Loại bỏ chứng chỉ trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ là cần thiết!

14:26 - 03/06/2021

Đó là chia sẻ của ĐBQH khoá XIV Lưu Bình Nhưỡng với PV Pháp luật Plus xung quanh việc Bộ Nội vụ đề nghị bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ, ngoại ngữ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 28/5 báo cáo về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã nêu các bất cập, tồn tại của công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho công chức, viên chức.

Theo Bộ Nội vụ thì quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về chuẩn đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng.

Bên cạnh đó, còn sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

187486139_1478463272552073_1194190076239236657_n

Ông Lưu Bình Nhưỡng- ĐBQH khóa XIV trao đổi với Pháp luật Plus.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp luật Plus, về việc, Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, ông Lưu Bình Nhưỡng-ĐBQH khóa XIII cho hay:

“Theo quy định trước kia, yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng đối với công chức, viên chức đã và đang gây nhiều bất cập, tốn kém và lãng phí thời gian tiền bạc, đặc biệt là “vấn nạn” chứng chỉ giả, chứng chỉ thật.... học giả.

Điều này dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ công chức, họ hoài nghi cán bộ mang tiêu chuẩn đó không được trong sáng, đánh đồng người có học thật với cả bằng giả hoặc là bằng thì bằng thật nhưng trình độ giả…                                 

Việc Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng bỏ quy định về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, điều này sẽ được cử tri và người dân cả nước đồng tỉnh ủng hộ.

Tuy nhiên, chúng ta càng quy định các tiêu chuẩn này sát với thực tế bao nhiêu thì chính chúng ta đang tiết kiệm các nguồn lực cho xã hội và chúng ta có quyền nâng cao năng lực chuyên môn.

Để thực hiện điều này, trước hết chúng ta phải hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này một cách cụ thể".

cong-tac-can-bo-yen-02-0736

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

"Theo tôi, phải phân ra làm hai loại: Một là, tiêu chuẩn chính để đáp ứng yêu cầu chính của công việc gọi là tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Hai là, yêu cầu với tư cách là điều kiện để bảo đảm thực hiện các chuyên môn nghiệp vụ đó.

Như vậy, quá trình chúng ta nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học,… tức là các điều kiện căn bản về chuyên môn nghiệp vụ và các điều kiện cơ bản để đáp ứng các yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thì cần xác định rõ ràng trình độ, yêu cầu sử dụng để đưa ra quy định phù hợp”- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Bộ Nội vụ cho rằng cần bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đề nghị cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí làm việc làm.

Như vậy sẽ giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Bộ Nội vụ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; nghiên cứu quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp cho phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức; xem xét lồng ghép các chương trình bồi dưỡng do bộ quản lý chuyên ngành quy định. 

 Ly Ly

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/loai-bo-chung-chi-trong-cong-tac-tuyen-dung-bo-nhiem-can-bo-la-can-thiet-d157262.html