Lo ngại tai nạn tăng sau giãn cách: Nâng cao ý thức tự giác của dân
10:27 - 19/10/2021
Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” nới lỏng dần giãn cách xã hội thì áp lực về trật tự an toàn giao thông sẽ tăng cao, đây là lo ngại của nhiều nhà quản lý.
Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững
Nhìn lại kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng năm 2021 cho thấy lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Trong đó, tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người.
So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.527 vụ (23,64%), số người chết giảm 817 người (16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (28.38%).
Để đạt được kết quả trên, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân chủ quan là do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Lực lượng Công an đã thực hiện hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, việc tổ chức hệ thống chốt kiểm dịch với sự tham gia của lực lượng Cảnh sát giao thông (từ cấp tỉnh đến cấp huyện) trên những tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19…
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khách quan là do tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp nên từ cuối tháng 6/2021, ở nhiều địa phương, nhất là thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Một số địa phương tuy không thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn nhưng ban hành các quy định chặt chẽ về phòng, chống dịch đối với người và phương tiện ra, vào địa bàn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu (nhất là hoạt động giao thông trên các tuyến liên tỉnh và giao thông nội bộ của các địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16). Điều đó dẫn đến hoạt động giao thông bị đình trệ, số lượng và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm nhiều so với trước, góp phần vào việc kéo giảm tai nạn giao thông.
[Gần 4.200 người tử vong vì tai nạn giao thông trong chín tháng]
Số liệu phân tích từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy lưu lượng phương tiện bình quân trên đường của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương trong giai đoạn áp dụng chỉ Chỉ thị số 15 chỉ bằng 40-50% và khi áp dụng Chỉ thị 16 chỉ còn bằng 10-15% so với lưu lượng giao thông ngày bình thường; lưu lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ kết nối với khu vực 19 tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị số 16 và trên các tuyến ra, vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh từ sau khi áp dụng chỉ thị 19/CT-UBND thành phố Hà Nội chỉ còn ở mức từ 15-20% so với trước dịch. Hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường hàng không cơ bản ngưng trệ từ ngày 25/8/2021.
Tuy nhiên, điều đáng nói, trong bối cảnh giao thông đó, vẫn còn 9 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2020 là Quảng Bình, Tiền Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Thái Bình, Kiên Giang, Hậu Giang, Điện Biên và Quảng Trị, trong đó 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Điện Biên và Quảng Trị. Có thể thấy, tỷ lệ giảm ba tiêu chí về tai nạn giao thông khó bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào yếu tố khách quan, khi lưu lượng phương tiện giảm đáng kể.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông. Số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra có giảm nhưng vẫn còn không ít; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Sau giãn cách, tai nạn giao thông lại tăng
Thời gian gần đây, khi một số địa phương khu vực phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, theo ước tính đã có tới hàng trăm nghìn người dân tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận tự đi phương tiện cá nhân về quê; trong đó có di chuyển bằng xe máy trên cự ly dài về các tỉnh miền Tây, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và thậm chí các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, điển hình, chỉ trong ngày 4/10, đã xảy ra 2 vụ, trong đó, vụ trên đường Hồ Chí Minh đoạn đèo Lò Xo làm hai người đi xe máy thiệt mạng, vụ tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) làm một người thiệt mạng và một người chấn thương rất nặng.
Lo ngại tình hình tai nạn giao thông gia tăng đang hiển hiện, khi dịch bệnh COVID-19 từng bước được kiểm soát, kinh tế-xã hội sẽ từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông, vận tải dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch COVID-19.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế-xã hội (từ ngày 1/10 đến ngày 7/10), nới lỏng giãn cách xã hội, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vận tải được phép hoạt động trở lại, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết; so với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ, tăng 3 người chết.
Qua phân tích 12 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát (chiếm 50% số vụ), không giữ khoảng cách an toàn (chiếm 16% số vụ).
Khi ý thức tham gia giao thông chưa tốt, những vi phạm do lỗi của người điều khiển phương tiện vẫn là chủ yếu, như phân tích của Cục Cảnh sát giao thông trên 5.066 vụ tai nạn giao thông: 20,57% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 10,11% do chuyển hướng không chú ý; 5,37% do vượt xe sai quy định; 3,18% do vi phạm tốc độ xe chạy; 4,11% do sử dụng rượu bia... tai nạn giao thông sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chỉ ra rằng tình hình vi phạm quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là “khi chúng ta nới lỏng đến đâu thì vi phạm tăng đến đấy,” nguyên nhân khách quan là do một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, kỹ năng về trật tự an toàn giao thông, không ít người cố tình vi phạm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe,” không phóng nhanh, vượt ẩu, không vượt đèn đỏ đi đúng phần đường, làn đường và đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy; đặc biệt là tiếp tục hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn trong điều kiện thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý 4/2021 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, số vụ, số người tử vong và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn cao.
Trong quý 4/2021, khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, cần có các biện pháp hết sức quyết liệt để giữ được tính bền vững của việc giảm cả ba tiêu chí về an toàn giao thông. Trong đó, sự phối hợp, chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các cơ quan, ban, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng.
Cùng với đó là việc kiểm tra, kiểm soát về chất lượng của các cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải, kiểm soát tải trọng..., đặc biệt là vấn đề ý thức tham gia giao thông của người dân sau giãn cách xã hội./.