Lua dao hang chuc ty dong, cuu nhan vien ngan hang linh 19 nam tu hinh anh 1Bị cáo Lê Thị Thương tại tòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 20/3, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 19 năm tù đối với bị cáo Lê Thị Thương (35 tuổi, cựu nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh Gia Lai) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Tòa cáo buộc tổng số tiền bị cáo Lê Thị Thương dùng thủ đoạn gian dối để vay và chiếm đoạt của 15 người là hơn 19,6 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, lợi dụng danh nghĩa là nhân viên của một ngân hàng lớn, có chi nhánh ở tỉnh Gia Lai và các mối quan hệ quen biết, từ tháng 3/2018, Lê Thị Thương bắt đầu việc vay, mượn tiền của một số cá nhân rồi cho người khác vay lại để đáo hạn ngân hàng, nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Số tiền giao dịch mỗi lần từ 200 triệu đồng đến 800 triệu đồng, thời hạn vay từ 3-7 ngày trả cả tiền gốc và tiền lãi theo thỏa thuận. Hình thức giao nhận tiền thường được thực hiện gián tiếp qua các tài khoản ngân hàng của một số người khác.

Khoảng tháng 8/2018, Lê Thị Thương quen biết và cho ông Võ Văn Thịnh (sinh năm 1979, trú tại phường Phù Đổng, thành phố Pleiku), kinh doanh bất động sản, vay tiền đáo hạn một số khoản nợ tại ngân hàng. Ông Thịnh hứa hẹn sau khi được ngân hàng giải ngân, sẽ trả lãi và gốc.

Tháng 10/2019, Thương tìm hiểu và vay của Chu Nữ Diệu Huyền (sinh năm 1985, trú phường Phù Đổng, thành phố Pleiku) số tiền hơn 1,6 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản của ông Thịnh.

Một thời gian sau, do ông Võ Văn Thịnh không trả số tiền đã vay đúng thời hạn cam kết nên Lê Thị Thương lại xoay vòng vay tiền của các cá nhân khác như Vũ Ngọc Hòa, Vũ Thị Hiếu, Vũ Thị Huệ, Nguyễn Thị Hạnh, Đinh Xuân Tuấn, Nguyễn Thị Thu Sương để trả tiền cho Chu Nữ Diệu Huyền, rồi xoay vòng trả nợ tiền gốc và tiền lãi cho các cá nhân.

 

[Lừa chạy việc để chiếm đoạt tiền, nữ giáo viên lĩnh án 10 năm tù giam]

Đầu tháng 12/2019, mặc dù đã mất khả năng thanh toán các khoản tiền vay gốc và tiền lãi, nhưng để tiếp tục vay được tiền, trả tiền gốc và tiền lãi xoay vòng cho những người cho vay trước đó, Lê Thị Thương đã mở rộng tìm kiếm những người cho vay tiền bằng việc đưa ra thông tin không có thật về việc làm đáo hạn ngân hàng, hứa hẹn trả lãi suất cao, đầu tư bất động sản kiếm lời để những người thân, gia đình, bạn bè tin tưởng là thật, nên đã huy động tiền đưa cho Thương vay.

Đến tháng 5/2020, Lê Thị Thương mất khả năng kiểm soát dòng tiền, không xác định được số tiền đang nợ nên bị lâm vào tình trạng căng thẳng, đau ốm, khủng hoảng tinh thần. Đến ngày 25/6/2020, Thương bị Chu Nữ Diệu Huyền ép ký giấy vay tiền và biên bản chốt công nợ với bà Lê Thị Thu Hà trong khi chưa đối chiếu được công nợ với Huyền, nên Lê Thị Thương đã đến Công an phường Hoa Lư, thành phố Pleiku trình báo vụ việc.

Do không có khả năng thực hiện chi trả nợ gốc và lãi nên có 15 người đã làm đơn tố giác Thương vay và bị chiếm đoạt hơn 19,6 tỷ đồng. Sự việc vỡ lỡ, Thương đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Trên cơ sở tài liệu chứng cứ đã thu thập, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xác định, trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2020, Lê Thị Thương đã đưa ra thông tin gian dối để vay và chiếm đoạt tổng số 19,6 tỷ đồng của 15 cá nhân, từ trên 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng.

Ngoài số tiền này, còn nhiều khoản tiền hàng chục tỷ đồng khác mà Lê Thị Thương đã vay, hay việc Lê Thị Thương cho Võ Văn Thịnh vay, được xác định là vụ việc dân sự, sẽ được xem xét nếu các bên có đơn kiện ra tòa.

Ngoài số tiền trên, Lê Thị Thương còn bị bốn cá nhân khác tố cáo chiếm đoạt hơn 28,7 tỷ đồng, nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra xác định việc vay mượn tiền này là thỏa thuận dân sự, không có cơ sở khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.

Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)