo qua mạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng những chiêu thức tâm lý. Các đối tượng bị lừa đảo qua mạng cho biết họ thường bị đánh đòn tâm lý, khiến phản ứng lập tức của họ là hoang mang, lo lắng không còn cơ hội để tự xác minh lại vấn đề mà chỉ muốn nhanh chóng kết thúc vụ việc.

Thủ đoạn lừa đảo điển hình của trường hợp này là giả dạng cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà "vô tình" liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh... Trong tình huống này, nạn nhân thường mất bình tĩnh, mù mờ thông tin, hoảng sợ trước việc mình có thể bị kết án và nhanh chóng tìm cách chuyển tiền "chạy" tội.

Một dạng tâm lý khác là giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu... Đây là hình thức lừa đảo dễ dàng xác minh nhất, bởi bản thân người bị lừa không bị đe dọa về tính mạng hay có nguy cơ phạm tội. Tuy nhiên, khi mới xuất hiện, vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo này do quá hoang mang lo sợ, và do sự đốc thúc liên tục của các đối tượng lừa đảo.

Tuy nhiên, chiêu thức tâm lý chính các đối tượng lừa đảo sử dụng vẫn là "việc nhẹ lương cao." Trên mạng xã hội, những bản tin thông báo tìm việc online, tuyển dụng công việc tại nhà thường xuyên xuất hiện tại các hội, nhóm cư dân, bán hàng.

Những công việc này đều có đặc điểm chung là có vẻ khá dễ dàng, ai cũng có thể thực hiện được. Ví dụ như những lời chào mời "nhận 10.000 đồng cho một lượt like video TikTok." Người đăng ký chỉ cần like đủ 10 video trên TikTok và chụp ảnh gửi lại để báo cáo sẽ nhận được 100.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi chụp ảnh, người đăng ký lại nhận được thông báo sẽ phải tiếp tục đóng tiền mua các gói cao hơn thì mới rút được tiền khoản tiền trước. Nhưng những người tham gia sau khi đóng tiền mua thêm các gói việc làm cao hơn sẽ bị chặn tin nhắn, không truy cập vào được app... và mất trắng tiền.

Cảnh giác vẫn bị lừa

Những lời cảnh báo về lừa đảo qua mạng, những bài học lừa đảo qua mạng xuất hiện liên tục trên các diễn đàn, bản tin. Tuy nhiên, ngoài những biện pháp giúp phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo ngay lập tức như gọi điện thoại trực tiếp cho người nghi bị giả mạo, "hoãn binh" để chờ kiểm tra thông tin, các nạn nhân vẫn khó tránh khỏi bẫy do các đối tượng có nhiều cách thức để tạo lòng tin.

Người viết bài cũng đã từng thử đăng ký công việc với lời hứa hẹn hấp dẫn "nhận 10.000 đồng cho mỗi lượt like TikTok." Khi thử tiếp cận các đối tượng lừa đảo việc làm trên mạng, người viết bài đã đặt câu hỏi về tên công ty chủ quản, ngay lập tức các đối tượng lừa đảo cung cấp ngay thông tin về Công ty Trách nhiệm hữu hạn H.D và địa chỉ trụ sở.

Thường thì khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm khi các đối tượng cung cấp các thông tin pháp nhân. Tuy nhiên, hiện tại, việc thành lập một công ty tư nhân khá đơn giản. Chỉ cần căn cước công dân và địa chỉ trụ sở, chỉ sau 3 ngày, một người hoàn toàn có thể đăng ký thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Đây cũng là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo thực hiện những hành vi của mình.

Ngoài ra, các đối tượng còn chủ động đưa ảnh chụp căn cước công dân để tạo lòng tin. Những người mua hàng hay tham gia các chương trình trên mạng thường sẽ chỉ xác nhận sự tồn tại của một chiếc căn cước công dân, mà không tiến hành bước xác minh tiếp theo rằng liệu nhân vật trong căn cước công dân đó thật sự tồn tại, và đúng là đối tượng mình trao đổi hay không.

Việc lừa đảo mua hàng qua mạng cũng ngày càng trở nên tinh vi. Việc xem thông tin phản hồi của các khách mua hàng trước, yêu cầu kiểm tra video, hình ảnh thật... cũng không còn đủ độ tin cậy chắc chắn đối với khách mua hàng, khi các đối tượng có thể dễ dàng sử dụng nhiều nick ảo để tương tác tăng giá trị hàng, có thể lợi dụng kẽ hở khi giao hàng để tráo hàng kém chất lượng trước khi giao cho khách.

Bảo mật thông tin cá nhân vẫn là biện pháp cần thiết nhất

Khi rơi vào tình huống bị các đối tượng giả mạo lừa đảo qua mạng, thường các nạn nhân rất khó tỉnh táo để tránh khỏi việc bị rơi vào bẫy. Vì vậy, biện pháp tốt nhất đến hiện tại vẫn là phòng còn hơn chống.

Hầu hết, các đối tượng lừa đảo thường nắm được một phần thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng như các "chiêu" về tâm lý. Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng.

Nếu có điều kiện, cần sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.

Với những người có tuổi, đối tượng chính của những kẻ lừa đảo trên mạng, sự hỗ trợ của người thân là hết sức quan trọng.

Bà Châu (50 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) cho biết khi mang điện thoại đến cửa hàng để sửa chữa, bà thường không ngần ngại cho những nhân viên cửa hàng biết mật khẩu Facebook, mật khẩu email để cài đặt lại máy.

Tuy nhiên, con gái bà khi biết chuyện đã giải thích những nguy cơ khi người khác có được tài khoản Facebook, Zalo của mình, và giúp bà đổi lại một loạt mật khẩu để tránh bị người xấu đánh cắp thông tin. 

Do đó, những người trẻ tuổi hơn trong gia đình cần giúp người thân lớn tuổi hiểu được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin, cũng như thường xuyên cập nhật các tình huống lừa đảo trên mạng để phòng tránh, hạn chế tối đa rủi ro./.

(Vietnam+)