Lợi thế về thuế, tôm Việt tăng cạnh tranh tại EU

08:09 - 11/10/2020

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, với lợi thế về thuế, mặt hàng tôm đã có nhiều tín hiệu tích cực khi liên tục gia tăng các đơn hàng xuất khẩu sang EU trong tháng qua.

tom.jpg
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh)

Xuất khẩu lô tôm đầu tiên hưởng thuế 0% vào EU

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU, nhất là hàng hóa nông sản. Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu là vô cùng lớn.

"Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nói.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang châu Âu và Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2020. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế hiện nay là 12% đến 20% sẽ về 0% ngay như tôm sú đông lạnh. Sau 5 đến 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%.

Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến, xuất khẩu tôm sang EU tháng 9 năm nay có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Mới đây nhất, những container đầu tiên chuyên chở sản phẩm tôm nước lợ của Công ty TNHH Thông Thuận hưởng thuế suất 0% đã chính thức rời kho xưởng để bay sang thị trường EU.

Ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm 2019 sản xuất tôm thương phẩm của tỉnh có quy mô trên 1.000ha, với sản lượng khoảng 10.000 tấn. Sản xuất tôm giống với sản lượng trên 34 tỷ con và ước trên 36 tỷ con post vào năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong lĩnh vực chế biến, tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group có hai nhà máy. Một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Thành Hải tỉnh Ninh Thuận và một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Suối Dầu tỉnh Khánh Hòa.

thu-truong-tien-5-15998071235842109226285.jpg
Những lô tôm đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu theo EVFTA.

Doanh số xuất khẩu của hai nhà máy hàng năm đạt 100-120 triệu USD; với cơ cấu thị trường: Nhật Bản chiếm 35%; châu Âu chiếm 45%; Mỹ chiếm từ 10-15%, còn lại các thị trường khác. Quy trình sản xuất của công ty Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu.

Toàn bộ các xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP…. Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của quốc tế.

Đối với thị trường Châu Âu công ty có đầy đủ các chứng chỉ: GLOBAL GAP, ASC, BRC, BAP 3 SAO, IFS, BSCI, SEDEX, BAP 4 SAO tạo ra nguồn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chất lượng cao; được khách hàng các nước tin tưởng, thị trường luôn tăng trưởng.

Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam tham gia EVFTA các đơn hàng của công ty tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệt thống. Tính tới 31/8/2020, doanh thu hoạt động xuất khẩu của toàn hệ thống đạt gần 70 triệu USD.

Tháng 9/2020, Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất vào Châu Âu khoảng 4,5 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020 doanh số xuất khẩu vào EU của Thông Thuận group đạt khoảng 45 triệu USD.

Xuất khẩu tăng trưởng tích cực

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi xuất khẩu thủy sản tháng Tám vẫn tiếp tục đà suy giảm do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì xuất khẩu tôm, cá ngừ vào EU đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Từ tháng 3-6/2020 khi dịch COVID-19 lây lan mạnh ở EU nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động thương mại và vận tải xuyên biên giới đã khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục.

tom-thong-thuan-2-1599807983404259676121.jpg
Công nhân Công ty TNHH Long Thuận chế biến tôm xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong hai tháng Bảy và Tám, xuất khẩu tôm vào EU có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng Bảy xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng Tám ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của VASEP, cùng với việc EU từng bước kiểm soát được dịch COVID-19 thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 cũng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có các mặt hàng thủy sản. 

Cụ thể, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức thuế từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay. 

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, hiện chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Sau 5 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng tôm khác đang có mức thuế 18-20% cũng được xóa bỏ thuế.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng thuế GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản là 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.

Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng có xu hướng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

Nhận định về xu hướng thị trường tôm EU, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà nhập khẩu tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Với những tín hiệu lạc quan trong hai tháng vừa qua, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Nhanh chóng gỡ thẻ vàng IUU

Các chuyên gia khuyến nghị những năm gần đây người tiêu dùng EU ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng này lại càng được thể hiện rõ nét. Người dân EU ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Việt Nam là diện tích nuôi trồng tôm đạt chứng nhận của EU còn rất ít và hoạt động khai thác hải sản vẫn đang vướng cảnh báo thẻ vàng IUU.

Do đó, để tận dụng được các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, gia tăng thị phần hàng thủy hải sản Việt Nam tại EU, doanh nghiệp và Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn và nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng IUU trong khai thác hải sản.

https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-loi-the-ve-thue-tom-viet-tang-canh-tranh-tai-eu-post37703.html