Lộc rừng

14:10 - 17/08/2021

Sống trong những tán rừng sâu, lan rừng đã trở thành loài cây được nhiều người tìm mua và có giá trên thị trường. Nắm bắt nhu cầu ấy, không ít người dân các xã, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh đã trèo đèo, lội suối, vào rừng lấy lan về bán cho các thương lái. Để săn được những loài lan quý, hiếm không đơn giản bởi những nguy hiểm rình rập chốn rừng sâu.

loc-rung-1629154440.jpg
Lan rừng được người dân bản địa bán tại chợ đêm thị trấn Tủa Chùa

Mưu sinh nhờ “lộc” rừng

Nhiều năm nay, chợ phiên thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa được giới chơi lan biết đến như một “chợ lan rừng” lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Dạo quanh một vòng các điểm bán lan, chúng tôi thấy kẻ bán, người mua tấp nập từ chập tối thứ 7 đến cả ngày chủ nhật hàng tuần. Lan rừng ở đây phong phú các loài như: Kim điệp, long tu, hạc vĩ, đai châu, thủy tiên, đuôi cáo, chồn… với giá bán tùy từng loại và theo chất lượng cá thể.

Chị Phạm Thị Thương, ở thị trấn Tủa Chùa là người bán buôn, bán lẻ lan rừng đã nhiều năm cho biết: Để đón mua được những giò lan đẹp từ người dân bản địa, tôi phải đi chợ từ rất sớm. Dân buôn chúng tôi thường bán theo giò, hoặc cân lên để tính tiền với giá cả dao động từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng/kg. Mình bán theo cân là lan rẻ tiền hơn; còn bán khóm, bán bụi thường là loại đắt tiền. Đối với khách hàng ở xa, qua live stream tại mỗi phiên chợ tôi cũng chốt hàng chục đơn rồi đóng gói lan rừng vào các hộp xốp gửi theo đường bưu điện đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Hiện nay, lan rừng không còn nhiều. Ngoài điểm bán lớn tại Tủa Chùa, còn nhiều điểm khác như: chợ Mường Thanh, khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) cũng bày bán khá nhiều loại lan và luôn có sẵn những phụ kiện để trồng như: Gỗ, chậu, than, phân bón... Nếu không có tiền triệu để mua một giò lan quý về chơi thì cũng chỉ vài trăm nghìn đồng là đã có một giò lan rừng. Với những người bán lan rừng ngày nào gặp mối cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, trang trải cuộc sống như một nghề mưu sinh.

Mang khóm lan đai châu xuống chợ bán cho lái buôn, anh Mùa A Dơ, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) chia sẻ: Kiếm lan rừng rất khó, có khi ăn ngủ trong rừng vài ngày mới được một vài khóm. Như nhiều loài lan khác, đai châu là loài thực vật sống gửi trên cây gỗ, chịu đựng sương gió. Muốn lấy được cây đòi hỏi người hái phải leo trèo giỏi, không sợ độ cao.

Hành trang của những chuyến đi săn lan rừng gồm bao tải, dao, dây thừng, đinh mười phân, búa len lỏi vào những cánh rừng sâu. Có lần thấy khóm lan quý mọc trên thân cây cổ thụ cao chót vót. Dù trước đây, nhiều người dân đi qua khu vực này biết có hoa lan quý nhưng không ai dám lấy. Vì mưu sinh, nhóm tôi mạo hiểm, cột người vào thân cây, đinh đóng đến đâu, trèo đến đấy để hái khóm lan.

Nguy cơ tận diệt

Tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, từ lâu đã có nhiều người chơi lan rừng, sưu tầm từ vài chục đến hàng trăm giò lan các loại. Chị Bùi Thu Hoài, phường Mường Thanh, đam mê chơi lan đã hơn chục năm nay cho biết: Đặc điểm lan rừng là thân khỏe, cứng cáp, chuỗi hoa dài, tròn đều, sắc hoa tươi, hương dịu nhẹ, thơm dai, lâu tàn nên được người chơi ưa chuộng. Người chơi lan phải hiểu rõ tập tính của từng loài lan để có cách chăm sóc phù hợp: phòng nấm bệnh như thế nào, chế độ dinh dưỡng ra sao, tưới nước ít hay nhiều... Để chăm một giò lan rừng tươi tốt, nở hoa đúng thời điểm không dễ. Nhiều tay chơi chuyên nghiệp vẫn trồng không thành công nhiều giống lan rừng quý hiếm. Qua nhiều năm, chị Hoài đã sở hữu hàng trăm loại lan như: Long Tu, kim điệp, sơn thủy tiên, giả hạc... Biết nguồn lan rừng đang ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là với loài lan quý hiếm, dù khách tìm đến tận nơi hỏi mua với giá rất cao cũng chị Hoài cũng không bán. Vì muốn giữ lại nguồn gen quý và tìm cách tự nhân giống theo phương pháp thủ công và hi vọng sẽ nhân thành công.

Thời gian qua, do nhu cầu sưu tầm, mua, bán lan rừng ngày một gia tăng nên việc săn tìm và khai thác lan trong những cánh rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh cũng trở nên sôi động. Mặc dù vậy, nhiều thổ địa săn lan cho biết trước đây chỉ mất 1 - 2 ngày vào rừng là kiếm được cả bao tải lan. Nay phải đi xa hơn, mất nhiều ngày hơn mới có một, hai giò, hoặc vài ki lô gam nhánh về bán cho thương lái. Có chuyến đi không được nhánh lan nào. Tình trạng này kéo dài, rừng sẽ không còn lan và nguy cơ tuyệt chủng một số loài lan bản địa quý hiếm hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo thống kê, ở Việt Nam có gần 1.000 loài hoa phong lan, được chia làm hai dòng là phong lan sống trên những thân cây gỗ, và địa lan thường nở hoa vào mùa xuân, sống trên gành đá hoặc đồi đất. Những loài hoa lan quý thường là tiên vũ, đuôi chồn, đuôi cáo, lan hồ điệp hay móng rồng. Còn ở Điện Biên, thống kê có khoảng 200 loài phong lan quý hiếm, có thời điểm trên địa bàn tỉnh rộ phong trào đi kiếm lan để bán sang Trung Quốc.

Trong khi việc khai thác ồ ạt để phục vụ nhu cầu chơi phong lan như hiện nay, thì vấn đề bảo tồn những loài lan quý hiếm trong môi trường tự nhiên là vô cùng khó khăn. Nhiều cánh rừng ở địa bàn vùng cao đã bị tàn phá, những cây cổ thụ bị đốn hạ khiến môi trường sống của các loài lan cũng đang bị thu hẹp và dần biến mất. Nguồn lan rừng ít dần. Việc khai thác theo kiểu tận diệt cùng với vấn đề bảo vệ lâm sản còn những hạn chế khiến lan rừng đang đứng trước nguy cơ cùng kiệt!

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

 

 
Bạn đang đọc bài viết "Lộc rừng" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang Hội nhập | Hotline: 08.4646.0404
https://vanhoavaphattrien.vn/loc-rung-a5460.html