Liên minh châu Âu đã soạn thảo kế hoạch nhằm thúc đẩy các quốc gia hướng tới việc sử dụng các hợp đồng điện giá cố định, dài hạn hơn, như một phần của cuộc cải cách thị trường điện châu Âu nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng giá tăng đột biến.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ chính thức đưa ra các đề xuất cải cách vào ngày 16/3. Trước đó vào năm 2022, EC đã cam kết đánh giá lại các quy tắc thị trường điện sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, dẫn đến giá năng lượng cao kỷ lục và nguồn cung bị siết chặt.
Dưới đây là một số nội dung chính của các đề xuất.
Xác định giá điện dài hạn
Mục đích của cuộc cải cách là giúp người tiêu dùng hạn chế đối mặt với những biến động ngắn hạn của giá nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đảm bảo rằng nguồn cung điện tái tạo chi phí thấp của châu Âu sẽ chuyển hóa thành các hóa đơn năng lượng thấp hơn.
Để đạt được mục tiêu đó, dự thảo khuyến nghị các quốc gia EU sử dụng các hợp đồng năng lượng dài hạn hơn với mức giá cố định.
Ví dụ, nếu các quốc gia EU muốn hỗ trợ các khoản đầu tư mới vào năng lượng gió, Mặt Trời, địa nhiệt, thủy điện và điện hạt nhân, họ sẽ sử dụng hợp đồng chênh lệch (CfD) hai chiều hoặc một hợp đồng tương đương để thực hiện điều này.
Hợp đồng CfD hai chiều cung cấp cho các nhà phát điện một "giá thực hiện" cố định, bất kể giá trên thị trường năng lượng ngắn hạn là bao nhiêu. Nếu giá thị trường cao hơn giá thực hiện xác định trong hợp đồng CfD, doanh thu tăng thêm mà nhà máy phát điện nhận được sẽ được chuyển cho người tiêu dùng điện cuối cùng.
Các quốc gia cũng nên tạo điều kiện cho việc ký kết các thỏa thuận mua bán điện PPA (một loại hợp đồng dài hạn khác để mua điện trực tiếp từ nhà máy) như cung cấp các biện pháp bảo đảm của nhà nước để giảm thiểu rủi ro cho loại hợp đồng này. Các nhà máy phát điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không nhận được những hỗ trợ này.
Tạo “vùng đệm” cho người tiêu dùng
EU muốn người tiêu dùng có thêm quyền tiếp cận với các hợp đồng điện giá cố định, giúp họ tránh được những khoản thuế quan khiến họ phải tiếp xúc với thị trường năng lượng đầy biến động.
Dự thảo đề xuất sẽ trao cho người thanh toán hóa đơn quyền yêu cầu một hợp đồng giá cố định từ bất kỳ nhà cung cấp điện lớn nào. Hiện tại, người tiêu dùng EU chỉ có quyền yêu cầu một hợp đồng có thể thay đổi giá.
Ủy ban cũng muốn trao cho các chính phủ nhiều quyền hạn hơn để kiểm soát hóa đơn năng lượng nếu chúng tăng quá mức. Nếu điều đó xảy ra, các chính phủ sẽ có thể tạm thời ấn định giá cho tối đa 80% mức điện mà người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ tiêu thụ.
Điều đó có thể giúp tiêu chuẩn hóa những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp mà một quốc gia có thể đưa ra trong một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Các chính phủ EU đã dành gần 700 tỷ euro (khoảng 737 tỷ USD) để bảo vệ các hộ gia đình và công ty khi chi phí năng lượng tăng cao trong giai đoạn gần đây. Nhưng mức chi tiêu giữa các nước không đồng đều, trong đó nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức chi tiêu vượt xa tất cả các quốc gia khác.
Nguồn điện năng “xanh” hơn
Cuộc cải tổ diễn ra khi châu Âu đang cố gắng đưa hệ thống điện trở nên linh hoạt hơn, hỗ trợ việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng của khối này.
Dự thảo quy tắc sẽ cho phép các nhà khai thác mạng lưới điện trả tiền cho những người tham gia thị trường để sử dụng ít điện hơn, hoặc sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong thời kỳ cao điểm về nhu cầu.
[Điện Kremlin thông báo về tương lai của các dự án Dòng chảy phương Bắc]
Các thành viên EU sẽ cần ra đặt mục tiêu quốc gia về lưu trữ năng lượng và tính linh hoạt của bên cầu - theo đó người tiêu dùng năng lượng được trả tiền để tăng, giảm hoặc chuyển đổi hoạt động sử dụng năng lượng của họ nhằm giúp cân bằng lưới điện.
Dự thảo cho biết mục tiêu là giảm thiểu vai trò hiện thời của các nhà máy điện sử dụng khí đốt trong việc cân bằng nguồn cung cấp điện của EU, khi các nước chuyển hướng sang từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Cần cải cách sâu hơn nữa hay không?
Giới quan sát nhận định đề xuất này khó có thể làm hài lòng tất cả các thành viên EU, khi mỗi nước lại đưa ra một mức độ cần cải cách khác nhau cho thị trường điện. Quá trình đàm phán và thông qua các cải cách có thể mất hơn một năm.
Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp nằm trong số những nước đang tìm kiếm một cuộc cải cách sâu rộng hơn. Nhóm này đề xuất nhiều lộ trình khác nhau để "tách rời" giá khí đốt và giá điện, đồng thời thiết kế lại hệ thống định giá điện hiện tại của châu Âu.
Hiện tại, giá điện ở châu Âu được thiết lập dựa trên chi phí vận hành của nhà máy cung cấp phần điện năng cuối cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu chung. Thông thường, đó là một nhà máy khí đốt, vì vậy giá khí đốt tăng đột biến có thể khiến giá điện tăng vọt.
Nhưng tài liệu dự thảo cho thấy EC đã chọn một lộ trình được Đức, Đan Mạch, Latvia và bốn quốc gia khác ưa thích. Những quốc gia này chỉ muốn những điều chỉnh hạn chế.
Họ nói rằng thị trường năng lượng hiện tại của châu Âu đã thúc đẩy giá điện xuống thấp hơn trong nhiều năm và giúp tránh tình trạng thiếu năng lượng.
Ngược lại, những thay đổi mạnh mẽ đó có thể khiến các nhà đầu tư sợ hãi, gây rủi ro cho hàng trăm tỷ euro đầu tư vào năng lượng tái tạo mà châu Âu cần để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu./.