Lo ngai suy thoai kinh te My, gia dau the gioi giam 2% phien 11/5 hinh anh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% xuống mức thấp của một tuần trong phiên 11/5 do những bất đồng về trần nợ của Mỹ làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.

Trong khi đó, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng và số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc cũng gây sức ép lên thị trường.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,43 USD (1,9%) xuống 74,98 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,69 USD (2,3%) xuống 70,87 USD/thùng.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều ghi nhận mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 4/5.

[Lượng xăng dự trữ của Mỹ giảm đẩy giá dầu châu Á tăng trở lại]

Đồng USD mạnh lên khiến dầu trở nên đắt hơn cho những khách hàng nắm giữ đồng tiền khác, đồng thời củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất, nhưng không có triển vọng cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu do chi phí vay tăng, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi Quốc hội tăng trần nợ đang ở mức 31.400 tỷ USD và ngăn chặn một vụ vỡ nợ chưa từng có có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch và Associates cho biết những bất ổn liên quan đến trần nợ của Mỹ, các vấn đề ngân hàng gần đây có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng đối với phần lớn ngành dầu mỏ và khả năng suy thoái vẫn cao là trở ngại đáng kể đối với thị trường dầu mỏ.

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết việc giữa lãi suất cao trong thời gian dài có thể gây thêm căng thẳng cho các ngân hàng, nhưng sẽ là cần thiết nếu lạm phát vẫn ở mức cao.

Giá sản xuất của Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 4/2023, mức tăng ít nhất trong hơn hai năm.

Trong một tin tức khác của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một kế hoạch sâu rộng nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ ngành năng lượng, một trong những bước tiến lớn nhất cho đến nay trong nỗ lực khử carbon cho nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các khoản vay ngân hàng mới của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến vào tháng 4/2023, làm tăng thêm lo ngại rằng quá trình phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế đang mất đà.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA, cho biết giá dầu cũng đã đi xuống sau một loạt dữ liệu khác của Trung Quốc cho thấy việc mở cửa nền kinh tế trở lại sau đại dịch COVID-19 của nước này không như kỳ vọng.

Thị trường dầu phần lớn phớt lờ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho năm 2023, trong đó dự báo nhu cầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ tăng.

OPEC dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, tăng so với dự báo 760.000 thùng/ngày trong tháng trước.

Tuy nhiên, OPEC cho rằng sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc có thể bị lấn át bởi những rủi ro kinh tế ở các nơi khác, trong đó có cuộc chiến về trần nợ của Mỹ.

Về nguồn cung ứng, Iraq đã gửi yêu cầu chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu thông qua một đường ống chạy từ Khu vực bán tự trị Kurdistan ở miền Bắc Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bổ sung 450.000 thùng/ngày vào dòng chảy dầu toàn cầu./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)