Lợi ích lâu dài
12:09 - 19/07/2023
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 18/7 chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050. Biển chúng ta rộng mênh mông, tại sao vẫn cần thiết phải có quy hoạch?
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 18/7 chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050. Biển chúng ta rộng mênh mông, tại sao vẫn cần thiết phải có quy hoạch?
Việt Nam là quốc gia biển, có bờ biển dài trên 3.260km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành ven biển. Biển Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển... Tuy nhiên, không thể chủ quan cứ dựa vào ưu đãi thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc”; vì nguồn lợi từ biển cũng không phải “vô tận”.
Hơn nữa, khai thác nguồn lợi từ biển, trong đó có đánh bắt thủy sản, không chỉ vì hôm nay, mà còn phải biết để dành, tái tạo cho muôn đời con cháu mai sau. Bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi, có ý nghĩa là bảo vệ không gian sống.
Quy hoạch được xây dựng trong bối cảnh hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển và vùng nội địa đang bị suy giảm nhanh chóng do các hoạt động khai thác quá mức, thậm chí hủy diệt. Cường lực khai thác thủy sản ngày càng gia tăng, nhất là ở vùng biển ven bờ do lượng tàu còn lớn và vẫn tồn tại việc sử dụng ngư cụ đánh bắt có tính tận diệt (như chất nổ, xung điện, lưới kéo) gây hại lớn cho nguồn lợi thủy sản.
Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn tiếp diễn phức tạp, không chỉ trên vùng biển Việt Nam mà đã xảy ra một số vụ ngư dân ra vùng biển quốc tế đánh bắt trái phép, vi phạm IUU... Ngay cả cơ sở hậu cần nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dẫn đến khó quản lý tàu cá cũng như sản lượng khai thác. Công tác tuần tra, kiểm soát chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng vi phạm chưa được ngăn chặn kịp thời.
Tài nguyên biển và hải đảo gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Do vậy, Quy hoạch phải bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường của các loài thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo tồn đa dạng sinh học, tăng diện tích thủy vực được bảo vệ, bảo tồn tại các vùng biển, vùng nội địa dựa trên cách tiếp cận thận trọng và tiếp cận dựa vào hệ sinh thái.
Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản chính là vì lợi ích cộng đồng; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản. Kinh tế biển bền vững phải là kinh tế xanh.